Giá nhà sẽ leo thang vì xi măng

Xi măng xuất xưởng các loại có giá 53.000-55.000 đồng một bao. Giá thực tế trên thị trường đang là 80.000-85.000 đồng. Mức độ tăng giá so với tháng 4 khoảng 20-30%. Tỷ lệ này lên đến 50% nếu so với cuối năm 2007.

trong năm 2007, vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng đã tăng giá nhiều đợt với tỷ lệ trung bình 30%. Hiện các đại lý phân phối quyết định giá xi măng bán ra trên thị trường.  

phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho rằng, với dự án cũ đã triển khai gần xong, hoặc đã cam kết và thu đến 50% giá trị căn hộ, chủ đầu tư sẽ gánh phần giá chênh lệch do vật liệu tăng đột biến.

Song dự án mới thu tiền đợt đầu, chưa khởi công hoặc triển khai hạ tầng, chủ đầu tư buộc phải triệu tập khách hàng để thương thảo tăng giá sàn xây dựng. Nếu không được khách hàng ủng hộ, doanh nghiệp chỉ còn cách bồi thường giá nhà cũ và thu mua lại để tránh bị thua lỗ.

Vật tư đang được chuyển vào công trình xây dựng. Ảnh: Hồng phúc.

Hai dự án tại quận 12 của Đất Lành đang trong giai đoạn sắp hoàn thành. Theo ước tính của ông Đực, khi xi măng leo thang và khát “hàng”, tỷ lệ chệch giá sàn xây dựng lên đến 50-60%. “Dù đã có chuẩn bị trước về mặt tâm lý và sẵn sàng cho lần tăng giá xi măng này, tôi vẫn đau đầu vì mức trượt giá quá lớn”, ông nói.

Ông Đực cũng không giấu băn khoăn về tỷ lệ trượt giá căn hộ cho người có thu nhập thấp, vì túi tiền của nhóm khách hàng này quá eo hẹp trong khi giá sàn xây dựng có thể tăng trong nay mai.

Tương tự, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh, ông Mai Hữu Tài cũng tính đến chuyện sẽ tăng giá sàn xây dựng đối với các dự án mới bằng cách thương lượng công bằng với khách hàng. Theo ông Tài, tình hình bất ổn của thị trường vật liệu xây dựng hiện nay, doanh nghiệp xây nhà cho người có thu nhập thấp chắc chắn không gánh nổi khoản trượt giá đến 50%.

Công trình pacific bị rò rỉ nước ngầm tại Tp HCM sắp tới cũng cần khoảng 9.000 bao xi măng để xử lý chống thấm theo phương án khoan phun. Thế nhưng chủ đầu tư vừa báo cáo Sở Xây dựng Tp HCM rằng, khó khăn lớn nhất là đang khát xi măng, e không mua được vật tư thi công.

Một điểm bán vật liệu xây dựng tại quận 8, Tp HCM cũng cho biết không còn nhiều xi măng trong kho. Ảnh: Hồng phúc.

Thậm chí, trước tình thế vật liệu xây dựng bất ổn, một công ty địa ốc có dự án căn hộ cao cấp chuẩn bị triển khai tại khu Nam Sài Gòn đã đi đến quyết sách dừng dự án lại. 

Chủ doanh nghiệp này chia sẻ: “Để thành công cần nói đến thời cơ, tôi đang chờ giá vật tư ổn định rồi tính tiếp. Lúc này tung sản phẩm và triển khai dự án dễ bị lật kèo, vì áp khung giá cao không ai mua mà bán thấp thì lỗ nặng”. 

Nhiều nhà tư của dân cũng không hoàn thành như dự định. Anh Đạt vừa xây xong nhà trên đường Huỳnh Tấn phát, quận 7, Tp HCM, nói với VnExpress: “Định xây 1 trệt 1 lầu, tôi dự trù khoảng 400 triệu là đủ. Song bây giờ ngần ấy tiền không thấm vào đâu, phải thế chấp giấy tờ đất để vay nợ ngân hàng 200 triệu đồng mới trang trải nổi”.

Nguyên nhân của chuyện vỡ kế hoạch, theo anh Đạt, vì vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá, sắt tăng 30%, xi măng tăng 50%. Anh Đạt kể, tính cả phí vận chuyển, để mang một bao xi măng về tới nhà giá lên đến 90.000 đồng một bao. “Tôi chưa bao giờ thấy xi măng tăng cao như vậy”, anh cho hay.

Tình hình bi đát hơn, chị Xuyến ngụ quận Bình Thạnh đã dẹp luôn kế hoạch xây nhà vì khảo thị trường thấy giá xi măng quá khủng khiếp. “Đại lý vật tư không có hàng giao, tôi đành bỏ luôn ý định xây nhà trong năm nay”, chị tiếc rẻ nói.

phó chủ tịch thường trực Hiệp hội xây dựng và vật liệu xây dựng Tp HCM, bà Thái Thị Mỹ Hạnh thừa nhận, nhiều hội viên đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí vỡ nợ, vì không kham nổi các công trình thầu trọn gói. Lỗ do tỷ lệ trượt giá quá cao là chuyện cơm bữa.

Bà nhận định, tình hình sắp tới thị trường vật liệu xây dựng sẽ không căng thẳng như vừa qua, nhưng khó mà kỳ vọng giá vật tư giảm xuống ngay tức khắc.  

Lý do, xi măng từ Bắc đang chuyển ngược vào Nam để hỗ trợ Tp HCM, nhiều công trình đang bị kẹt vốn chắc chắn sẽ hoãn “binh”. Mùa mưa bão cũng tới gần nên lượng công trình cũng ít lại, thị trường chắc chắn sẽ giảm bớt áp lực thiếu xi măng. Riêng giá vật liệu này phải có thời gian tương đối lâu mới bình ổn lại.

Nguyên nhân chính của hiện tượng khan xi măng, theo bà Hạnh là tâm lý đầu cơ tích trữ đã ăn sâu vào nếp sống mỗi người. “Do cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp nào cũng giữ lại một ít xi măng để phòng thủ, điểm phân phối vật tư nào cũng nhín lại vài chục bao cho khách quen… Thị trường vì vậy mà khát hàng”, bà nói.

trong khi đó, đơn vị phân phối vật liệu xây dựng giải thích về việc tăng giá xi măng là do phí vận chuyển.

trước làn sóng phản ứng của rất nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng về nạn đầu cơ vật tư ngày càng phố biến, một chuyên gia kinh tế đề xuất, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu chống hiện tượng độc quyền làm giá, đầu cơ tích trữ gây mất cân bằng nền kinh tế.

“Thị trường chung tại Việt Nam như gạo, vật liệu xây dựng, xăng dầu… đang dị dạng, méo mó vì đầu cơ, kích giá, độc quyền và sốt ảo. Đây là những động thái tiếp tay cho lạm phát tiến sâu, cực kỳ nguy hiểm, phải xử lý nghiêm”, ông nhấn mạnh. 

Vũ Lê

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *