Bắc Ninh: Nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rất lớn







Đây là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tại “Hội nghị Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ” của Bắc Ninh, tổ chức tuần qua. Mặc dù năm 2008 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, lãnh đạo tỉnh đã nỗ lực thực hiện hiệu qủa chủ trương kích cầu của Chính phủ. Nhờ vậy, kinh tế tỉnh vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao (16,2%).



Một trong những vấn đề được tỉnh và ngành Xây dựng Bắc Ninh quan tâm hàng đầu là phát triển nhà ở xã hội. Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Nguyễn Bá Lạc – Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh  cho biết:



– Thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, đề xuất thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc đầu tư xây nhà ở cho người nghèo, các đối tượng chính sách, nhà ở cho người lao động ở KCN, nhà ở cho học sinh, sinh viên (HSSV). Sở đã tiến hành những công tác cơ bản nhất, để trên cơ sở đó tham mưu đề xuất cho tỉnh những giải pháp phù hợp và khả thi trong công tác  này.




Ông có thể cho biết cụ thể nhu cầu về nhà ở của đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh?




– Với dân số hơn 1 triệu người, hiện tỉnh có tổng số hộ nghèo là 19.996, trong đó tại nông thôn 18.265 hộ; tổng số lao động làm việc tại các KCN 33.111 người. Như vậy ước tính có tới 14.900 người có nhu cầu về nhà ở.



Một thực tế khác của tỉnh: Trong tổng số 89.284 CBCNVC, có tới 12.663 người đang ở nhờ, ở tạm hoặc nhà ở quá chật chội. Toàn tỉnh cũng có tới 17.564 học sinh, sinh viên chuyên nghiệp, trong đó 30% có nhu cầu về nhà ở. Tỉnh cũng có khá nhiều KCN (14 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)… Như vậy hiện tại, số người có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn tỉnh là rất lớn.




Phát triển nhà ở xã hội là một trong những chủ trương, giải pháp kích cầu của Chính phủ. Với nhu cầu lớn về nhà ở như vậy, Bắc Ninh có những thuận lợi và khó khăn gì khi thực hiện?




– Thuận lợi cơ bản, lớn và quan trọng nhất trong triển khai công tác này thời gian qua là Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi cụ thể (ưu đãi về đất, thuế); tiếp đến là đã có quỹ đất sạch để bố trí thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Và lãnh đạo tỉnh rất chú trọng công tác này. Song, bên cạnh đó cũng có khó khăn lớn là, ngân sách tỉnh còn hạn chế, nên việc bố trí vốn khá nan giải. Trong khi chủ trương xã hội hoá trong phát triển nhà ở cũng gặp không ít thách thức do tình hình kinh tế cũng như thị trường bất động sản đang suy giảm.



Từ thực tế này, chúng tôi có một số kiến nghị nhằm tăng tính khả thi khi thực hiện: Với nhu cầu cao về nhà ở xã hội, việc đầu tư xây dựng cần có sự tham gia của nhiều chủ thể với nhiều nguồn vốn. Sở Xây dựng đề xuất đầu tư thí điểm 3 dự án nhà ở xã hội trên 3 địa bàn trọng điểm của tỉnh là TP Bắc Ninh (đối tượng chính là CBCNVC, lực lượng vũ trang và HSSV), thị trấn Phố Mới và thị xã Từ Sơn (đối tượng chính là công nhân tại các KCN và SV). Các dự án này được xây dựng trên đất sạch đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với quy hoạch. Từ đề án thí điểm sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng và kêu gọi xã hội hoá đầu tư. Tổng quy mô dự án khoảng 30 nghìn m2, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100 tỷ đồng, với 3 phương án vốn cụ thể.


Nhà ở xã hội do Vinaconex Xuân Mai xây dựng. Ảnh Đoàn Thanh





Thưa ông, với thuận lợi và khó khăn như vậy, kết quả công tác này có thể nhìn nhận, đánh giá như thế nào?




– Trước hết là UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đô thị và nhà ở công nhân các KCN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 về chiến lược. Tiếp đến là việc Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, như ban hành và phê duyệt Quy định tạm thời về điều kiện tối thiểu của nhà ở cho người lao động thuê để ở; chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.



Hiện Sở đang triển khai lập Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đề án xây dựng thí điểm nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách và Đề án xây dựng nhà ở cho HSSV. Các đề án này, dự kiến sẽ trình để UBND tỉnh phê duyệt ngay trong quý II này. Lãnh đạo Sở cũng đã trực tiếp làm việc với Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) để đề xuất cơ chế hỗ trợ trong việc đầu tư nhà ở xã hội.



Song song là kết quả việc bán nhà theo Nghị định 61/CP. Đến hết năm 2008 đã có 1.314 căn hộ được bán xong, hiện 193 căn hộ đang được hoàn chỉnh hồ sơ để bán…



Tiếp đến là kết quả của Chương trình hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. UBMTTQ tỉnh đã chủ trì hỗ trợ chương trình này từ trước, với tổng vốn thực hiện là 13,91 tỷ đồng cho 1.759 căn. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo QĐ 167/2008/QĐ-TTg cũng được triển khai cho 1.284 hộ, với tổng vốn thực hiện là 32,1 tỷ đồng (25 triệu đồng/hộ).



Việc giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp cũng tiến hành đồng thời, trong đó, đầu tư từ ngân sách Nhà nước từ tháng 3/2003 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng khu chung cư số 8 đường Kinh Dương Vương với 82 căn hộ, với 5.400m2 sàn; đầu tư từ các nguồn vốn khác. Thực hiện cơ chế xây nhà ở để bán theo NĐ 71/2001/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư được giao đất phải dành một phần quỹ đất để đầu tư xây dựng chung cư cho người thu nhập thấp…



Tương tự là công tác giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN. Cty Hạ tầng Viglacera đã đầu tư 1 khu chung cư cho công nhân tại KCN Tiên Sơn từ năm 2002, có 54 căn hộ, với 6.500m2 sàn và vừa triển khai xây dựng 150 căn hộ, với 16.000m2 sàn ở khu chung cư mới tại KCN Yên Phong (khởi công tháng 2/2009); Cty CP Kinh Bắc đầu tư 1 khu chung cư 125 căn hộ tại KCN Quế Võ, với 12.000m2 sàn (vừa khởi công tháng 4/2009).



Như vậy hiện tại, căn cứ vào thống kê thực tế, chỉ tính riêng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở HSSV trên địa bàn, Bắc Ninh cần tới 316.575m2 sàn, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, vấn đề nhà ở xã hội đã được quan tâm nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đáng kể so với nhu cầu thực tế. Bởi vậy, hy vọng những kiến nghị sẽ sớm được xem xét, giải quyết.




Trân trọng cảm ơn ông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *