Hiệu quả của những dự án đầu tư vào Đền Hùng

Đền Hùng là khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, nơi quy tụ những giá trị văn hoá tâm linh về cội nguồn của dân tộc Việt Nam. tri ân công đức tổ tiên – những bậc tiền nhân có công dựng nước, Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt trong việc chỉ đạo và đầu tư kinh phí, nhân dân tham gia công đức đóng góp đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng Đền Hùng ngày một khang trang, to đẹp hơn. Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, pV báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Hải – phó chủ tịch UBND tỉnh phú Thọ về hiệu quả của những đồng vốn đầu tư vào Đền Hùng.


Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Thưa bà, hiện số tiền  được cấp để thực hiện các công trình trong dự án Quy hoạch Đền Hùng là bao nhiêu?

– Theo Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng” trên diện tích 1.030ha, thì tổng số khái toán vốn đầu tư theo thời giá ban đầu vào năm 2004 là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng theo trượt giá hiện nay thì để thực hiện Quy hoạch cần phải có số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Đã hơn 5 năm kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đầu tư nhiều hơn vào khu di tích. Những năm đầu khoảng 20 – 30 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2007, 2008 mỗi năm đầu tư 50 – 60 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2009, chuẩn bị cho ngày Quốc lễ năm 2010, Nhà nước đầu tư trên 300 tỷ đồng nâng tổng số vốn được đầu tư lên hơn 600 tỷ đồng. Gồm dự án tu bổ, tôn tạo các đền, xây dựng cơ sở hạ tầng khu di tích và tu bổ rừng Quốc gia.

Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư của các công trình tại Đền Hùng?

– Sau khi có Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg, tỉnh phú Thọ đã thành lập Khu di tích Đền Hùng để quản lý khu di tích rất quan trọng này. Giúp việc cho lãnh đạo Khu di tích có BQLDA đầu tư xây dựng Đền Hùng. Các dự án đầu tư vào Đền Hùng chúng tôi cho là rất hiệu quả. Bởi tỉnh đã lựa chọn ra những công trình cần thiết phải tập trung đầu tư để đem lại hiệu quả ngay phục vụ cho việc Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về thăm viếng Tổ tiên.

trong những năm 2007, 2008 việc tu bổ, tôn tạo tập trung vào Đền Thượng – là nơi tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ. Ngôi đền trước đây do mưa nắng, thời gian, thiên tai, chiến tranh xuống cấp trầm trọng. Đến nay, đền đã được tu bổ khang trang hơn, sân vườn được mở rộng, những thiết chế như lan can, bậc đá lên xuống được nâng cấp đảm bảo thẩm mỹ và chắc chắn. Tại Đền Thượng, Lăng Hùng Vương cũng được tu bổ, tôn tạo lại khang trang.

Tiếp theo là Đền trung cũng do thời gian, chiến tranh tàn phá, nhân dân xây dựng thu nhỏ lại không đúng với kiến trúc ban đầu. Đến nay, đền đã được tu bổ khang trang, bề thế hơn so với trước nhưng vẫn giữ lại dáng vẻ của đền xa xưa mà nhân dân ta đã xây dựng.

Bên cạnh những ngôi đền tại núi Nghĩa Lĩnh thờ tự các Vua Hùng, chúng ta cho xây dựng những ngôi đền thờ Cha “Rồng”, Mẹ “Tiên” – theo truyền thuyết là những người đã sinh ra giống nòi dân tộc Việt. Từ năm 2001 – 2005 xây dựng xong Đền Tổ mẫu Âu Cơ trên núi Vặn. Năm 2008, tiếp tục xây dựng đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân trên đồi Sim với một địa thế hết sức linh thiêng. Đền được khánh thành vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vào năm 2009. Từ bấy đến nay, nhân dân vẫn thường xuyên đến đây hương khói, phụng thờ.

Quốc Giỗ năm nay, sẽ khánh thành Bảo tàng Hùng Vương trưng bày những hiện vật lịch sử từ thời Hùng Vương đến thời đại Lý – trần.

Khu vực Đền Hùng lâu nay chúng ta đều biết cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế. Nhưng với lượng người trong và ngoài nước về tham gia lễ hội ngày một đông, trong những năm 2005, 2006 chỉ có khoảng trên 2 triệu lượt người, thì đến năm 2007, 2008 có trên 3 triệu lượt người tham gia lễ hội, và khả năng trong những năm tới số lượt người về còn đông hơn. Nên việc mở thêm đường sá, cảnh quan cho khu vực này là hết sức cần thiết.

Thời gian qua đã mở rộng thêm khu vực trước cổng Đền và xây dựng sân Lễ hội với sức chứa khoảng 2 vạn người. Sân lễ hội phát huy tác dụng tốt qua mấy kỳ lễ hội. Các hoạt động văn hoá thể thao, những cuộc mít tinh lớn của tỉnh cũng được tổ chức tại sân Lễ hội rất thành công và có ý nghĩa. Đường sá trong Khu di tích cũng được mở rộng và tạo cảnh quan để người dân về thăm viếng Đền Hùng có nơi vui chơi, giải trí sau khi lên các đền viếng Tổ. Các đường này cũng được nối với nhau hoặc mở rộng ra các hướng để khi lưu lượng người về dự lễ hội đông hơn có thể giải toả được ách tắc trong những ngày lễ hội.

Để phục vụ cho Giỗ Tổ năm 2010, Khu di tích đã mở thêm 2 bãi đỗ xe lớn với sức chứa mỗi bãi đỗ khoảng gần 1.000 xe ô tô và mở rộng thêm các hành lang tuyến đường số 1 từ cổng KCN Việt trì tới đường 32C để giảm tải cho các bãi đỗ xe trong khu vực.

Về cảnh quan trong Khu di tích đã cho xây dựng thêm hồ nước, trồng cây xanh ở khu vực ngã năm Đền Giếng. Đây là khu vực có số lượng người tham gia lễ hội rất đông. Những hồ, cây này vừa tạo cảnh quan hấp dẫn cho khu di tích, vừa tạo môi trường sinh thái, điều hoà không khí đồng thời là nơi dự trữ nước phòng chống cháy rừng. Rừng Quốc gia Đền Hùng đã được khôi phục, tôn tạo.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tổ chức tại Đền Hùng trại điêu khắc Quốc tế. Với sự đầu tư khoảng trên 3 tỷ đồng nhưng đã tạo ra được 35 tác phẩm điêu khắc có giá trị, với sự tham gia của các nhà điêu khắc quốc tế đến từ 11 quốc gia. Những tác phẩm của những tác giả nước ngoài để lại có một ý nghĩa rất tốt, nó vừa có tính chất nghệ thuật, vừa thể hiện tình cảm của các nước khi đến Việt Nam. Đồng thời thể hiện được ý tưởng của chúng ta là tôn vinh Tổ tiên dân tộc. Những công trình đầu tư, tu bổ hạ tầng theo tôi cũng được đầu tư đúng hướng. Với số vốn của Nhà nước đầu tư còn khiêm tốn, nhưng xây dựng, tôn tạo công trình đến đâu phát huy hiệu quả đến đó.


trục hành lễ.

Theo bà, thời gian tới để nâng tầm Khu di tích, Đền Hùng cần được đầu tư như thế nào?

– Thời gian sắp tới, để hoàn thiện các dự án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cần quan tâm đến một số dự án trọng điểm sau: Một là tiếp tục thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo Đền Hạ, Đền Giếng. Hai là, trung tâm lễ hội (giai đoạn 2) tiến hành thực hiện thi công tiếp đoạn trục hành lễ nối sân Lễ hội kéo dài tới đường 32C. Ở đó có một cổng lớn để vào Đền Hùng. Hai bên trục hành lễ có trụ sở của Khu di tích và nhà đón tiếp khách trong nước và quốc tế. trong khu nhà đón tiếp này có các phòng trang trọng để đón các đoàn đại biểu của trung ương, các đoàn khách Quốc tế đến thăm Đền Hùng với nhiều phòng VIp. Có hội trường lớn để trình chiếu những hoạt động lễ hội tại khu di tích Đền Hùng cũng như phản ánh lại quá trình phát triển của thời đại Hùng Vương trong tiến trình phát triển của dân tộc ta. Tái hiện hình ảnh chợ quê, mô phỏng chợ nông thôn thời đại Hùng Vương. Đó là những nét, sắc thái riêng của nông thôn Việt Nam. Ngoài ra còn có cảnh quan hồ nước, cây xanh đường dạo trong khu vực trung tâm lễ hội. Toàn bộ khu vực này cần tới khoảng 400 tỷ đồng. Nếu tính cả giải phóng đền bù thì cần tới số tiền thêm hơn 100 tỷ đồng nữa.

Ngoài ra, để mở rộng và phát triển Khu di tích Đền Hùng, chúng ta còn phải xây dựng Làng văn hoá dân tộc thời đại Hùng Vương, trung tâm thương mại du lịch và Tháp Hùng Vương. Kinh phí cho những dự án này lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Để có nguồn kinh phí trên, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cần có sự hảo tâm đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Rất mong con cháu Lạc Hồng trên mọi miền đất nước quan tâm ủng hộ để di tích lịch sử Đền Hùng nhanh chóng được xây dựng theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những công trình con cháu Lạc Hồng thế kỷ XXI tri ân công đức Tổ tiên.  

trân trọng cảm ơn bà!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *