Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ lao động-thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cần sửa luật về quản lý lao động và khởi động ngay đề án dạy nghề






Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn Quốc hội, sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lần lượt trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào hai nhóm vấn đề: Về lao động, việc làm trong điều kiện suy thoái kinh tế trong nước và thế giới; lao động trẻ em bị lạm dụng làm việc quá giờ; và tình hình quản lý lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Nhóm vấn đề thức hai thuộc về chế độ chính sách đối với người có công, thương bệnh binh…



* Cần sớm khởi động đề án dạy nghề


Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Thuỷ (Bình Định) về tình trạng lao động nước ngoài ở Việt Nam; trẻ em vùng nông thôn nghỉ học sớm, phải lao động sớm, bị lạm dụng sức lao động…Bộ trưởng Nguyễn Kim Ngân khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thì việc di chuyển lao động là tất yếu, mặc dù pháp luật của ta quy định chỉ tiếp nhận đối tượng lao động là người nước ngoài ở cấp chuyên gia, lao động kỹ thuật cao…nhưng thực tế đã có lao động phổ thông là người nước ngoài và hiện mới quản lý cấp giấy phép chưa được 50%. Số lao động này vào bằng con đường du lịch, thương mại và họ di chuyển đến nhiều vùng trong nước và làm việc theo yêu cầu của các doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp và chính quyền không báo cáo thì số liệu thống kê sẽ rất khó khăn. Giải quyết vấn đề lao động nước ngoài phải dựa trên nguyên tắc hợp tác song phương với tất cả các nước; số lao động hợp pháp đã cấp giấy phép và quản lý được; số lao động phổ thông không hợp pháp cũng không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn…Đối với những trường đó sẽ vận động, giải thích cho họ hiểu về chính sách lao động của Việt Nam; hết thời hạn lưu trú, tạo điều kiện để họ về nước. Muốn hạn chế tình trạng lao động không hợp pháp phải bằng các giải pháp đồng bộ, tăng cường quản lý xuất nhập nhập cảnh; kiểm soát tạm trú, lưu trú và kiểm soát tình trạng sử dụng lao động tại địa phương, tại doanh nghiệp. Mặt khác, cũng ghi nhận lao động nước ngoài có đóng góp nhất định khi nhà thầu nước ngoài không tuyển được lao động Việt Nam thì họ sử dụng lao động nước ngoài để bảo đảm tiến độ thi công.

Theo công ước quốc tế, lao động dưới 18 tuổi là lao động vị thành niên; Bộ luật lao động của nước ta cũng quy định: Lao động dưới 18 tuổi không được làm việc độc hại và nghiêm cấm bóc lột lao động…thực tế hiện nay, chúng ta chưa kiểm tra kỹ tình trạng lao động vị thành niên. Nhiều trường hợp do nhà nghèo, mồ côi, một số trẻ em phải làm việc đánh dày, bán báo…lang thang; các tổ chức từ thiện có trách nhiệm tập hợp giúp đỡ, dạy nghề như làm bánh…thì họ không bóc lột các cháu. Mặc dù truyền thống nước ta, mỗi gia đình đều giáo dục các cháu trong nhà giúp đỡ ông, bà, cha mẹ làm một số việc nhỏ…Tuy nhiên, rất cần tăng cường quản lý nhà nước để bảo vệ chăm sóc trẻ em, hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em phải lao động sớm và làm việc quá sức.

Đối với câu hỏi chất vấn của các đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) về các số liệu mất việc làm không chính xác; việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 5% có điều chỉnh chỉ tiêu việc làm hay không?…Bộ trưởng NTKN cho rằng: Số liệu lao động mất việc làm ở khu vực doanh nghiệp và khu vực làng nghề sở dĩ không thống nhất là do số liệu của một số chuyên gia đưa ra tại các hội thảo khoa học mang tính dự báo, chí có số liệu của Tổng cục thống kê mới hợp lý để làm cơ sở xây dựng các giải pháp trong chính sách giải quyết việc làm. Như vậy, theo Tổng cục thống kê là cơ quan phát ngôn chính thức thì năm 2008 có trên 66 ngàn lao động mất việc làm và có khoảng 64-65 ngàn lao động mất việc làm trong năm 2009. Hơn nữa, số liệu thống kê lao động mất việc trong nước và lao động ở nước ngoài về nước thì báo cáo từng thời điểm có khác nhau. Trong khi đó, chỉ có 48/63 Sở lao động thương binh xã hội có báo cáo đầy đủ số liệu lao động bị mất việc hoặc thiếu việc; những địa phương kinh tế không phát triển, tình hình việc làm không có diễn biến phức tạp. Đối với lao động làng nghề có 46 tỉnh, thành phố báo cá Riêng quý I/2009 có hơn 30 ngàn lao động mất việc làm, nữ chiếm 50%; các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam mất việc làm nhiều nhất. Đặc thù của lao động làng nghề có hai loại: LĐ thưòng xuyên và lao động làm thêm. Hiện nay, các chủ cơ sở cố gắng giữ việc cho lao động thườn xuyên, lao động không thường xuyên họ lại trở về làm nông nghiệp….Muốn tạo việc làm ở làng nghề phải giải quyết bằng kích cầu đầu tư bằng các giải pháp đồng bộ. Nhất là khi thị trường lao động phục hồi thì chỉ có tăng cường dạy nghề mới đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp và thợ làng nghề có chất lượng.

Chỉ tiêu việc làm mới chắc chắn phải phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu, có đơn đặt hàng mới có việc làm mới. Nhưng tình hình lao động mất việc tìm được việc làm mới đang có tín hiệu khả quan, như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai khoảng 80% lao động mất việc đã tìm được việc làm mới. Về giải quyết việc làm, theo hệ thống co dãn cứ tăng trưởng 1% GDP sẽ tăng 0,34% số lao động có việc làm mới; hiện nay, nhiều khu công nghiệp đang tuyển dụng lao động nhưng không đủ chỉ tiêu do lao động chưa đáp ứng yêu cầu năng lực; hơn nữa , nhiều lao động khi trở về quê đã không quay lại nơi làm việc cũ do họ tìm được việc làm mới ở những doanh nghiệp tại địa phương. Trong giai đoạn này cần tập trung khởi động ngay đề án dạy nghề để đáp ứng yêu cầu về lao động trong nước và cả nhu cầu xuất khẩu lao động trong thời gian tới -Bộ trưởng NTKN nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đề án của Chính phủ về dạy nghề nông thôn là thực hiện Nghị quyết tam nông của Trung ương. Đề án này có 3 phần là: 1- Dạy nghề nông dân theo hướng sản xuất hiện đại; 2- Dạy nghề cho nông dân chuyển dịch làm công việc khác là dịch vụ, công nghiệp và 3- là đào tạo lao động nông thôn tham gia hệ thống chính trị cơ sở. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nhóm 1. Đề án dạy nghề nông thôn dự chi 32.600 tỷ đồng từ 2009-2020. Tính ra, mỗi năm cho hết 7 ngàn tỷ, cho 63 tỉnh, thành phố và mỗi năm bình quân dạy nghề 1 triệu nông dân.

Về thị trường lao động mà đại biểu Trần Hoàng Thám (Tp HCM) đã nêu, đối với nước ta còn mới mẻ lắm, trong đó, phi chính thức tới 70%; có hợp đồng lao động chỉ chiếm 30%. Khó nhất là lực lượng lao động không chính thức thì không quản lý được, vì vậy tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sửa Bộ luật lao động vào năm 2010 và xem xét ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, Luật việc làm và luật Luật lao động nước ngoài vào Việt Nam.

Câu hỏi xác định chuẩn nghèo của đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời: Thống kê hàng năm có khác số liệu là đúng, Chính phủ đã áp dụng 20 nhóm với 50 chính sách cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo. Đến tháng 6/2009, chuẩn nghèo mới sẽ được Chính phủ xem xét. Đối với 3.000 trẻ em bị nhiễm HJV mồ côi cả cha, lẫn mẹ…Nhà nước nuôi là chính, do thành kiến của nhân dân chưa muốn cho các cháu học chung với con em mình; có địa phương như huyện Ba Vì (Hà Nội) tổ chức nhiều gia đình đỡ đầu các cháu, nhận các cháu về gia đình chăm sóc trong ngày nghỉ cuối tuần, sau đó lại đưa về trung tâm xã hội. Bộ sẽ đề nghị tạo điều kiện cho các cháu học chung với trẻ em ở gần các trung tâm nuôi dưỡng hoặc mở lớp ngay tại trung tâm nuôi dưỡng để các cháu được học hành.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời bổ sung về dạy nghề cho 1 triệu nông dân mỗi năm theo hướng: Chuyển nghề mới cho 700 ngàn và đào tạo 300 ngàn lao động tiếp tục sản xuất nông nghiệp theo phương thức hiện đại; có 76 ngành, nghề do Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ để tiến hành đào tạo cho nông dân.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu H’Luộc N’tơ (Đắk Lắk), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ rà soát lại chương trình đào tạo cử tuyển để tránh tình trạng số đối tượng này khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp vẫn không có việc làm.

*Sẽ khẩn trương giải quyết tình trạng tồn đọng chính sách đối với người có công…

Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải đảm bảo thủ tục chặt chẽ để công nhận liệt sĩ, thương binh. Nếu trường hợp mất giấy tờ thì đơn vị cũ, và địa phương phải chịu trách nhiệm xác nhận; số tồn đọng liệt sĩ sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng để xem xét công nhận; còn 76 trường hợp xét công nhận danh hiệu Mẹ VNAH của Quân khu 9, do Ban thi đua khen thưởng Trung ương xét và Bộ LĐTB&XH sẽ tham gia. Các trường hợp là cán bộ tiền khởi nghĩa do đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá) chất vấn sẽ cố gắng giải quyết chế độ trong tháng 6/2009. Đối với 11.487 trường hợp đang hưởng trợ cấp do nhiễm chất độc đi-ô-xin phải tạm dừng để rà soát lại theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với đất nước thì cũng có phần trách nhiệm của địa phương, phải chọn đúng đối tượng, xác định chính xác. Khi xác định đúng, người được hưởng chính sách được truy lĩnh.

Đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng Bộ trưởng đã đi thẳng vấn đề trong số 34 ý kiến hỏi trực tiếp của 15 đại biểu. Hai nhóm vấn đề lớn Bộ trưởng trả lời chất vấn vừa cơ bản vừa cấp bách, Bộ trưởng đã có nhiều nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình, những ý kiến các đại biểu nêu lên mong Bộ trưởng chọn việc làm dứt điểm, vấn đề nào liên quan đến luật thì đề nghị điều chỉnh cho khả thi, trong đó cần chú ý giải quyết vấn đề đưa lao động ra nước ngoài; quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam cần xác định những giải pháp cụ thể trong thời gian tới./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *