Đi tìm cốt nền cho TP.HCM



Ứng dụng công nghệ Lidar:


Triều cường vốn là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM. Và trong khi cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM vẫn đang loay hoay tìm giải pháp khắc phục thì Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiến hành triển khai dự án ứng dụng công nghệ Lidar xây dựng mô hình 3 chiều phục vụ quản lý đô thị thành phố.


Việc triển khai hoàn tất dự án có thể xác định chính xác cốt nền của thành phố, đồng thời đưa ra thông tin cảnh báo, dự báo chính xác nguy cơ bị ngập để người dân chủ động đối phó.


TPHCM sẽ có 3 tỷ điểm độ cao








Cuối năm 2009,người dân sẽ được cảnh báo để có thể tránh được cảnh lội nước như thế này – Ảnh: ĐỨC TRÍ
Nếu nhập vào phần mềm xử lý một thông tin là mức triều cường khu vực quận Bình Thạnh dâng lên vào ngày mai là 1,53m, bản đồ mô hình 3 chiều sẽ chỉ ra chính xác những khu vực dân cư, tuyến đường bị ngập.


Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân chủ động ứng phó tình hình ngập lụt, còn những phương tiện khi tham gia giao thông cũng biết trước thông tin để chuyển hướng giao thông, tránh những trục đường bị ngập nước do triều cường gây ra…


Tương tự, đối với mực nước mưa hoặc nước biển dâng cũng có thể được xử lý như vậy.


Dữ liệu mà công nghệ Lidar thu thập được có độ chính xác và độ phân giải cao. Đặc biệt trong xây dựng mô hình ngập úng, công nghệ này giúp xác định chính xác ranh giới ngập úng; chỉ ra chính xác về thông tin những đối tượng trên địa vật chịu ảnh hưởng; thành lập bản đồ nguy cơ ngập úng; vùng ưu tiên sơ tán hoặc tiếp tục.


Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM,  giải thích, sở dĩ có thể đưa ra được kịch bản ngập trên là dựa vào ứng dụng công nghệ Lidar để xây dựng bản đồ 3 chiều. Nói nôm na, đây là một loại công nghệ viễn thám mới.


Công nghệ này được gắn với một loại máy bay thích hợp. Khi bay, nó sẽ quét bề mặt đất bằng tia laser. Ưu điểm của việc sử dụng tia laser để quét xuống bề mặt địa hình là có thể ghi nhận mọi dữ liệu thông tin trong mọi điều kiện về thời tiết kể cả ban đêm hoặc có mây che phủ. Thậm chí, nó còn quét xuyên qua được cả bề mặt tán cây xuống mặt đất, đảm bảo xác định chính xác về độ cao bề mặt địa hình.


Trung bình mỗi m2, máy xác định 2 điểm độ cao. Mỗi điểm đều xác định 3 chiều. Sau đó, các thông tin thu thập được sẽ được chuyển vào hệ thống xử lý, xây dựng mô hình và cuối cùng chuyển vào bộ phận lưu trữ.


Dự kiến dự án ứng dụng công nghệ Lidar xây dựng mô hình 3 chiều bản đồ địa hình thành phố sẽ xác định khoảng 3 tỷ điểm độ cao trên tổng diện tích hơn 2.000km2. Trên cơ sở các điểm độ cao được xác định thì được đưa vào xử lý và xây dựng bản đồ 3 chiều.


Từ đó, chỉ cần nhập thông tin về mực nước thủy triều, nước biển dâng hoặc lượng mưa đo được, lập tức phần mềm công nghệ sẽ xác định chính xác từng chi tiết những khu vực sẽ bị ảnh hưởng.


Lời giải cho bài toán quy hoạch


Có thể nói, hiện trạng dữ liệu địa chính và địa hình của thành phố hiện chỉ có tính 2 chiều, tức chỉ thể hiện các đối tượng địa hình, địa vật trên mặt phẳng mà chưa thể hiện được thông tin về chiều cao/độ cao.


Mặt khác thời gian thu thập dữ liệu này lại không đồng nhất do thường được thu thập bằng phương pháp đo vẽ truyền thống nên có sự chênh lệch về tỷ lệ dữ liệu cũng như thời gian thu thập dữ liệu, dẫn đến tình trạng cập nhật bản đồ không đồng nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị.


Cụ thể như Sở Quy hoạch Kiến trúc thiếu dữ liệu độ cao các công trình và độ cao cốt san nền để quy hoạch sử dụng đất, kiến trúc; theo dõi giám sát san nền, sử dụng trong các đề án thiết kế hạ tầng (cấp nước, thoát nước…); Sở Giao thông Vận tải khó nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước, hệ thống giao thông, dự báo và điều phối chống ngập úng đô thị…


Việc ứng dụng công nghệ Lidar tạo ra mô hình địa hình và địa chính 3 chiều sẽ cho phép khắc phục những nhược điểm trên.


Các kết quả thực nghiệm công nghệ Lidar trong nước thời gian qua, cho thấy tính ưu việt của nó so với phương pháp truyền thống là thời gian hoàn thành công tác thu thập dữ liệu rất ngắn, năng suất trung bình là 2.000 đến 5.000ha/giờ bay. Hơn nữa, dữ liệu mà công nghệ này thu nhận là 3 chiều trực tiếp nên những yếu tố về độ cao và cốt nền rất chính xác.


Theo ông Trần Bạch Giang, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ, việc ứng dụng công nghệ Lidar xây dựng mô hình 3 chiều phục vụ quản lý đô thị do Sở KH – CN triển khai có nhiều ưu điểm và thực sự là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.


Bởi mô hình trên rất dễ thường xuyên cập nhật thông tin mới, bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm phục vụ tầm nhìn quy hoạch dài hạn của cả nước; quản lý hiệu quả các đối tượng phân bố theo không gian địa hình; phân tích đúng các yếu tố quyết định của người lãnh đạo; bảo đảm điều kiện về hạ tầng thông tin trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Ông Phan Minh Tân cũng nhấn mạnh, tổng kinh phí đầu tư cho dự án trên khoảng 19 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2009, sở sẽ chính thức cho ra mắt mô hình 3 chiều phục vụ quản lý đô thị.


Theo ÁI VÂN – Sài Gòn giải phóng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *