Căn hộ “2 thành 1”


Kiến trúc & Đời sống – Gọi là căn hộ “2 thành 1” không chỉ bởi vì nó là 2 căn hộ được ghép thành 1 căn, mà ở đó còn có sự hòa hợp của hai con người thuộc hai quốc tịch, hai nghề nghiệp khác nhau với cùng một sở thích sống, “gu” thẩm mỹ.








 Buồng khách chính với một bộ salon cùng sắc độ với tường và rèm, chi tiết hộp rèm được chị Ngọc tái tạo từ mảnh giường cổ. Không gian lấy ánh sáng tự nhiên, chỉ dùng một đèn spot và một đèn góc. Chị thích sưu tập tranh sơn dầu, trên tường là bức tĩnh vật của nữ hoạ sĩ Diệu Thuý


Trên hết, gia đình chồng Anh vợ Việt này có chung một kết quả tuyệt vời: một cô con gái xinh đẹp và một cậu ấm dễ thương!


Không có vẻ lạnh lùng “phớt Ăng-lê”, anh Les – chồng chị rất vui vẻ. Sự đầm ấm còn lan toả khắp căn nhà của anh chị. Căn nhà với những món đồ nội thất được chị chọn lựa đơn giản mà cũng rất kỹ càng. Là một trong số những cư dân đầu tiên ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ngay từ khi mua căn hộ tại Mỹ Tú, chị đã quyết định cải tạo lại không gian nội thất vốn có từ hai căn hộ cùng tầng, trở thành một căn hộ kết nối có tính công năng tốt.


Sau khoảng thời gian hơn một năm cải tạo, không gian bên trong đã đem lại cảm giác rộng hơn, tiện lợi hơn so với nguyên bản. Cũng có thể đây chính là “tác phẩm” của một năm học khoá nội thất của chị khi còn ở bên Anh. Là người sáng lập thương hiệu Màn Ta – một nhãn hiệu sang trọng và có uy tín trong giới nội thất, cùng với nhu cầu công việc phải thường xuyên đi lại, nên chị Bảo Ngọc – Pearl Morris hiểu rõ ý nghĩa của “nơi ăn chốn ở” với quan niệm “ở mọi nơi đều tốt, nhưng không đâu tốt bằng nhà mình!”.


Để có được sự đồng nhất về tinh thần nội thất trong hơn 200m2 sống của gia đình, phải kể đến sự “ủng hộ tuyệt đối”của chồng chị. Vốn là dân kinh doanh, anh hiểu và tâm phục với gu thẩm mỹ của vợ.


Bếp, vâng vẫn là bếp, không gian phụ nữ quan tâm nhất, được cải tạo, mở rộng và lược giản! Căn hộ ban đầu thiết kế có một lan can hẹp phía lưng bếp đã được chị cải tạo để tăng diện tích sử dụng và với một khung cửa kính mở rộng. Căn bếp nhỏ đã tươi sáng hơn và đưa thiên nhiên lại gần hơn. Ánh sáng trong căn bếp được kiểm soát bởi hai lớp mành cửa và ấm cúng với một đèn trần ánh sáng vàng. Đồ đạc trong bếp kín đáo, đồ nội thất theo tông nâu nhẹ. Tuy được cải tạo khá mạnh tay nhưng chi tiết vẫn được chị chú tâm. Bếp cũ vốn không có cửa, chị thêm vào khung cửa gỗ nâu sậm kiểu Art Deco để nhận biết không gian.


Việc cải tạo hành lang giữa hai căn hộ để đồng nhất thành một có hiệu quả rõ rệt. Bằng giải pháp vách thạch cao tạo tường giả và một khung hoa văn sắt vừa an toàn, vừa đẹp đã làm cho cửa thang máy trở nên duyên dáng. Sự phân chia, cải tạo không gian hợp lý đến mức không cảm thấy đây là hai căn hộ ghép lại.


Với quan điểm “mỗi người trong nhà có một không gian riêng và cùng tôn trọng không gian chung” nên ngoài mỗi buồng riêng tha hồ bày biện theo ý thích, thì không gian chung được anh chị giáo dục con cái ý thức giữ gìn, ngăn nắp. Đó là thể hiện nếp sống văn minh và tôn trọng người khác. Trong căn nhà của chị mỗi ý kiến của thành viên đều được tôn trọng. Qua việc bài trí không gian sinh hoạt “tôn trọng tính cá nhân” đồng nhất trong không gian chung, thể hiện cái nhìn hiện đại của một phụ nữ Việt trong việc xây tổ ấm.


Việc kiến tạo không gian kiểu Âu châu, với giật cấp, công năng sử dụng riêng biệt, với tinh thần “tối giản” bằng việc kiểm soát “không quá hai màu trong nội thất” tạo cho toàn bộ căn nhà cảm giác nhẹ và duyên dáng, cho dù màu chủ đạo của căn nhà là màu gỗ và “ánh sáng vàng chiếu điểm”.







Chiếc tủ sách cổ kiểu thuộc địa bằng gỗ quý với những chi tiết trang trí bằng đồng nguyên bản cùng tông với gạch men từ Ý

Chị đã vận dụng và sáng tạo với những mảng, chất, hoạ tiết thu mua từ những món đồ gỗ cổ khắp Việt Nam và thế giới để mang đến cho chúng sự phù hợp trong một không gian mới. Việc sáng tạo lại tay vịn cầu thang như một bình phong với hoa văn gạn lại từ những chiếc giường cổ tạo cảm giác đẹp lại thoáng. Hoạ tiết nhắc lại bởi các hộp đèn chiếu trên tường, tất cả đều từ hoa văn giường cổ, tạo hiệu ứng trang trí độc đáo và dễ chịu. Các khung cửa gỗ được giữ nguyên hoạ tiết cổ được đặt vừa đủ trong mỗi không gian, khi thì là cửa sổ, khi lại là vách ngăn. Việc ứng dụng còn thể hiện linh hoạt và tinh tế qua sự tiết chế hoạ tiết bởi các mảng gỗ trơn ghép lại thành bàn hay ghế băng.


Với quan điểm rõ ràng “lựa chọn đồ không được vội vàng và không cần đắt tiền”, chị đã mang về cho gia đình những món đồ có giá trị lâu dài và đem đến cảm giác dễ chịu, tiện lợi nhất. Việc lựa chọn những tượng hay vật dụng trang trí nhỏ cũng được lưu tâm đúng mực mà chủ yếu vẫn mang tính kỷ niệm của gia đình. Ánh sáng là điều chị luôn chú trọng, vì vậy việc lựa chọn đèn và màu rèm cửa khá kỹ càng, đèn rọi tạo vẻ đẹp duyên dáng cho đồ gỗ. Ánh sáng chính từ những khung cửa sổ mở rộng, màu sắc trên rèm được nhắc lại trên vải bọc ghế tạo sự đồng nhất và tinh tế.


Chào tạm biệt anh Les, “người đàn ông hạnh phúc” này cho biết căn nhà là niềm tự hào của anh mỗi khi kể với bạn bè hay gia đình bên Manchester. Để có được một không gian sống với những món đồ gỗ tương tự là điều không tưởng với mức lương của hai người nếu họ sinh sống ở Anh.


Địa chỉ: khu Mỹ Tú, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM
Màn Ta showroom 50 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM ĐT 08 38233650


Bài và ảnh: Tường Huy





















































Góc trang trí trong buồng khách với tượng và đồ gỗ cổ Bắc Hà cùng với tường đá trắng và bức sơn dầu giản dị mang đến cảm giác nhẹ nhõm


Một chiếc đèn thuộc địa mang ánh sáng vàng cho bàn ăn gia đình với đồ gỗ, hộp đèn từ thành giường, khung cửa sổ cũng được thiết kế lại từ một tấm cửa gỗ cổ. Một chiếc bàn để đồ vặt đặt tại cửa ra vào là một trong những món nội thất đầu tay của AA decor. Tường trái là bức ảnh gia đình được ghép giữa hai trong ba nguyên bản sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Trung.



Không gian nhận biết giữa buồng khách và bếp, ánh sáng trong bếp chủ yếu là ánh sáng trời, có được do việc mở rộng nguyên mảng tường sau thành cửa sổ lớn


Từ buồng khách lên buồng ngủ là một cầu thang gỗ kín đáo với vài món sưu tập từ những vùng đất chị đã đi qua

Góc làm việc và tận hưởng riêng tư của anh Les, chồng chị. Đồ hi-tech, kính viễn vọng, tủ sách với những kỷ niệm… đặc biệt chiếc áo số 7 là món quà quý giá từ quê hương Manchester do chính huyền thoại của MU FC Eric Cantona ký tặng anh hồi năm ngoái.



Piano, đồ gỗ sơn mài Trung Hoa, ghế ăn kiểu Âu… ổn thoả trong một không gian chung. Vải bọc ghế có cùng màu với vải rèm tạo sự dẫn dắt trong nội thất. Góc làm việc chỉ cách phòng ngủ bằng một vách ngăn nhẹ có lẽ là nơi bừa bộn nhất với chiếc bàn gỗ trang điểm Mahougany phong cách Art Deco giữ cho không gian cảm giác ấm áp.

 


 

Một góc cầu thang được sắp đặt bằng những món đồ sưu tập

Bệ cửa trước buồng ngủ là nơi chị thích ngồi đọc sách, nó tạo cảm giác thoải mái. Vách ngăn tượng trưng nơi đầu giường là những cánh cửa cổ với đường chạm hoa văn rất tinh xảo. Chiếc tủ nhỏ trong phòng ngủ là một món đồ gỗ cổ Trung Hoa 200 tuổi


 

Buồng ăn lớn dành cho các dịp lễ với cây đàn Yamaha từ những năm 80, chiếc bàn ăn đơn giản được chế lại từ chiếc phản gỗ xưa. Bộ sofa mây chị sắm ở Hong Kong rất ăn nhập với rèm cửa vải mua từ Ấn Độ Chiếc tivi được đặt bất ngờ nhưng hợp lý trong một bàn thờ họ hoạ tiết được cẩn, chạm khắc tinh vi của dân tộc Tiều (Trung Quốc

 


 

uồng ngủ của cô con gái khá ngăn nắp và nữ tính Buồng của cậu con trai lại là “kho”lộn xộn đồ chơi
Mặt bằng tầng 3 hai căn hộ  

Bài trích trong tạp chí Kiến trúc & Đời sống số tháng 10.2009, phát hành từ ngày 5.10.2009. Mời bạn đón đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *