Ở Sài Gòn, nhớ… Sài Gòn






Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp 2.2008


Là một đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ,
nhưng từ lúc mới tám tháng tuổi tôi lớn lên bằng hơi trầu bà nội và mùi thuốc lá
hăng hăng của ông nội. Ba tôi là con trai duy nhất của dòng tộc, lấy vợ hai lần
– sinh ra đúng hai cô con gái rồi từ biệt gia đình đi kháng chiến chống pháp và…
mất tin luôn. Ông nội tôi có một số ghe chài rong ruổi khắp miền Tây thu mua lúa
gạo, việc kinh doanh rất thành công. Vậy mà khi hai chị em tôi đến tuổi đi học,
ông bán hết cơ ngơi về mua nhà ở Sài Gòn để cho cháu nội học hành tới nơi tới
chốn.

Nhà gần cầu Xóm Chỉ, cuối đường
Tản Đà. Mặt tiền rộng trên mười mét nhìn ra đường Hàm Tử, sau nhà là kinh Tàu
Hủ. Thời ấy nhà dân thưa thớt, ít nhà máy xí nghiệp nên dòng kinh nước lớn trong
xanh. Láng giềng hầu hết là người Hoa, các cửa hiệu kinh doanh gọi là “chành”,
mỗi “chành” có mặt hàng riêng của mình như lúa gạo, phân bón, chất đốt, vật liệu
xây dựng… Khu vực đó chỉ có “chành” Thành Ngọc của nội tôi là người Việt, vì thế
ông phải thuê hai người tài phú người Quảng Đông để giao tiếp với khách hàng.

Cửa hiệu mở cửa suốt tuần nên mới
học lên trung học đệ nhất cấp (phổ thông cơ sở – cấp 2 bây giờ), tôi đã thay ông
ngồi ghế thu tiền, kiểm tra việc buôn bán của người quản lý và nhân công. Tính
lãng mạn, thích đọc sách, làm thơ, nên phải ngồi một chỗ trong căn nhà mặt tiền
xe cộ ồn ào, người mua kẻ bán ra vô không ngừng là nỗi buồn lớn nhất của tôi bấy
giờ.

Hình như nội đọc được tâm trạng
của tôi nhưng không nói gì hết, nội lẳng lặng về quê và trở lên với ba người thợ
cùng… một ghe cây. Sau một tháng, không gian riêng của tôi ra đời. Đó là căn gác
gỗ rộng khoảng 30m2. Giường, tủ sách, bàn học… được đóng bằng danh mộc nhưng
thô, khoe màu vân gỗ mà không hề có một giọt nước sơn. Theo “thiết kế của ông
nội” – để tránh ồn ào, căn gác hướng về dòng kinh phía sau nhà, đưa lưng ra
đường Hàm Tử. Mặt tiền gác với những thanh gỗ nhỏ bào nhẵn, đóng song song dạng
chéo hình thoi, tạo khoảnh sân nho nhỏ đủ

cho tôi trồng mấy dây trầu bà để
nó bò lên lan can đong đưa trong gió. Không có đất trồng hoa, cũng không thể làm
“vườn treo” vì không gian bé xíu, nhưng đêm về tôi vẫn được dỗ giấc bằng hương
ngọc lan nồng nàn tỏa từ… những xâu hoa được treo trên những thanh nẹp gỗ. Gió
sông đưa hương ngọc lan vào giấc mơ của cô bé lãng mạn, nuôi mộng ước… Về đêm,
nhìn từ xa căn gác giống như chiếc lồng đèn lấp lánh.

Vào những đêm giữa tháng, tôi
ngồi ngắm trăng lên tỏa ánh sáng trên mặt nước mênh mông, lăn tăn, sóng sánh
vàng… để cô bé 16 trong tôi thấy “Thị tại môn tiền náo / Nguyệt lai môn hạ
nhàn”… Đó là những giây phút mơ mộng hiếm hoi ngoài giờ học và phụ việc ở nhà.
Không khí náo nhiệt, ầm ĩ của tiếng còi xe, tiếng la lối của công nhân bốc xếp,
tiếng rao hàng… của khu phố người Hoa luôn vây chặt tôi như chiếc kén quấn đầy
tơ mà tôi là con tằm nhỏ bé ẩn mình sâu bên trong mong tìm chút yên bình và mơ
ước sau này lớn lên sẽ mua một căn nhà nhỏ sâu trong hẻm, trước nhà có sân, có
cây ngọc lan, có hòn non bộ thả nước chảy róc rách xuống bể cá vàng…

Chán cái nhà mặt tiền đến thế,
vậy mà khi tôi rời nó đi kháng chiến và bây giờ gần năm mươi năm ròng rã tôi vẫn
thương, vẫn nhớ căn nhà náo nhiệt – nơi tuổi thơ tôi được sống trong tình thương
vô bờ bến của ông nội. Chính trong căn nhà đó nội đã khóc ròng khi nghe tôi bị
bắn trong một cuộc xuống đường, suốt ngày và đêm ông đi tìm xác cháu khắp các
bệnh viện nhưng không chút tăm hơi, cuối cùng chỉ còn việc cúng thất tuần cho
cháu nội. Không bút mực nào tả hết niềm vui của nội khi được tin đứa cháu còn
sống, đang bị giam ở Tổng nha Cảnh sát. Tháng ngày kế tiếp, nội bỏ công việc đi
thăm nuôi đứa cháu mới mười sáu tuổi đã đi vào nhà tù với chiếc áo dài trắng còn
đính phù hiệu trường Gia Long. Ra tù, về thăm ông, vui chưa trọn tôi lại dứt áo
ra đi – một chuyến đi không hẹn ngày về… Nội đang trông cháu mỏi mòn, thì tôi
chợt về nhà như cơn lốc trong đợt Mậu Thân cùng với cả đội vũ trang. Chúng tôi
chỉ sống với nội vỏn vẹn chưa đầy tháng mà ngày nào nội cũng đãi những món ngon
nhất, mắc nhất. Rồi chia tay nội, lần lượt đi – người hy sinh, đứa vào tù, người
thoát vào căn cứ, còn tôi bặt tin luôn…

Từ đó trong căn nhà vắng lặng,
việc kinh doanh bắt đầu xuống dốc, rồi hay tin tôi bị bắt, khiến ông nội ngã
bệnh. Lúc mê, lúc tỉnh, biết mình gần đất xa trời, ông chỉ ao ước gặp mặt tôi
lần cuối, đứa cháu nội mà ông thương yêu và kỳ vọng nhất. Cho đến một hôm ông
tỉnh táo, tươi hẳn ra, ông kêu bà nội may cho ông lá cờ đỏ sao vàng treo trên
nóc nhà thật cao, để cháu nội ông thấy, chắc chắn cháu sẽ về… Bà nội ứa nước mắt
gật đầu và dặn người nhà ngồi trước cửa, hễ ai vào thăm ông nội thì nói giùm như
vầy… như vầy… Rồi ông yếu dần, nhưng tinh thần lạc quan bởi ai vào thăm cũng nói
là “trên nóc nhà có cờ đỏ sao vàng lớn dữ lắm, đẹp lắm!”. Vài hôm sau ông nhẹ
nhàng ra đi mà mắt vẫn hướng ra cửa chờ tôi về nhà…

Năm 1975 tôi về cắm lá cờ đỏ bên
mộ, quỳ xuống xin ông tha tội bất hiếu và ao ước: phải chi ông sống lại được dù
chỉ một ngày để được nhìn thấy cờ đỏ tung bay khắp hai miền Nam Bắc và hãnh diện
vì đứa cháu nội mà ông kỳ vọng nhất đã trở về!

Suốt cả một thời gian dài tôi
không dám đi qua con đường Hàm Tử, không trở lại ngôi nhà đầy kỷ niệm mà sau khi
ông mất gia đình đã bán đi. Chỉ cần nhìn lại nhà xưa là nỗi đau, niềm thương nhớ
ray rứt tôi… Tuổi trẻ tôi có lý tưởng, ông nội ủng hộ con đường tranh đấu của
tôi, nhưng chính tôi đã không thể đáp lại ước mơ duy nhất của ông: phút cuối đời
được có cháu bên mình.

Chủ mới về xây hẳn ba căn nhà lầu
khang trang, nhưng bây giờ ngôi nhà xưa đã giải tỏa để làm xa lộ Đông Tây. Vậy
mà thỉnh thoảng tôi cứ đi ngang lối cũ, nhắm mắt lại nhớ về hình ảnh căn nhà ồn
ào giữa khu phố náo nhiệt và lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên nóc nhà như
ước vọng của ông tôi.

Bài: THÀNH NGỌC,
Ảnh (chỉ có tính chất minh họa): Y.N

(KTNĐ số
2-2008)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *