Sông Đà 7 Từ làm thuê lên làm chủ

Hơn 40 năm qua, những người thợ Sông Đà 7 đã xây dựng rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia trên khắp mọi miền đất nước, nhưng những đổi thay kỳ diệu thì chỉ mới có từ 10 năm trở lại đây. Công việc của những người lao động chuyên làm thầu phụ xưa kia, nay đã và đang trở thành những người làm chủ cả về hoạch định chiến lược, thiết kế đầu tư các dự án, đồng thời làm chủ các công trình xây lắp và vận hành máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại. Có thể thấy sự lớn mạnh của Cty qua các con số: Nếu như năm 2007, giá trị sản lượng chỉ đạt 340 tỷ đồng, thì đến năm 2009 toàn tổ hợp Sông Đà 7 đã đạt mức tổng sản lượng 1.340 tỷ, vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng đăng ký trên sàn giao dịch chứng khoán lúc ban đầu khi chuyển đổi sang cổ phần (tháng 12/2006) đã tăng lên 90 tỷ vào năm 2009 sau một đợt phát hành cổ phiếu. Năm nay Sông Đà 7 phấn đấu sản lượng đạt trên 1.560 tỷ và tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 40 tỷ đồng, cổ tức 16% và lương công nhân bình quân 5,1 triệu đ/người/tháng.

Hiện Sông Đà 7 có 13 Cty Cp, Cty con và Cty liên kết. Có 9 đơn vị độc lập đang thực hiện 7 dự án đầu tư xây dựng thủy điện. Tại Lâm Đồng, Cty Cp Cao Nguyên Sông Đà 7 làm chủ đầu tư, xây dựng thủy điện Yantamsen công suất 28MW, tổng vốn trên 410 tỷ đồng; tại phục Hòa (Cao Bằng) và Nậm He (Điện Biên), Sông Đà 702, Sông Đà 706 đang thực hiện xây lắp 2 nhà máy thủy điện cùng có công suất 17 MW tổng số vốn 750 tỷ đồng. Cả 3 nhà máy này sẽ hoàn thành vào tháng 3/2011. Hiện Sông Đà 7 đang đầu tư xây dựng 3 nhà máy thủy điện nữa tại Nậm Thi (Tam Đường – Lào Cai) công suất 20MW và thủy điện Sập Việt (Yên Châu – Sơn La) công suất 21MW, dự kiến đến đầu năm 2012 tất cả các nhà máy trên sẽ hoàn thành. Thời gian tới Sông Đà 7 sẽ tiếp tục đầu tư 2 nhà máy thủy điện nữa tại Lâm Đồng và Điện Biên và các dự án BĐS ở Hà Nội.

Vì sao những cán bộ, công nhân giàu nghị lực và tài năng của mình đã từng góp sức xây dựng thành công nhiều công trình lớn lại không tự đầu tư xây dựng cho mình những nhà máy để tự làm chủ vận hành – kinh doanh? Đây là niềm trăn trở của những người lãnh đạo Sông Đà 7 và họ quyết tâm xoay chuyển tình thế. Ông Nguyễn Sĩ Cát – Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Sông Đà 7 giai đoạn 2004 – 2009 tâm sự: “Sông Đà 7 chỉ thực sự lột xác khi các dự án lớn như thủy điện Tuyên Quang khởi sự và tiếp đến là đại công trường xây dựng thủy điện Sơn La. Sông Đà 7 được lãnh đạo TCty Sông Đà chọn làm mũi nhọn, là nhà thầu chính về khai thác và cung ứng toàn bộ VLXD cho công trình. Cơ hội đã cho Sông Đà 7 được dịp phát huy tiềm năng, nội lực hoàn thành xuất sắc các mục tiêu xây dựng tại dự án thủy điện Tuyên Quang. Đến Sơn La, Sông Đà 7 đầu tư một loạt 3 dây chuyền nghiền sàng hiện đại với công suất 350 nghìn m3/năm của Nga, rồi sau đó đầu tư thêm một dây chuyền công suất 650 nghìn m3/năm của Thụy Điển, kèm theo là những trạm trộn làm lạnh đồng bộ để thi công khối lượng bê tông đắp đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn”.

Với phương châm “có bột gột nên hồ”, những nhà quản lý Sông Đà 7 vừa thi công thủy điện Sơn La vừa đi tìm dự án đầu tư cho riêng mình. Đầu tiên là vào tận vùng sâu huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng tìm địa điểm xây dựng thủy điện Yantamsen, rồi nghiên cứu địa hình để thiết kế nhà máy công suất 28MW; tiếp đó xây dựng 2 tổ máy công suất 17MW tại huyện phục Hòn (Cao Bằng). Công việc khai thác, sản xuất vật liệu và cung cấp một khối lượng khổng lồ cát đá nhân tạo cho các lực lượng xây dựng trên công trình thủy điện Sơn La đem lại lợi nhuận cao liên tục trong 3 năm liền, kết hợp với những đầu tư các dự án có hiệu quả, khiến cổ phiếu của Sông Đà 7 nhiều đợt nóng lên trên sàn giao dịch chứng khoán.

Có được nguồn sinh lời lớn (khoảng 200 tỷ đồng) từ sàn giao dịch chứng khoán, cộng với việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 15 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng (năm 2008), Sông Đà 7 tiếp tục đầu tư thành công nhiều dự án thủy điện khác như Nậm Thi 1 và Nậm Thi 2, Sập Việt… Đến thời điểm này, theo Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Tiến, Sông Đà 7 đang sở hữu 60% vốn góp với Cty khai thác khoáng sản đồng và măng gan (Cao Bằng) và 12% vốn góp với nhà máy sản xuất phôi thép (công suất 100 tấn/năm) cung cấp cho khu vực Thái Nguyên.

Với tầm nhìn sâu rộng, lãnh đạo Sông Đà 7 đề ra những định hướng táo bạo, đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, mang lại hiệu quả thiết thực đã tạo đà đẩy nhanh sự phát triển không ngừng, đưa Sông Đà 7 hướng tới một doanh nghiệp hùng mạnh, phù hợp với sự phát triển chung trong Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp Việt Nam hội nhập với xu thế cạnh tranh vơi các nước trong khu vực…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *