Giúp doanh nghiệp “phòng bệnh”










Trong khi không ít ý kiến về việc nên sớm dừng thực hiện gói kích cầu được đưa ra, thì mới đây, các thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia lại kiến nghị, cần có gói kích cầu thứ hai triển khai ngay sau khi kết thúc gói kích cầu bù lãi suất vào cuối năm 2009. Biện giải cho ý kiến của mình, các chuyên gia cho rằng, DN, nền kinh tế vừa mới ra khỏi “phòng cấp cứu”, vẫn còn trong “bệnh viện”, vì vậy cần có thêm chính sách hỗ trợ để đảm bảo DN trụ vững, kinh tế tăng trưởng.



Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để bảo đảm DN đứng vững.



Tất nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bất cứ biện pháp cấp cứu, hỗ trợ nào cũng đều là rất cần thiết, song nhìn nhận một cách công bằng, điều mà doanh nghiệp cần hơn là những hỗ trợ lâu dài, hay nói chính xác hơn là những hỗ trợ giúp DN có thể phòng bệnh, chứ không chỉ là chữa bệnh. Đứng trên khía cạnh này, có thể coi Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 20/8/2009 tới đây, là một “phao cứu sinh” cho các DN. Có thể gọi chung như thế, bởi có tới 96 – 97% DN ở Việt Nam là DNNVV.



Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho rằng, với Nghị định 56, các DNNVV sẽ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là được hỗ trợ về tiếp cận tài chính, tín dụng, mặt bằng, khoa học – công nghệ… Cụ thể, theo ông Hiệu, với tiếp cận tài chính, Nghị định 56 quy định rằng, Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại dành một tỷ lệ vốn tín dụng nhất định cho DNNVV. Để làm được điều này thì sẽ có các chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao trình độ xây dựng, quản lý dự án cho cán bộ tín dụng, cũng như cho các chủ DN, từ đó có thể hình thành các dự án có hiệu quả, giúp bên tổ chức tín dụng xem xét, đánh giá cho vay, có thể không cần thế chấp.



Bên cạnh đó, mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng, thành lập theo quy định của Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, không phải tất cả các địa phương đều thành lập quỹ bảo lãnh, mà chỉ nơi nào thực sự có đủ điều kiện. Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các văn bản pháp quy cho việc thành lập các quỹ này. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển vẫn tiếp tục thực hiện bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.



Một khía cạnh quan trọng khác, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, đó là tới đây, sẽ thành lập Quỹ Phát triển DNNVV. Mục tiêu là để có nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, cũng như để có thể hỗ trợ vốn cho DN thực hiện đầu tư các dự án có khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước.



Có lẽ, cũng cần phải nói rằng, ngay sau khi Nghị định 56 ra đời, qua trao đổi với các doanh nghiệp, mặc dù đều bày tỏ sự đồng thuận đối với sự trợ giúp hết sức có ý nghĩa này, nếu Quỹ được thành lập, song không ít DN vẫn băn khoăn về khả năng thành lập quỹ, cũng như cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ quỹ này.



Để mô hình này có tính khả thi, theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, nguồn vốn của quỹ này phải được lấy từ ngân sách nhà nước, từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và cả sự đóng góp của các DN. “Ba nguồn đóng góp này phải bổ sung cho nhau thì quỹ mới hoạt động thông suốt. Chỉ mỗi vốn ngân sách nhà nước, hay vốn hỗ trợ của quốc tế thì sẽ rất khó để hoạt động, cần phải có sự đóng góp tự nguyện của các DN”, ông Kiêm nói và cho rằng, chủ trương là một chuyện, vẫn còn cần rất nhiều thời gian để vận động thành lập quỹ.



Đây cũng là điều mà Cục Phát triển doanh nghiệp đang tính tới. Theo kế hoạch, cục này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập Quỹ. “Nguồn vốn quỹ có thể lấy một phần từ ngân sách nhà nước, phần khác là từ các nhà tài trợ nước ngoài. Nếu quỹ này được thành lập sớm, chúng ta sẽ tận dụng được nguồn lực từ các nhà tài trợ. Thời gian qua, EU và JBIC đã hỗ trợ khá lớn cho các DNNVV. Các tổ chức quốc tế cũng rất sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam phát triển DNNVV. Nếu Chính phủ phê duyệt, quỹ này ra đời, thì chúng ta sẽ có một định chế tài chính để tiếp cận vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ, cũng như nguồn vốn đóng góp của cộng đồng, của DN để hỗ trợ DNNVV phát triển”, ông Hiệu nói.



Tất nhiên, tất cả mọi chuyện giờ vẫn đang là kế hoạch. Tương tự, các quy định trợ giúp DNNVV trong Nghị định 56 hiện tại vẫn đang nằm trên giấy tờ. Khi nghị định này ra đời, không ít ý kiến băn khoăn về hiệu quả thực sự của nghị định này cũng đã được đặt ra và những băn khoăn đó không phải là không có lý. Song rõ ràng, Nghị định 56 nếu thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, các DNNVV Việt Nam sẽ không chỉ được trợ giúp trên một, mà rất nhiều khía cạnh khác nhau. Và điều này chắc chắn có ý nghĩa với DN hơn rất nhiều so với các biện pháp cấp cứu tạm thời. Vì thế, nên chăng cần sự đồng thuận trong xã hội để làm sao đưa nghị định này đi vào cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *