Dân tái định cư khổ vì mất điện

“Thang máy không chạy được đã khổ, không bơm được nước lên dùng còn khổ hơn. Cả tòa nhà trông chờ vào một bể nước chung, cứ hai ngày Ban quản lý bơm một lần. Mỗi lần cắt điện, cả khu nháo nhào bảo nhau phải tiết kiệm nước, mùa hè nhiều khi không dám tắm… Nghe nói mùa hè năm nay, tình hình cấp điện vẫn còn căng thẳng lắm, chúng tôi đang lo không biết sống như thế nào” – đây là trăn trở của chị Nguyễn Thu Hằng ở nhà A1 khu tái định cư (KTĐC) Đền Lừ cũng như hàng trăm hộ dân sống tại đây.

Cũng là nỗi khổ mất điện ở nhà cao tầng, ông Nguyễn Văn Hoạch, KTĐC Định Công than thở: Không có điện chiếu sáng, chúng tôi còn tự lo được khi dùng nến, dùng đèn sạc bin. Còn bị cắt cầu thang, cắt bơm nước thì dân khổ vô cùng. Không có thang máy, phải leo bộ đến tầng 11 – 12. Các con tôi đi làm về đã mệt mỏi, không thang máy, chúng cũng không lên nhà, lang thang vật vạ ở đâu, chờ có điện mới dám về. Người già chúng tôi khỏe đến mấy cũng chỉ leo được đến tầng 5 – 6. Bị đau tim hay huyết áp cao thì chỉ có cách một là ở trên, hai là ở dưới.

Khi tìm hiểu tại nhiều khu chung cư cao tầng, các KĐTM của Hà Nội, mới thấy một điều đó là mỗi khi bị cắt điện thì những người dân ở các KTĐC là khổ nhất. Thậm chí người dân ở các khu này còn không biết khu nhà mình có máy phát điện hay không vì theo họ thì cứ cắt điện là cắt thang máy, cắt bơm nước, cắt chiếu sáng (kể cả công cộng). Tại KTĐC Nam trung Yên, nơi tập trung nhiều khu nhà cao tầng, người dân ở đây cho biết: Mỗi tòa nhà đều có bố trí máy phát điện, tuy nhiên mỗi khi bị cắt điện thì họ không bao giờ được hưởng như ở các khu nhà kinh doanh. Chuyện mất điện ngắt thang máy xảy ra thường xuyên, người dân ở đây cũng đã nhiều lần yêu cầu phải phát điện chạy cầu thang máy, tuy nhiên bao giờ cũng nhận được câu trả lời: hết nhiên liệu.

trao đổi vấn đề này với một cán bộ quản lý tại một KTĐC, anh này cho biết, phí quản lý tại các KTĐC thu không đủ bù chi. Kinh phí dành cho duy tu, bảo dưỡng các khu nhà vẫn đang còn nan giải. trong khi đó nhiên liệu để chạy một máy phát điện mỗi tiếng lên đến hàng trăm lít dầu. Nếu chạy máy, nguồn kinh phí này không biết lấy ở đâu. Chính vì vậy, nếu có máy phát điện thì cũng chỉ dùng phát sáng cho cầu thang bộ vào ban đêm.

Cũng ở chung cư cao tầng, nhưng khi hỏi về sinh hoạt mỗi khi mất điện, người dân ở các khu chung cư thương mại lại hết sức bàng quan. Chị Hà Thu Hiền, KĐTM Văn Quán cho biết, nhà trên cao, mỗi khi mất điện nếu không chạy được điều hòa, quạt điện, đã có gió trời. Chỉ cần sắm chiếc đèn tích điện. Còn thang máy và bơm nước, chiếu sáng cầu thang thì không ảnh hưởng gì, mất điện vẫn sinh hoạt bình thường vì khu nhà có máy phát điện.

Qua trao đổi về công tác quản lý và dịch vụ tại các KĐTM, ông Chu Văn Cánh – phó giám đốc Cty Dịch vụ nhà ở và KĐT (HUDS) cho biết: Nếu xảy ra cắt điện, sinh hoạt của người dân tại các KĐTM do Cty quản lý cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Từ những năm trước, TCty đã đầu tư các trạm máy phát điện được phân bố tại các KĐTM ở Hà Nội. Tất cả các máy đều ở chế độ tự động, chỉ sau 5 giây mất điện có thể tự động phát. Các trạm đều thường xuyên bố trí nhân viên kỹ thuật trực. Mỗi khi mất điện, người dân chỉ phải lo chiếu sáng trong nhà mình, còn thang máy, bơm nước, chiếu sáng công cộng… trong các khu đô thị vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những phiền phức đối với người dân khi bị cắt điện, các BQL ở các khu luôn phối hợp chặt chẽ với các chi nhánh điện thông báo trước về thời gian cắt điện, Cty và người dân đều sẵn sàng chủ động.

Thực tế, ở các nhà cao tầng, các KĐTM kinh doanh do HUD, Vinaconex hay các chủ đầu tư khác làm chủ đầu tư và quản lý như trung Hòa – Nhân Chính, Mỹ Đình, Văn Quán… tất cả đều bố trí đủ máy phát điện, bảo đảm mỗi khi mất điện thang máy vẫn chạy, nước vẫn được cung cấp, chiếu sáng công cộng vẫn bảo đảm…

Thế mới thấy người dân sống ở các KTĐC phải chịu nhiều thiệt thòi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *