Nhịp dẫn cầu Thanh Trì sập “do nhà thầu không tuân thủ quy trình”

Bộ Giao thông cho biết, qua kiểm tra, chưa phát hiện hiện tượng “rút ruột công trình”, “sai sót chủ yếu là do nhà thầu chưa tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật thi công và công tác giám sát của tư vấn”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng vừa ký Văn bản 3661/BGTVT-QLXD trả lời về hai vấn đề báo chí nêu thời gian qua: là vụå sập dầm cầu cạn pháp Vân trong dự án cầu Thanh trì và việc sửa mặt cầu Thăng Long.

Nhà thầu sai sót trong vụ rơi, gãy dầm

Theo Bộ GTVT nguyên nhân của việc rơi, gãy dầm cầu cạn pháp Vân được xác định là do nhà thầu thi công đã không tuân thủ đúng biện pháp thi công được duyệt, đã sử dụng các thanh chống và hàn liên kết dầm không đúng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt sau khi các dầm được lắp đặt (một phiến dầm bị mất ổn định, đổ nghiêng, kéo theo các dầm khác đổ, rơi xuống và gãy).


Vụ sập nhịp dẫn cầu Thanh trì khiến dư luận đặt câu hỏi liệu công trình có bị “rút ruột”?

Được biết, Cục Giám định nhà nước và chất lượng các công trình xây dựng – Bộ Xây dựng cũng đã chủ trì xem xét, đánh giá với sự tham gia của các chuyên gia trong Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Sở Xây dựng Hà Nội cũng xác định nguyên nhân chính như trên. Hiện tại Bộ GTVT đã chỉ đạo BQL dự án và nhà thầu thi công thực hiện công tác đảm bảo an toàn lao động không để xảy ra hiện tượng tương tự.

Công ty OC – đơn vị tư vấn của Nhật Bản cũng đã kiểm tra kỹ, đánh giá đạt yêu cầu và cho phép tiếp tục thi công. “Cho đến nay, đối với các dự án này, qua kiểm tra chưa phát hiện hiện tượng “rút ruột công trình”, sai sót chủ yếu là do nhà thầu chưa tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật thi công và công tác giám sát của tư vấn” – công văn trả lời của Bộ GTVT khẳng định và cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm, xem xét và xử lý về trách nhiệm của các tập thể và cá nhân trong vụ việc đổ, gãy dầm.

Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long – nhà thầu thi công đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và đã có báo cáo Bộ GTVT. Bộ GTVT đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân liên quan theo thẩm quyền và yêu cầu nhà thầu tự thi công bù những phiến dầm đã bị rơi, gãy.

Xử lý vết nứt cầu Thăng Long: vẫn đang tìm nguyên nhân

Đối với việc rải nhựa sửa 2km đường cầu Thăng Long tốn kém 20 tỉ đồng, nhưng vừa làm xong mặt đường đã bị nứt phải vá, sửa và trở nên mấp mô, văn bản trả lời của Bộ GTVT cho biết: Quá trình nghiên cứu thiết kế, Viện Khoa học công nghệ GTVT đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ lớp phủ tiên tiến, đó là sử dụng lớp bê tông nhựa nóng SMA (Stone Matrix Asphalt) để thay thế lớp bê tông nhựa cũ. Đây là loại vật liệu mới đã được sử dụng ở nhiều nước, nhưng mới được áp dụng ở Việt Nam. Vì vậy, quá trình áp dụng loại vật liệu này cho mặt cầu Thăng Long đã được thiết kế và đưa ra quy trình thi công khá nghiêm ngặt với điều kiện nhiệt độ và thời tiết khô ráo.

Tuy nhiên, khi thi công xong ngày 29/12/2009 và đưa vào khai thác sử dụng trên mặt cầu có hiện tượng xuất hiện một số vết nứt lớp thảm bê tông nhựa chiếm khoảng 5% diện tích sửa chữa. Kết quả cho thấy, do chưa có kinh nghiệm nên việc kiểm soát công nghệ cũng như biện pháp thi công thực tế chưa bảo đảm theo yêu cầu đã dẫn đến có sự hư hỏng nêu trên và xác định đây là hiện tượng hư hỏng cục bộ một số vị trí của lớp bê tông nhựa.

Bộ GTVT cho biết, đã chỉ đạo sửa chữa khắc phục ngay những hư hỏng trên; đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư, với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm, xác định đúng nguyên nhân hư hỏng để tiếp tục theo dõi trong quá trình khai thác và đã đưa ra được giải pháp xử lý triệt để.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *