Lâu đài Nymphenburg ở München



TTO – München là thành phố lớn thứ ba của Đức và là một trong những trung tâm du lịch phát triển nhất của nước này. Nhưng một phần không nhỏ giúp nó trở thành trung tâm du lịch là những công trình kiến trúc hoành tráng mà hài hòa ở đây.


Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu ấy là lâu đài Nymphenburg, một thuở là lâu đài mùa hè của Hoàng gia Bavaria.








Lâu đài Nymphenburg lung linh trong nắng vàng, phía trước là hồ nước với đàn thiên nga trắng muốt


Thường thì các ông chồng hay tặng vợ một món quà nhỏ nhân dịp sinh nhật, ngày cưới hay ngày lễ tình yêu. Những đức ông chồng giàu có và khoáng đạt sẽ tặng vợ họ những món quà lớn và quý giá hơn – đặc biệt khi những người vợ sinh cho họ một đứa con. Thi thoảng những món quà ấy thật sự vĩ đại mà một ví dụ điển hình là lâu đài Nymphenburg.


Ấy là mòn quà của lãnh chúa Ferdinand Maria von Savoyen tặng vợ ông Henriette Adelaide nhân dịp bà sinh cho ông hoàng tử Max Emanuel vào năm 1662.


Mười năm đôi vợ chồng lãnh chúa bang Bavaria đã phải đợi để có một người nối dõi tông đường cho nên món quà dù có lớn đến đâu cũng không thể nói hết được niềm vui của vị lãnh chúa này. Ông đã tặng vợ một khu đất rộng lớn cách München khoảng hai tiếng đồng hồ đi xe ngựa và  mời kiến trúc sư người Ý Agostino Barelli, người đã xây dựng nhà thờ Theatinerkirche ở München, phác thảo và xây dựng lâu đài.








Phần chính của lâu đài theo kiểu kiến trúc phục hưng


Lâu đài mùa hè này được xây dựng xong vào năm 1679 nhưng nó chỉ là một phần của lâu đài ngày nay mà du khách được chiêm ngưỡng.


Phần lâu đài cũ ấy hiện nay vẫn là phần chính của lâu đài và được xây dựng theo lối kiến trúc phục hưng. Tại đây có phòng dạ hội (Festsaal) rất hoành tráng và cầu kỳ được Henrico Zucalli tạo dựng năm 1702. Bức tranh trên trần phòng dạ hội của họa sĩ Johann Baptist Zimmermann vẽ bầu trời của các vị thần Olympia nhằm thể hiện một xã hội dưới sự thống trị của một vị vua yêu hòa bình.


Và trong bức tranh ấy không thể thiếu nữ thần (Nymph) Flora mà lâu đài này mang tên. Phía cánh gà là phòng “mỹ nhân“, nơi trưng bày chân dung các người đẹp của vua Ludwig đệ nhất. Đây là ông vua cực kỳ háo sắc, ông cho vẽ chân dung của rất nhiều người đẹp thuở ấy mà hai bức nổi tiếng nhất là chân dung cô vũ nữ người Tây Ban Nha Lola Montez và chân dung con gái một người thợ đóng giày, cô Helene Sedlmayr. Cũng chính quan hệ của vua Ludwig đệ nhất với cô vũ nữ Lola Montez là một trong những nguyên nhân khiến ông phải thoái vị vào năm 1848.








Phòng dạ hội (Festsaal) lộng lẫy và cầu kỳ








Bức tranh trần thể hiện bầu trời của các vị thần Olympia








Chân dung các mỹ nhân của vua Ludwig đệ nhất


Qua thời gian lâu đài ngày càng được mở rộng và nó được định hình như ngày nay vào năm 1726 dưới thời của Max Emanuel. Năm 1715 sau hơn 10 năm sống lưu vong ở Pháp, lãnh chúa Max Emanuel đã cho xây dựng thêm hai Pavillons ở hai phía nối với lâu đài mùa hè của mẹ ông. Hai Pavillons này mang nhiều nét kiến trúc của Pháp mà ông đã lĩnh hội được trong thời gian phải sống lưu vong. 


Lâu đài Nymphenburg không chỉ ấn tượng bởi sự lộng lẫy, cầu kỳ và hoành tráng của nó với vàng bạc châu báu được dát khắp nơi mà nó còn ấn tượng bởi cấu trúc hài hòa của các “lâu đài nhỏ” trong công viên mà điển hình là Amalienburg, Pagodenburg, Badenburg hay phế tích nhân tạo Magdalenen-Klause.


Các lâu đài nhỏ này nằm rải rác trên các con đường trong công viên và là những điểm dừng lý thú. Nội thất trong các lâu đài nhỏ này được trang trí phần lớn theo kiểu Rococo rất cầu kỳ, đặc biệt là trong Amalienburg. Tại đây du khách được chiêm ngưỡng những họa tiết thật tinh xảo và lộng lẫy. 








Lộng lẫy hoành tráng với vàng bạc châu báu








Trang trí kiểu kiến trúc rococo trong lâu đài nhỏ Amalienburg








Pagodenburg bên bờ hồ








Trong phế tích nhân tạo Magdalenen-Klause


Không thể không kể đến công viên của lâu đài, nơi du khách và người dân München có thể thả bộ trên những con đường đầy hoa và lá. Công viên theo kiểu kiến trúc Baroque được Friedrich Ludwig von Sckell phác thảo và thực hiện. Tại đây có những con đường rợp bóng cây, những hồ, những suối để con người thưởng thức và chim muông vẫy vùng.








Trong công viên lâu đài


Ngoài ra du khách đến thăm lâu đài Nymphenburg có thể vào thăm Bảo tàng Marstallmuseum, nơi trưng bày các phương tiện giao thông của hoàng gia.








Cỗ xe ngựa dát vàng dùng trong những dịp lễ lên ngôi của các vua của Bavaria


München được du khách ưa thích bởi không khí đặc biệt của thành phố này. Và nếu đã đến đây, bạn hãy bỏ chút ít thời gian đến thăm lâu đài Nymphenburg, nơi sinh ra vị vua lập dị nhất hành tinh – Ludwig đệ nhị – chủ nhân của lâu đài cổ tích Neuschwanstein.


Bài, ảnh: NAM VINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *