Quần thể di tích và lễ hội Phủ Giày

phủ Giày, quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, là một trong “Tứ bất tử” được dân gian suy tôn ở nước ta. Cụm di tích này thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh, bao gồm 21 di tích phủ, đền, lăng trong đó có các công trình lớn như: phủ Tiên Hương xây dựng từ năm 1578, phủ Vân Cát, lăng Mẫu Liễu Hạnh.


Biểu diễn hoa trượng hội trong lễ hội phủ Giầy

trong đó, phủ chính Tiên Hương có kiến trúc tương đối quy mô với ba tòa dàn hàng ngang gọi là phương Du, có nhà bia, phía trước là hồ bán nguyệt. Bên trong điện thờ chính có tượng Bà Chúa sơn son thếp vàng, đặt ở hậu cung.

Lăng Bà Chúa Liễu Hạnh được xây bằng đá xanh, gồm nhiều lớp trên một diện tích 600 m2, cổng mở theo các hướng đông-tây-nam-bắc. trên mỗi trụ cổng có đặt một bông sen hồng. Toàn bộ lăng Bà Chúa có 60 búp sen hồng, trông xa như một hồ sen cạn. Theo cụ trần Thị Duyên, người trông coi phủ Tiên Hương, từ nhiều năm qua, hàng chục hạng mục công trình trong khu di tích phủ Giày đã được chỉnh trang, nâng cấp như: phủ cổ, Ba tòa, phương du, Cung Tam đề… Gần đây nhất là Cung Ðệ nhất được tôn tạo theo đúng nguyên mẫu với các chạm khắc tinh xảo. Thông qua tuyên truyền, vận động, nhân dân địa phương đã sưu tầm và đóng góp công đức nhiều đồ thờ tự cổ, các văn bia, bằng sắc di tích để bổ sung thay thế những đồ thờ tự bị mất và hư hỏng. Các công trình phụ trợ cũng từng bước được đầu tư, xây dựng đồng bộ, khang trang, tạo nên diện mạo bề thế cho quần thể phủ Giày.  Lễ hội phủ Giày hiện nay tổ chức trong năm ngày, từ mồng ba đến mồng 8-3 âm lịch. Vào chính hội 3-3 âm lịch, du khách thập phương nô nức hành hương về với hội phủ Giày. Hội phủ Giày thật sự hấp dẫn du khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội phủ Giày là nghi lễ rước Mẫu Thỉnh Kinh từ phủ chính Tiên Hương vào ngày 6-3 âm lịch. Bên cạnh đó là lễ rước đuốc vào tối mồng 5-3 âm lịch, có thả ba “ông” rồng bay. Ðến ngày 8-3 âm lịch là sinh hoạt văn hóa “Hoa trượng hội” với sự tham gia của 100 thanh niên chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng hai mét, người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc, chủ lễ xin Mẫu “ra chữ”, sau đó theo nhịp trống, chiêng rộn rã, 100 thanh niên sẽ xếp hình thành dòng chữ nho đầy ý nghĩa.

Hòa  trong không khí lễ hội văn hóa dân gian, du khách còn được xem rước kiệu bát cống long đình, xem múa rồng hội trên đỉnh núi Kim Thai, xem đấu vật, kéo co, đánh cờ… Hội phủ Giày còn là hội chợ, người ta đem bày bán các sản phẩm địa phương để khách dự hội có dịp mua sắm và được đắm mình trong những điệu chầu văn ngả nghiêng, say đắm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *