Phong cách Bắc Âu nhìn từ giải thưởng Forum Aid Award 2009



Cùng với những diễn đàn và sự kiện nổi bật tại các triển lãm và hội chợ nội thất lớn ở khu vực châu Âu tổ chức vào dịp đầu năm, giải thưởng thiết kế rất uy tín FORUM AID AWARD 2009 cũng giúp các nhà thiết kế và mọi người quan tâm hiểu rõ hơn về phong cách thiết kế châu Âu trong sự thay đổi mang tính trào lưu cho từng giai đoạn.


AID là viết tắt của Architecture, Interior Design và Design. Hàng năm, ban giám khảo của giải thưởng này xem xét trong rất nhiều tác phẩm ứng cử cho từng hạng mục và trao cho một tác phẩm xuất sắc nhất. Năm 2009, ngoài ba hạng mục trên, ban giám khảo còn xét trao thêm một giải thưởng nữa cho tác phẩm xuất sắc của sinh viên: Best Student Work.


Xin giới thiệu những tác giải đoạt giải thưởng FORUM AID AWARD kỳ này, với hy vọng sẽ giúp những người quan tâm đến lĩnh vực thiết kế tại Việt Nam có được một cái nhìn chính xác về những xu hướng thiết kế cho tương lai mang phong cách đặc trưng của vùng Bắc Âu.


Thiết kế sản phẩm – Design












Sản phẩm: Ghế Plopp
Thiết kế: Oskar Zieta
Khách hàng: Công ty Hay (Đan Mạch)


Một sản phẩm phục vụ cho nội thất nhưng lại xuất hiện trong dáng vẻ của một tác phẩm mỹ thuật đương đại. Điều đáng nói ở đây là gì? Chính là yếu tố kỹ thuật hoàn toàn sử dụng các phương pháp cũ trong chế tác. Một quá trình thiết kế mang tính thực tế đáng ghi nhận bởi vì hầu hết các nhà thiết kế ngày nay trong khi say mê chạy theo những giá trị mỹ thuật lại bỏ quên những yếu tố kỹ thuật trong quá trình thiết kế của mình.


Kiến trúc – Architecture












Công trình: Mountain Dwellings
Thiết kế kiến trúc: BIG-Bjarke Ingels Group (Đan Mạch)
Khách hàng: Høpfner A/S và Danish Oil Company A/S


Một công trình được thiết kế để thể hiện tính bất hợp lý trong kiến trúc nhưng lại được tính toán kỹ lưỡng về mặt tỷ lệ và quan trọng là tạo nên một vẻ nhìn thật vui tươi khiến cho người nhìn phải thấy ấn tượng và ghi nhớ. Khu vực nhà ở được bố trí trên tầng để xe có thiết kế như một loại cabin thường thấy trong các vùng núi Alpes với nét đặc trưng là tầm nhìn thoáng đạt ra cảnh quan chung quanh.


Tác phẩm sinh viên xuất sắc nhất – Best Student Work








Tác phẩm: Subconscious Effect of Daylight
Sinh viên: Daniel Rybakken (Na Uy)


Với những ai từng làm việc và sống trong những căn phòng không có cửa sổ hẳn sẽ nhận ra trong thiết kế của người sinh viên này nét mơ mộng bay bổng. Thiết kế một loại đèn chiếu đặt bên dưới mặt bàn cho một thứ ánh sáng giống như ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ giúp người ta luôn cảm thấy gần gũi với thiên nhiên. Đó chẳng phải là một loại chất thơ đáng quý trong thiết kế hiện đại sao?


Thiết kế nội thất – Interior Design







Công trình: Cristal Bar
Thiết kế nội thất: Katrin Olina Petursdóttir (Iceland)
Khách hàng: Zenses


Khi sử dụng những hình đồ họa để trang trí cho công trình một quán bar chuyên bán rượu, nhà thiết kế không chỉ dừng lại ở tính trang trí cho một không gian mà thực sự đã biến không gian ấy thành một cõi mơ. Những bề mặt trang trí bằng các hình ảnh hai chiều lại có thể tạo ra một không gian ba chiều đầy chất thơ mơ mộng và dẫn dắt con người vào những chuyến du hành vô cùng lý thú.


Bài: TRANG ANH – Ảnh: Forum Aid
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *