Mùa bông tràm 1978






Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp 2.2008


Hơn hai ngày đường vật vạ trên
loại xe đò có cái bình than nóng hực, to đùng phía sau. Đến chợ Rạch Sỏi lúc 12
giờ đêm, đành tìm sạp chợ kê ba lô nằm gối đầu chờ sáng. Chợ sát bên sông, vắng
vẻ, chỉ tiếng nước vỗ bờ ì oạp buồn thê thiết. Cũng ở đây, tôi đã có một đêm
nghe vọng cổ hay nhất đời mình. Một chiếc xuồng bỏ câu giữa sông, tù mù một ngọn
đèn mù u và tiếng ghi ta từng tưng theo gió, một gã chài lưới buồn tình gì giữa
khuya hát “Tình anh bán chiếu…”. Giọng Nam bộ thực sự, buồn nhưng không ẻo lả,
thở than nhưng không ủy mị, tiếng đàn vọng cổ dứt khoát, khẳng khái. Sau đêm ấy,
tôi chưa từng nghe lại, bắt gặp lại ở đâu sự rung động đến ghê người như đêm
trên bến chợ Rạch Sỏi.

Sáng sớm, đón ghe chợ tìm đường
vào đơn vị. Sông rạch U Minh chằng chịt, chỉ tràm đước bạt ngàn. Đến nơi, chiều
đã sụp tối. Đèn dầu lấp lánh những lán trại dựng vội ven kênh rạch giữa rừng.
Lần đầu tiên nghe thấy tiếng cá quẫy trong đêm vắng U Minh.

Tháng ấy đang mùa bông tràm – mùa
của dân ăn ong, mùa của ong lấy mật, bông tràm rụng đầy trên mặt nước. Hoang
vắng, đẹp nhưng buồn. Nhà cửa thưa thớt cặp ven kênh rạch hay dựng trên kênh
rạch, lá dừa nước làm mái, đước làm cầu, kèo cột. Thời ấy chỉ vừa dứt chiến
tranh, cuộc sống còn quá khó nhưng cá U Minh còn nhiều. Ở những ban công
“terrasse” bằng thân tràm, thân đước chồm ra mặt nước, chỗ để hóng gió (?) hay
để… nhậu đều sướng cả, cứ cặp xuồng bên dưới, trèo thang đước lên nhà. Rừng,
trời đất và người khách lạ dễ nhớ thành phố, nhưng hình ảnh này thì thành phố
chẳng bao giờ có. Ở đây, ban đêm đom đóm đậu đầy cả những rặng bần nghiêng ra
mặt nước. Lấp lánh, nhấp nháy, chớp tắt như một nhành thông Noel nơi thành phố.
Khổ cực nhưng còn trẻ, ngại gì.

Đi lao động, lại đào kênh dẫn,
làm nhà và làm thơ. “Hương tràm” ra đời từ đây. Mộc mạc, đơn giản, xét về thi
pháp nó bình thường nếu không nói tầm thường, nó chỉ đạt được duy nhất một điều:
có lẽ cũng đơn sơ như người miền sông nước vậy thôi.

Rồi chưa hết năm, đã có lệnh
chuyển quân ra biên giới Tây Nam. Cuộc chiến tranh vệ quốc ngắn ngủi, cuối cùng
nhưng khốc liệt với chế độ diệt chủng pôn pốt. Từ đây, sẽ chào đời “Những bông
hoa trên tuyến lửa” 1979. Đấy là chuyện sau…

Bài:
ĐỖ trUNG QUÂN
,
Ảnh: N.V.T

(KTNĐ số
2-2008)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *