Những “sơ suất nhỏ lẻ”

Chỉ trong một thời gian không dài, 3 sự cố liên quan đến chất lượng xây dựng những cây cầu lớn khiến nỗi lo ngại ngày càng nặng trĩu trong lồng ngực của mỗi con người. Hình ảnh tang thương khi sập cầu Cần Thơ đang còn đó thì những vết rạn nứt của cầu Thăng Long đã khiến lòng tin của người dân đối với những công trình thế kỷ ấy ngày càng vơi dần. Đến nay, lại đến cầu cạn Thanh trì đang yên đang lành, chưa chịu bất cứ lực tải nào trừ lớp bùi đường mà 4 thanh dầm tự nhiên đổ ập xuống như dư chấn của một trận động đất. Quá tam ba bận, mọi nghi ngờ không thể không đặt ra.

Lỗi tại hệ thống quản lý chăng? phía chủ đầu tư là BQLDA Thăng Long khẳng định đây là lỗi của đơn vị thi công và nhà thầu phải chịu trách nhiệm về việc này. Ngay sau khi sự cố xảy ra, BQLDA đã kiểm tra các thanh dầm và chống đỡ, sơ bộ phát hiện một số thanh chống dầm chỉ gá hờ.

phía nhà thầu là TCty Xây dựng Thăng Long khẳng định, các dầm đều được đúc hàng loạt trên cùng một công nghệ nên thanh bị sập gãy không thể có chất lượng kém các thanh còn lại. Khi chưa đổ bê tông, các thanh dầm cầu dài 33m, cao 1,6m được gối tạm lên dầm ngang, chống đỡ bằng các thanh gỗ tại hai đầu.

trong quá trình chờ đổ bê tông (4 tháng), chịu tác động rung do nằm gần đường giao thông nên các thanh gỗ chống đỡ bị dịch chuyển, gây sập cho các thanh dầm.

Nghe nhà thầu giải thích mà thấy nổi gai ốc. Không hiểu quy trình kỹ thuật xây dựng cầu chặt chẽ đến đâu mà mới chỉ “chịu tác động rung do nằm gần đường giao thông nên các thanh gỗ chống đỡ bị dịch chuyển, gây sập cho các thanh dầm”. Không thể tin nổi, kể cả cây cầu đó là cầu khỉ.

Một điều lạ nữa là theo ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc Cty cầu 7, đơn vị thi công, thì giữa các phiến dầm có thanh giằng ngang bằng thép hàn nối nhằm liên kết, cố định vị trí. Tuy nhiên, khi cơ quan công an đến hiện trường thì các thanh giằng này và các thanh chống các dầm vừa sập (bằng gỗ hoặc sắt) đã không còn.

Mối lo ngại của việc “quá tam ba bận” này không chỉ nằm ở những thiệt hại về tiền bạc và sinh mạng con người đã phải trả giá, mà ở chỗ nguyên nhân tìm ra lại toàn do những “sơ suất”. Sự cố cầu Cần Thơ thì sơ suất bởi không tính hết được độ sụt lún của nền đất. Các vết nứt ở mặt cầu Thăng Long vì sơ suất không lường được sự ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Còn vụ sập cầu cạn Thanh trì lần này chắc chắn sẽ lại là một sơ suất nào đấy…

Vấn đề đặt ra là tại sao những công trình có tầm cỡ quốc gia như vậy lại đem số phận gửi vào những “sơ suất nhỏ lẻ”?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *