Người Pháp với việc thoát nước Hà Nội

Người pháp có thể đã có một cái nhìn chuẩn hơn về việc tiêu thoát nước ở vùng đất trũng như Hà Nội. Đặt chân lên Hà Thành từ lúc còn đầy những ao hồ, những bước đi ban đầu của người pháp trong việc xây dựng đô thị tại đây đã gắn liền với việc thiết kế hệ thống thoát nước, cùng những quy định, tiêu chuẩn của việc nạo vét, thông tắc, tiêu thoát.


Mặt cắt cống tại khu phố Hàng tre, lòng cống người có thể đi lại được,
hai thềm cao hơn để công nhân đi lại nạo vét cống.

Một tài liệu về thiết kế của người pháp cho phương án thoát nước khu vực 36 phố phường và khu phố Tây phía nam hồ Gươm (hồ sơ thiết kế minh họa giải trình vay 1,5 triệu franc làm vốn xây dựng đô thị năm 1890) có thể góp đôi điều bổ ích cho việc nhìn nhận lại việc xử lý úng ngập ở Hà Nội. Kèm theo hồ sơ này là một bản vẽ mặt cắt cống ngầm trong khu vực phố Hàng tre với lòng cống có chiều cao khoảng gần 2m, người có thể dễ dàng đi lại trong cống, ở giữa là phần cống trũng để thoát nước, hai bên thềm cao hơn để công nhân đi lại nạo vét cống – một mô tả khiến ta liên tưởng đến hệ thống cống ngầm paris nổi tiếng từ thế kỷ XIX. 

Các bậc cao niên vẫn còn nhớ dọc phố trần Hưng Đạo (boulevard Gambetta) những miệng cống bề thế, những nắp cống bằng đồng nặng trịch sơn đen với những dòng chữ dập nổi. Những quy chuẩn của việc bảo vệ chung được người pháp đưa ra rõ ràng, chặt chẽ. Nhiều người ngao ngán khi liên tưởng đến việc chăm chút miệng cống của Hà Nội hôm nay trong khi mặc kệ mọi thứ đất đá bùn lầy rơi xuống đấy cũng như nhan nhản các miệng hố ga nứt vỡ, vênh váo thậm chí chẳng thèm có nắp đậy.


phố tràng Tiền xưa

Toàn bộ hệ thống thoát nước Hà Nội do người pháp xây dựng (giai đoạn 1920 – 1940) hiện vẫn còn tài liệu lưu giữ rộng gần 1.000ha với 74km đường cống bao gồm 3 loại: Cống ngầm, cống hở và mương hở. Tất cả đều chảy ra 4 con sông và thoát ra sông Hồng rất nhanh. Nên nhớ ngày ấy dân số Hà Nội chỉ khoảng 20 vạn. Điều đặc biệt là quy định cốt nền ở khu vực phố cổ khá cao. Tiêu chuẩn là 6m, sau xây dựng là 7m, cá biệt có khu vực lên tới  10m. Việc tuân thủ quy định cốt nền trong xây dựng chính là lý do tại sao hệ thống thoát nước của người pháp gần 100 năm nay vẫn hoạt động rất hiệu quả. Tại sao đến tận bây giờ việc thoát nước ở các khu phố cổ trong tình trạng ngập úng chung của Hà Nội vẫn nhanh hơn.

Bài học về cốt nền có lẽ là bài học đầu tiên mang tính sơ đẳng nhất của nguyên tắc thoát nước. Sự úng ngập cục bộ (như cách người ta đang gọi hiện nay) chính là do không tuân thủ bài học này. Một thực tế dễ nhìn thấy nhất ở Hà Nội là việc nâng cấp các con đường. Sau mỗi lần như vậy mặt đường cao hơn đến vài chục phân thậm chí cả mét so với nền nhà. Thế là cứ mưa xuống nhà lại thành ao. 

Bài học của người pháp dù đã gần 100 năm hình như vẫn không cũ. Thuận theo tự nhiên, gìn giữ môi trường và tuân thủ những nguyên tắc bắt buộc của việc tiêu thoát – Đó chính là thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *