“Loạn” dự án dưới chân Chùa Hương Không nơi gieo mạ dân biết kêu ai?

“Cơn lốc” sốt đất đai, dự án ở khắp Hà Tây cũ đã không chừa một nơi nào. Toàn những dự án chẳng “đến đầu, đến đũa” nhưng lại được các nhà đầu tư lao vào “như điên” để rồi tháo chạy cũng “như điên”… Chốn “đất thiêng” Hương Tích cũng vậy, hàng loạt dự án mọc lên mà người dân chẳng hề hay biết. Khu cánh đồng gieo mạ thường ngày của bà con ở các xóm  11, 12, 13 của thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cũng vậy. Đang yên đang lành bỗng bị một đoàn xe máy lớn đùng đùng chở đất, đá về san lấp…


Cả cánh đồng gieo mạ đã bị san ủi để biến thành con đường và một khu đất xây quây không biết nhằm mục đích gì ?

trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Tùng, một trong số hàng trăm hộ dân sinh sống ở thôn Đục Khê đớn đau nói: chúng tôi là những người dân thuần nông, nghèo. Ngoài việc làm nông ra, bà con có thêm nghề chèo đò trên dòng suối Yến để vào Chùa Hương trong suốt 3 tháng lễ hội. Vừa rồi, bà con thấy hàng đoàn xe máy chở đất, đá san ủi khu cánh đồng gieo mạ của bà con. Cũng vì toàn những người dân hiền lành, chẳng biết dự án nào, thấy cứ thành đường rồi công nhân ở đâu đó kéo về dựng lều lán sinh sống và xây quây khu tường bao. Người bảo là bến xe, người lại kháo đó là sân vận động. Một khu nhà cũng mọc lên nguy nga. Cả thôn Đục Khê “bàng hoàng” vì phút chốc cả cánh đồng bị “biến mất”. Cũng bởi thế, vụ mùa vừa rồi, nhiều bà con đã kéo lên UBND xã đòi đất để gieo mạ.

Ông phạm Viết Sử, sinh sống ở xóm 11 bất bình: Theo chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, năm 1992, khi chia ruộng đất, mỗi khẩu được 12 thước (288m2) thuộc quỹ đất 1. Đến năm 2006, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Hợp tác xã và chính quyền thôn đã cùng nhau phối hợp chia lại ruộng cho mỗi khẩu được 10,5 thước (252m2). phần còn lại được chia trên ruộng mạ. Mỗi khẩu tính đến ra được 1,5 thước (36m2). Nhưng cùng chung “thảm cảnh” mất ruộng gieo mạ, UBND xã Hương Sơn đã làm dự án mà dân không hề hay biết. Khi được hỏi, chính quyền địa phương bảo đó là đất công ích của xã… Như vậy, các hộ dân chúng tôi chẳng biết đâu mà lần. Nhiều người đạp xe lên hỏi UBND xã, mấy “quan xã” cứ loanh quanh, ông này chỉ ông kia. Chán chường, mọi người lại bỏ về. Nghĩ mà ức quá, nhiều người lại gửi đơn lên UBND huyện Mỹ Đức, UBND Tp Hà Nội, lên các cơ quan trung ương. Cứ bên này chỉ bên kia… thật cám cảnh.

Ra thực địa, chúng tôi nhận thấy, đúng là một “đại công trường” ngay gần bến Đục đang… bỏ hoang. Có một vài chỗ đang được xây dựng một cách gấp gáp. Khu “sân vận động” hay bến xe gì đó đã được xây quây kín lại. phía trong là cả “một cánh đồng cỏ”, thật lãng phí đất. Con đường theo dự kiến có chiều rộng khoảng 24m đã được làm một đoạn dài, còn lại nhiều chỗ vẫn bỏ không vì người dân ngăn cản không cho lấy đất vì không đền bù GpMB, không công khai dự án. Dân biết tin ai.

Qua điều tra, chúng tôi được biết việc ra đời con đường này sẽ kéo dài tuột đi Tiên Mai. Rồi từ đây vòng nối sang Hà Nam, Ninh Bình… Dân Hương Sơn đặt câu hỏi: Với việc một trục đường lớn mọc lên giữa những cánh đồng của người dân nghèo có phải để bán đất bám dọc theo trục đường này? Và các mảnh đất “béo bở” đó sẽ bán cho ai?

Mọi thông tin về việc khiếu kiện của dân thôn Đục Khê, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội sẽ được báo XD&pL phản ánh tới bạn đọc trong số báo tiếp theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *