Chênh lệch giá clinker trong nước và nhập khẩu: VICEM nói gì?

trước hiện tượng giá clinker tại khu vực phía Bắc khoảng 650 – 730 ngàn đ/tấn nhưng một số cơ sở sản xuất xi măng (XM) tại khu vực phía Nam lại nhập khẩu clinker với giá 880 ngàn đ/tấn. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã chỉ đạo Vụ VLXD phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và chỉ rõ nguyên nhân. Với vai trò là điều tiết thị trường XM trong nước, TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam nói gì về vấn đề này?


VICEM cho rằng chuyển clinker từ Bắc vào Nam sẽ đắt hơn nhập khẩu từ Thái Lan.

trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng trước thông tin trên, ông Lê Văn Chung – Chủ tịch HĐQT TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, hiện VICEM chỉ có một trạm nghiền duy nhất (trạm nghiền Thủ Đức – Q.9, Tp.HCM) nhập clinker từ Thái Lan về để đảm bảo cho sản xuất. Tại miền Bắc, mức giá 650 – 750 ngàn đ/tấn, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển đường thủy (tàu biển) từ Bắc vào Nam khoảng 250 – 300 ngàn đ/tấn thì giá clinker vận chuyển từ Bắc vào sẽ cao hơn mức giá nhập từ Thái Lan về. trạm nghiền Q.9 phải có nguồn clinker ổn định để sản xuất, cung cấp XM cho thị trường phía Nam. trong khi VICEM không cho các nhà máy phía Nam tăng giá thì nhập khẩu là biện pháp đảm bảo SXKD của DN.

Mặc dù được dự báo là dư nguồn cung vào năm 2010, nhưng vấn đề thừa Bắc, thiếu Nam vẫn luôn là câu chuyện dài kỳ và vấn đề này chỉ được giải quyết khi bài toán vận tải cho đáp số. Hiện giá clinker ở miền Bắc vào khoảng 650 – 750 ngàn đ/tấn, cộng thêm chi phí vận chuyển bằng đường thủy (khoảng 250 – 350 ngàn đ/tấn). Như vậy, mỗi tấn clinker vào Nam có giá từ 0,9 – 1,1 triệu đ/tấn). Nếu vận chuyển bằng đường bộ giá cước khoảng 500 ngàn đ/tấn thì giá clinker còn cao hơn cả giá bán XM. Cung đường vận chuyển từ Bắc vào Nam đến cả nghìn ki-lô-mét, trong khi đường biển từ Thái Lan sang Tp.HCM chỉ 600km. Vì vậy, có hay không việc các nhà nhập khẩu clinker phía Nam đã nâng giá ăn chênh lệch còn phải đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng. Hơn nữa, dù chuyện nâng giá ăn chênh lệch là có thật nhưng cả phía các nhà sản xuất Thái Lan và nhà nhập khẩu Việt “phối hợp” chặt chẽ bằng các hợp đồng kinh tế thì cũng khó đưa ra phán xét, bởi luật pháp phải căn cứ vào bằng chứng chứ không phải suy đoán. Hơn nữa, chất lượng clinker cũng là vấn đề ảnh hưởng đến giá cả bởi không phải cứ clinker là giá giống nhau, thêm vào đó còn chuyện mua với khối lượng nhiều hay ít.

Lợi thế cạnh tranh về giá do chênh lệch vận tải đã làm các nhà sản xuất XM trong nước khó khăn hơn. Nơi thừa không bán được, nơi thiếu vẫn cứ phải nhập. Một số chuyên gia trong ngành nhận định: Thị trường XM khu vực phía Nam rất nhạy cảm, nếu không đủ nguồn cung thì việc lên cơn sốt rất có thể xảy ra. Bài học nhãn tiền từ cơn sốt XM năm 2008 vẫn còn đó. Nghịch lý là ở chỗ, dù là sốt nhưng chỉ sốt thương hiệu, cụ thể là thương hiệu “Hà Tiên 1” thuộc VICEM. trong khi Hà Tiên 1 cháy hàng, giá thị trường bị đẩy lên cao vút thì các nhà sản xuất khác bên cạnh Hà Tiên 1 vẫn ế ẩm như thường. Vào thời điểm đó, VICEM phối hợp với một số nhà sản xuất XM khác đưa XM vào phía Nam bình ổn thị trường, sau khi cơn sốt tạm lắng thì một số thương hiệu XM dù nổi tiếng ở thị trường phía Bắc hay miền trung nhưng không được thị trường phía Nam chấp nhận, bỗng nhiên trở thành hàng tồn không có kho dự trữ… Vì thế, việc nhập clinker cho trạm nghiền Q.9 là việc đương nhiên phải làm.

Tại thị trường phía Bắc và miền trung, một số thương hiệu XM lớn như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Nghi Sơn trong năm 2009 còn phải mua clinker, thì năm 2010 với việc dây chuyền mới đi vào hoạt động, các nhà sản xuất này sẽ không phải mua clinker nữa hoặc mua với số lượng rất ít. Hiện tại, XM Hoàng Mai – thương hiệu đang chiếm lĩnh thị trường rất tốt của VICEM đang mua clinker của XM Tam Điệp, Sông Gianh, VISSAI… với giá khoảng 610 ngàn đ/tấn. Hầu như các nhà sản xuất XM đều cho rằng cước vận chuyển là cả một vấn đề đối với giá thành sản phẩm. Cạnh tranh trên thị trường vì thế mà quyết liệt hơn. trong khi các “ông chủ lớn” kịp chiếm lĩnh thị phần, tạo được vỏ bọc ổn định thì các “chú cá bé” vẫn cứ chơi vơi tìm thị trường. Vì vậy, câu chuyện nhập – xuất của ngành Xi măng vẫn chưa có hồi kết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *