Nội lực Sông Đà

Năm 2009 Tổ hợp Sông Đà đã hoàn thành mục tiêu, tiến độ, đảm bảo chất lượng xây lắp các công trình trọng điểm như thủy điện Sơn La, Sê San 4…; hoàn thành mục tiêu chống lũ tại Xêkaman 3, Nậm Chiến 1, Sê San 4, Bản Vẽ, Hương Sơn…; phát điện lên lưới quốc gia các tổ máy của thủy điện Bình Điền, Nậm Ngầm. Tính đến thời điểm này TCty đang quản lý – vận hành – kinh doanh 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp máy xấp xỉ 300MW.  trước thềm năm mới Canh Dần, các doanh nghiệp Sông Đà nói về dự định năm 2010.

    

Ông Nguyễn Bạch Dương – Tổng giám đốc Cty Cp Sông Đà 11: Mở rộng lĩnh vực hoạt động

Năm 2010 Sông Đà 11 tiếp tục nhận được các hợp đồng xây lắp tuyến đường dây 500KV  từ Sơn La – Hoà Bình với mục đích phải hoàn thành trước khi phát điện tổ máy 1 thủy điện Sơn La vào quý IV/2010; đồng thời khẩn trương hoàn thành tuyến 220KV từ Vinh – Bản Vẽ để chuyển tải điện năng khi thủy điện Bản Vẽ hoàn thành tổ máy 1 vào quý III/2010. Từ lâu, nhiều người vẫn cho rằng Sông Đà 11 chỉ chuyên về công tác điện – nước phục vụ cho các đơn vị thi công. Nhưng không chịu đơn thuần như vậy, Sông Đà 11 đã tiếp cận được với các gói thầu xây lắp đường dây và trạm (đây là công việc chuyên môn của các Cty lớn ngành điện thường làm). trên 10 năm qua, Sông Đà 11 đã từng cạnh tranh công việc này và hiện không hề thua kém trên thị trường. Đây cũng là công việc do Sông Đà 11 tự phát huy nội lực.

Năm 2010 Sông Đà 11 sẽ mở rộng hoạt động ra lĩnh vực BĐS như xây dựng nhà cao tầng và khu biệt thự tại khu đô thị mới Nhơn trạch – Đồng Nai; tham gia các gói thầu xây dựng bê tông tại thủy điện Nậm Na 2, làm tổng thầu EpC dự án thủy điện Tu trên (Lào Cai); đồng thời hoàn thành bàn giao trọn gói thầu xây lắp thủy điện Mường Kin…

Ông Nguyễn Anh – Tổng giám đốc Cty Cp SOMECO Sông Đà: Sẵn sàng nhận chế tạo và lắp thiết bị toàn bộ

Là đơn vị có đặc thù riêng biệt chuyên chế tạo và lắp đặt thiết bị đồng thời cũng là DN mũi nhọn trong tổ hợp Sông Đà, tuy mới được thành lập hơn 5 năm nhưng SOMECO đã có sự phát triển với tốc độ nhanh, mạnh cả về đội ngũ lẫn tay nghề người thợ cũng như trình độ quản lý và công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về cơ khí – chế tạo. trong năm 2009, các lực lượng cơ khí, lắp máy đã hoàn thành bàn giao trọn gói công tác lắp đặt thiết bị cho nhiều nhà máy thủy điện và 2 dây chuyền sản xuất xi măng. Tại Sơn La với thời gian chưa đầy 4 tháng, thợ Someco chi nhánh Hòa Bình đã lắp đặt xong thiết bị cho cả 2 tổ máy nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 công suất 28MW đã đi vào vận hành tháng 10 và tháng 11/2009; các nhà máy thủy điện Nậm Ngần (Hà Giang), Bình Điền (TT-Huế), Đăkla (Lâm Đồng) đều đang hoạt động an toàn.

Bước vào năm Canh Dần, Someco đã ký được các hợp đồng chế tạo lớn về đường ống áp lực chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án thủy điện Đăkdrinh – Yantansel; thủy điện Tà Thàng và đảm nhận các dự án thủy điện Nậm Chiến và thủy điện Xêkaman 3…

Ông Vũ Khắc Tiệp – Chủ tịch HĐQT Cty Cp Sông Đà 5: Tự tin với công nghệ bê tông đầm lăn

Năm nay Sông Đà 5 tròn 20 năm thành lập. Có thể nói, gần 1.700 CBCNV toàn đơn vị đã cùng nhau chung sức, chung lòng quyết tâm, gồng mình để vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ.

Với đặc thù nghề nghiệp, Sông Đà 5 được đầu tư, quản lý vận hành dây chuyền bê tông đầm lăn mới nhất, với đầu tư khá lớn (21 triệu USD) đưa vào vận hành tại công trình thủy điện Sơn La. CBCNV Sông Đà 5 hoàn toàn tự tin trong việc điều hành, tiếp tục hoàn thành trọn vẹn công tác sản xuất đạt chất lượng cao cho gần 1 triệu m3 bê tông đầm lăn cuối cùng tại đập dâng thủy điện Sơn La kết thúc vào quý II tới. Năm 2010, ngoài việc tham gia thi công hoàn thành thủy điện Bản Vẽ công suất 320MW tại Nghệ An, Cty sẽ triển khai quân số vào tham gia xây dựng thủy điện Hủa Na, Xêkaman 3 (Lào) và Sê San 4. Đặc biệt Cty sẽ đầu tư hơn 400 tỷ đồng để xây dựng dự án thủy điện 17MW nằm trên dòng sông Chảy…

Ông Hồ Văn Dũng – Tổng giám đốc Cty Cp Sông Đà 2: Gian khó mấy cũng vượt qua

Là nhà thầu chính về công tác đắp đập bê tông đầm lăn và khai thác vật liệu cung cấp cho toàn bộ công trường xây dựng nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia và là nhà máy thủy điện lớn nhất miền trung với công suất 320MW. Bản Vẽ được ví như cái rốn sâu, hiểm trở nhất của huyện Tương Dương, cũng là huyện vùng sâu và nghèo nhất của tỉnh Nghệ An. Một địa danh chịu ảnh hưởng lớn về khí hậu nghiệt ngã, mùa mưa thường có lũ quét, còn những tháng hè thì nắng nóng nhiệt độ thường xuyên từ 39 – 430C. Đập dâng nước và đập tràn của thủy điện Bản Vẽ được thiết kế thi công bằng phương pháp đổ bê tông đầm lăn. Công nghệ tiên tiến này rút ngắn được nhiều thời gian đảm bảo chống lũ và ngăn sông thắng lợi. Nhưng ở Bản Vẽ, dù có huy động nhân lực hoặc làm 3 ca thì cường độ nắng nóng đến 400C ở đây cũng không cho phép thực hiện công tác thi công bê tông đầm lăn. Do đó các kíp thợ chính của đơn vị thay nhau làm việc từ 17h chiều hôm trước đến 9h sáng hôm sau (tranh thủ thời tiết giảm nhiệt độ). Việc khai thác đá còn khó khăn, nguy hiểm hơn, bởi sau khi khai thác mỏ đá xảy ra sạt lở núi gây nguy hiểm, nên phải chuyển xa hơn đến mỏ Đ3, nhưng tại đây, thợ Sông Đà 2 vừa thi công vừa phải tính toán các biện pháp hiệu quả và an toàn. Dù vậy kết thúc năm 2009 Sông Đà 2 đã sản xuất hơn 670 nghìn m3 đá dăm và cát nghiền phục vụ cho đổ bê tông đầm lăn; thực hiện việc đắp đập đến cao trình 150m đảm bảo chống lũ năm 2010 và phục vụ tích nước lòng hồ chuẩn bị cho phát điện tổ máy 1 vào quý II tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *