Cầu phao cũ nát vẫn có trạm thu phí











Những cây cầu phao tạm bợ ngày ngày đe dọa an toàn của người qua lại.

KTĐT – Bước lên trên cầu phao, cả đoạn cầu chòng chành, nếu không đứng vững người đi sẽ bị nghiêng ngả, chưa kể những khe thủng vì gỗ ghép ván cầu đã mục ruỗng. Cầu quá hẹp, không đủ cho hai chiếc xe máy lách nhau. Dù cầu đã xuống cấp và cũ nát nhưng một trạm thu lệ phí qua cầu vẫn được dựng lên.

Tồn tại từ hàng chục năm nay, những chiếc cầu phao đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống của người dân dọc sông Đáy trên địa bàn huyện Ứng Hòa và Chương Mỹ (Hà Nội). Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, đoạn sông Đáy dài 22km đã có 12 chiếc cầu phao vắt vẻo bắc qua sông. Những ai chưa từng đi trên loại phương tiện phục vụ giao thông này khi bước xuống cầu lần đầu tiên đều có cảm giác sợ hãi vì độ chòng chành, bập bềnh như say sóng.


Nguy hiểm hơn, những chiếc cầu này đã có tuổi thọ hàng chục năm và chúng được làm bằng những vật liệu tận dụng cũ nát như thuyền nan, thuyền câu cũ, thanh tre làm tay vịn, và những tấm gỗ lát cầu có những đoạn đã mục nát, chỉ cần dẫm chân mạnh cũng gây thủng. Có những cây cầu bề rộng chỉ chừng 1m, không có lan can chắn, chỉ cần sơ ý là cả xe lẫn người đều rơi xuống sông.


Chiếc cầu phao cũ kỹ, ọp ẹp nối xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) với xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) là một trong những cây cầu phao đã xuống cấp nghiêm trọng. Hai bên đầu cầu, người dân đã phải lấy những thanh gỗ bắc nối cho xe máy, xe đạp từ dưới cầu lên bờ vì phần tiếp giáp bờ đã bị hư hỏng hoàn toàn.


Bước lên trên cầu, cả đoạn cầu chòng chành, nếu không đứng vững người đi sẽ bị nghiêng ngả, chưa kể những khe thủng vì gỗ ghép ván cầu đã mục ruỗng. Cầu quá hẹp, không đủ cho hai chiếc xe máy lách nhau nên nếu bên này có người đi thì bên kia, những người khác phải nhường đường.


Dù cầu đã xuống cấp và cũ nát nhưng một trạm thu lệ phí qua cầu vẫn được dựng lên. Mỗi chiếc xe máy muốn sang sông bằng cầu phao để tiết kiệm thời gian phải nộp 3.000 đồng/xe. Những chiếc cầu này được chính quyền địa phương giao cho tư nhân đảm nhiệm làm cầu và đứng ra quản lý thu tiền.


Mỗi khi có thuyền hay phương tiện đường thủy nào chạy dọc trên sông muốn qua lại, chủ cầu phao lại xuống tháo khớp nối, dùng sào, bè đẩy sang hai bên tạo khoảng trống cho thuyền qua lại.


Đã có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm chết người xảy ra trên những chiếc cầu phao tạm bợ này. Trường hợp anh Nguyễn Văn Tứ rơi xuống sông chết đuối lúc nhập nhoạng tối đến bây giờ vẫn gây hoang mang cho những người chứng kiến. Thời điểm đó, đoạn nối hai phần thân cầu phao được mở để thuyền đi qua nhưng chủ cầu chưa kịp đóng lại, cũng không có barie chắn báo hiệu cho người dân nên anh Tứ đã đi hụt vào khoảng hở đó. Đến tận sáng hôm sau, người thân mới vớt được xác nạn nhân cách chỗ ngã 700m.


Sau cái chết của anh Tứ, gia đình anh đã khởi kiện UBND hai xã Đại Hưng (Mỹ Đức) và Hoà Nam (Ứng Hòa) ra TAND huyện ứng Hoà đòi bồi thường tính mạng do tai nạn cầu phao.


Theo kết luận của Công an huyện Ứng Hòa, dọc cầu phao không có phao cứu sinh, không có đèn chiếu sáng ở khu vực giữa cầu, hệ thống lan can hai bên thành cầu có chỗ bị xập xệ. Đặc biệt, phía hạ lưu, 6m lan can bị mất, phía thượng lưu sát khoang cầu phía Đanh Xuyên có 3m lan can bị sập sát xuống sàn cầu.


Với những chứng cứ trên, tòa sơ thẩm nhận định: hệ thống thiết bị an toàn chưa đảm bảo, vi phạm Điều 12 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Lỗi và trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý cầu – đó là UBND hai xã Đại Hưng và Hòa Nam.


Sau những vụ việc đau lòng như trường hợp anh Nguyễn Văn Tứ, những chiếc cầu phao vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến tận bây giờ, không hề được đảm bảo an toàn cho người đi lại.


Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ cho biết, cầu phao trên địa bàn xã được UBND xã mở thầu, và giao cho người trúng thầu quản lý, thu tiền. Nhưng nếu xảy ra bất trắc, UBND xã sẽ đứng ra giải quyết, đền bù. Theo ông Tiến thì trên địa bàn xã đã có cây cầu xây để thay thế cho cầu phao.


Nhưng chúng tôi được biết, cây cầu xây này đã khởi công từ 4 năm nay nhưng vẫn dở dang, chưa hoàn thành. Đặc biệt, trên địa bàn xã Văn Võ công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. “Khi tiến hành giải phóng mặt bằng, tại xã Văn Võ chỉ áp dụng 1 mức giá đền bù, song bên xã Phương Trung thuộc Thanh Oai lại áp 3 mức giá đền bù. Nếu không thống nhất được với dân, cây cầu sẽ mãi dang dở”, ông Tiến cho biết.


Chúng tôi được biết, ngay chính các cơ quan chức năng cũng chưa thể thống kê cụ thể có bao nhiêu cây cầu phao thiếu an toàn bắc ngang qua sông Đáy. Và cũng chẳng có cơ quan nào giám sát, kiểm tra độ an toàn của những cây cầu này.


Do các cầu phao nằm trên địa bàn giáp ranh, Công an hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đã yêu cầu các xã ký cam kết bảo đảm ATGT đường thủy, yêu cầu các chủ cầu phao phải nhắc nhở mọi người bảo đảm an toàn khi qua cầu nhằm hạn chế xảy ra các vụ TNGT đường thủy.


Nhưng khi chúng tôi có mặt tại những cây cầu phao này, chủ cầu vẫn thu tiền mà không hề nhắc nhở hay cảnh báo những sự cố có thể xảy ra trên cầu để phòng tránh. Người dân ven sông Đáy vẫn ngày ngày chờ mong sự xuất hiện của những cây cầu xây vững chãi.



Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *