Tầm nhìn phát triển TP Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Quy hoạch, phát triển Buôn Ma Thuột theo hướng nào để trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đang là vấn đề được nhiều giới quan tâm, trong đó có giới kiến trúc sư…


trụ sở Sở Xây dựng Đắk Lắk đậm nét kiến trúc Tây Nguyên

TS.KTS Nguyễn Xuân Hinh, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Đô thị buôn làng, không gian mở cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột

Hình ảnh mái nhà dài của người Êđê được xem là “nhân tố chủ đạo” tạo nên hình ảnh đặc sắc, có tính biểu tượng cao trong diện mạo kiến trúc của thành phố. Đặc trưng của kiến trúc nhà dài Êđê cần có vị trí độc tôn tại Tp Buôn Ma Thuột, vì cho đến thời điểm này đó là yếu tố thật sự tiêu biểu cả về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Nếp nhà dài Êđê hiển nhiên xứng đáng và có khả năng đại diện, gợi nhớ về bản sắc, yếu tố không thể trộn lẫn với bất kỳ địa phương nào. Đây chính là sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn của tỉnh khi để mái nhà dài làm sắc diện tiêu biểu cho kiến trúc Buôn Ma Thuột.

Với vị trí là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột sẽ có những bước phát triển rất nhanh trong những năm tới, trong đó có kiến trúc đô thị. Cấu trúc đan xen giữa các khu phố mới, công trình công cộng với các buôn làng trong lòng đô thị tạo nên dáng dấp của Tp Buôn Ma Thuột trong những năm gần đây và sẽ là dấu ấn, tạo nên bản sắc riêng cho đô thị này. Tuy nhiên, trong quy hoạch, định hướng phát triển, chính quyền địa phương cần chú trọng đến yếu tố hài hòa trong sự kết hợp giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại. Chính vì thế, cần phải có một đánh giá riêng về hiện trạng các buôn làng hiện hữu. trong đó phải phân loại và đề xuất được các buôn làng, các công trình công cộng và nhà ở giữ lại để bảo tồn cùng với việc cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc. Như vậy việc tổ chức không gian đô thị mới cần xem việc tồn tại của các buôn làng hiện hữu trong cơ cấu đô thị mới là yếu tố quan trọng, bảo đảm sự gắn kết đồng bộ việc mở rộng không gian buôn làng với việc quy hoạch các khu phố mới, hạn chế việc di dời nhà cửa của đồng bào dân tộc bản địa đi nơi khác. Làng bản khi đô thị hóa, đồng bào sẽ là những công dân đô thị, về lâu dài khoảng cách sinh hoạt của mọi thành phần cư dân đô thị sẽ hòa nhập với nhau, nhưng thời gian trước mắt chúng ta cần tính đến đặc trưng sinh hoạt riêng của đồng bào để lựa chọn quy mô và hình thức tổ chức không gian các công trình công cộng phục vụ ở buôn làng.

Chính sự kết nối hài hòa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại được bao bọc cũng như gắn kết bởi các khoảng không gian xanh (không gian chuyển tiếp) này sẽ tạo được không gian mở cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột.

pGS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng, Chủ nhiệm Khoa Quản lý đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội: Quy hoạch đô thị không phải là một sản phẩm

Hiện tại, Buôn Ma Thuột chưa có đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025. Quy hoạch chi tiết thiếu và chậm, mới chỉ có 37% khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 (50% được thực hiện). Số lượng đồ án tỷ lệ 1/500 thiếu trầm trọng và đôi khi chưa thật linh hoạt. Một số công trình xây dựng chưa được thực hiện do thiếu vốn (nhiều công trình thuộc khu vực Nhà nước)…

Để Buôn Ma Thuột phát triển đúng hướng nên thực hiện đồng bộ 3 nội dung: cơ chế chính sách, quản lý phát triển và huy động sự tham gia của cộng đồng. Về cơ chế chính sách, cần có những chính sách cụ thể, đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần đóng vai trò của người điều phối, người khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho thành phần tư nhân. Điều quan trọng hơn, cần xác định công tác quy hoạch đô thị là một quá trình, được triển khai liên tục và thường xuyên thay vì quan niệm quy hoạch đô thị là một sản phẩm như trước đây. Về quản lý phát triển, quy hoạch đô thị cần được nghiên cứu cẩn thận, thiết lập nhanh chóng và hoàn chỉnh, dứt  điểm từng dự án, không dàn trải. Với yêu cầu thành phố có nét đặc trưng riêng mang đậm bản sắc địa phương thì trước tiên phải hạn chế mật độ và chiều cao xây dựng, công trình cao tầng chỉ nên tập trung ở một số điểm nhất định, không dàn trải để tạo điểm nhấn. Các buôn như Ako Dhong, Kô Sier, Alê A, Alê B… cần được bảo tồn, tôn tạo, cố gắng giữ gìn nét riêng của mỗi buôn, hạn chế pha tạp, xen cấy, ít nhất là trên mặt phố. Có thể áp dụng nguyên tắc xây dựng mới theo hình thức cũ và bổ sung các chức năng mới theo hướng hiện đại. Riêng các hồ nước và suối như Ea Tam, Ea Nao, Đốc Học… cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh lấn chiếm san lấp. Khi xây dựng công trình ở các khu vực này nên xây thấp dần về phía bờ hồ, suối để bảo đảm tầm nhìn, mỹ quan. Ngoài ra, Tp cũng cần quan tâm đến phát triển hệ thống cây xanh theo hướng tổ chức thành các tuyến liên tục, đa dạng loại hình cây trồng; nên bỏ dần những loại cây không thích hợp (bàng, xà cừ, hoa sữa, bằng lăng tím…) và trồng các cây phù hợp như sao, viết, bò cạp hay me tây. Mỗi tuyến đường, mỗi khu phố có một loại cây trồng cũng là cách để tạo nên nét đặc biệt cho đô thị. Điều quan trọng cuối cùng, Tp phải có cách thức huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, công viên, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật với những ưu đãi nhất định.

TS.KTS Lê Thanh Sơn, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM: Nhà dài Êđê, điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột cần có sự khai thác “tinh”

Thực tế phát triển của kiến trúc Buôn Ma Thuột trong thời gian qua đã cho thấy một bức tranh vừa đa dạng, vừa đặc sắc của kiến trúc và đô thị nơi đây. Đó là sự pha trộn hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Êđê (mái nhà dài) với kiến trúc truyền thống Việt (thể hiện nhiều trong kiến trúc nhà phố, biệt thự) và kiến trúc hiện đại mới.

Về chủ trương chọn kiến trúc nhà dài Êđê như một trọng tâm của việc xây dựng bản sắc kiến trúc Buôn Ma Thuột là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, kiến trúc được hình thành trước hết là để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Khi nhu cầu sử dụng thay đổi thì kiến trúc cũng thay đổi theo. Vì vậy khi sử dụng kiến trúc nhà dài cần lưu ý một số điểm như: Kiến trúc nhà dài thực chất là sản phẩm của đời sống và văn minh nông nghiệp nên cần cẩn thận khi duy trì tính nguyên mẫu của nó vào lối sống mới trong đô thị hiện đại. Việc áp đặt kiến trúc nhà dài lên kiến trúc hiện đại, cao tầng bằng bê tông cốt thép để gây dựng yếu tố hình ảnh, biểu tượng, biểu trưng văn hóa sẽ gây không ít bất cập cho việc sử dụng, trở ngại cho giải pháp kỹ thuật, ít hiệu quả kinh tế, sa vào hình thức. Kiến trúc ngày nay phải phản ánh được tinh thần của thời đại sản sinh ra nó, những nhân tố kiến trúc và nghệ thuật truyền thống nên được duy trì với một hàm lượng nhất định, ở những phạm vi và quy mô thích hợp. Không thể sử dụng nhầm quy mô, liều lượng của kiến trúc truyền thống nói chung, kiến trúc nhà dài Êđê nói riêng, tránh sự gượng ép, phản cảm.

Để kiến trúc nhà dài Êđê có khả năng đại diện, gợi nhớ về bản sắc, yếu tố không thể trộn lẫn của Buôn Ma Thuột với bất kỳ địa phương nào trên cả nước thì công tác bảo tồn “quỹ” di sản kiến trúc đô thị hiện có ở Buôn Ma Thuột có liên quan đến văn hóa nhà dài cần được xúc tiến thực hiện. Để làm được điều này, cần phải hình thành một quan niệm quản lý mới cho quy trình cấp phép và quản lý quá trình xây dựng. Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả yếu tố về địa hình, cây xanh, mặt nước, một trong những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng cho Buôn Ma Thuột để tạo nên bản sắc cho thành phố này.

TS.KTS phạm Thúy Loan, phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, trường ĐH Xây dựng: Giữ lại mảng “xanh” cho Buôn Ma Thuột

Buôn Ma Thuột có đầy đủ điều kiện, tiềm năng phát triển thành một đô thị xanh theo đúng nghĩa với quỹ đất xanh dồi dào và nền kinh tế xanh gắn với nông nghiệp và lâm nghiệp. Về xanh cảnh quan, Buôn Ma Thuột có một hệ thống suối, hồ, rừng, vườn khá lý tưởng. Đối với hệ thống suối, vùng ven các suối cần được nhận diện là những vùng sinh thái đặc biệt để có thể xây dựng thành các công viên. Suối trong lòng thành phố chắc chắn sẽ là yếu tố quan trọng làm cho Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị độc đáo, mang bản sắc riêng. Để biến suối thành mặt tiền đô thị thay vì giấu nó sau lưng như hiện nay, Buôn Ma Thuột phải tạo ra các cách tiếp cận đến suối, mở các đường dạo dọc suối một cách tinh tế; bảo vệ cảnh quan dọc suối và hạn chế các công trình xây dựng; tách hệ thống nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường khỏi suối; tăng cường các chức năng thư giãn, giải trí dọc suối; hạn chế việc giao những khu vực này cho tư nhân khai thác theo mô hình thu tiền.

Về xanh kinh tế, thế mạnh của Buôn Ma Thuột là công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với nông – lâm nghiệp, con đường phát triển công nghiệp và dịch vụ dựa trên sự duy trì và phát triển nông – lâm nghiệp. Kinh tế nông – lâm nghiệp trong tương lai phải được đầu tư theo hướng, không phải mở rộng sản xuất mà là hiện đại hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ gắn với nông lâm nghiệp như các tour du lịch gắn với việc tham quan vườn cà phê, cắm trại trong rừng cao su, trải nghiệm cuộc sống với đồng bào… Một nền kinh tế xanh, có vùng sinh thái xanh đặc thù trong lòng và bao bọc đô thị cùng với các yếu tố bản sắc văn hoá, kiến trúc đặc trưng sẽ tạo ra một Buôn Ma Thuột độc đáo, mang đậm bản sắc riêng.

KTS Diêu Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk: Quy hoạch, xây dựng đô thị hướng đến sự thân thiện với môi trường

Kiến trúc của Buôn Ma Thuột có nét giống với Hà Nội: có phố cũ và phố mới. Khu cũ là phan Bội Châu, Y Jut, Nơ trang Lơng… được quy hoạch từ chế độ trước; khu mới là khu Đông Bắc, phát triển quanh trục đường Lê Duẩn… Những năm 80 – 90 của thế kỷ trước là những năm khó khăn về đất đai, nhà ở, nên để đáp ứng nhu cầu cấp đất lúc bấy giờ đã phải quy hoạch chia nhỏ; dẫn đến một tồn tại rất khó xử của đô thị bây giờ. Như khu phan Chu trinh hay các khu Đạt Lý, những khu quy hoạch định cư “dồn dân lập ấp” trước đây của chế độ cũ như khu trung Hòa, Châu Sơn… là điển hình của “làng trong phố”: quy hoạch chia carô nhưng rất bé, đường không có vỉa hè, không có taluy… Sau này phát triển lên thì đã có những thay đổi về mặt quy hoạch: đường rộng hơn, có vỉa hè, có taluy, có hệ thống thiết bị hạ tầng kỹ thuật đặt ngầm dưới đất, nhưng do vẫn phải đáp ứng được nhu cầu nhà ở của sự phát triển dân số nên quy hoạch cũng phải chia lô.

Để Tp Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm vùng, trong quy hoạch không nên “đô thị hóa” quá lớn, không nên tập trung mật độ cao theo xu hướng “đô thị nén” về chiều cao. Tuy “đô thị nén” có lợi cho hạ tầng kỹ thuật: điện, nước, chất thải, giao thông… nhưng “đô thị nén” chỉ thích hợp khi áp dụng đối với những đô thị lớn, tập trung mật độ dân số cao, quỹ đất không lớn. Còn ở Buôn Ma Thuột thì không nên quy hoạch, xây dựng, phát triển theo dạng này bởi làm như vậy sẽ phá vỡ cân bằng, phá vỡ không gian xanh vốn có nơi đây. Một thực tế, cây xanh là yếu tố làm cho đô thị đẹp, tạo không gian và là lá phổi của Tp nên cần phải giữ lại và tạo những khoảng xanh phù hợp. Quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị hòa hợp, thân thiện với đặc thù địa phương, với thiên nhiên, môi trường sẽ tạo được vẻ đẹp riêng biệt của Tp cao nguyên.

KTS Hồ Viết Tiến, phó giám đốc Cty Cp Tư vấn và kiểm định xây dựng Delta-Vina (Quảng trị): phát triển đô thị hướng đến các giá trị tương thích, phù hợp với các đặc thù địa lý, nhân văn và lịch sử văn hóa của vùng đất

So với các đô thị khác thì Buôn Ma Thuột có quy hoạch khá chỉn chu, các tuyến đường ngăn nắp và sạch sẽ, các không gian chức năng như khối dân cư, công cộng, quảng trường cây xanh… được bố trí hợp lý. Không gian trên trục đường Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn được tổ chức rất hài hòa và đẹp… Các công trình kiến trúc tuy chưa có nhiều tính độc đáo về hình thức, nhưng đều khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng như mái nhà dài…, những điều này đã tạo nên sự ngăn nắp và trật tự trong quy hoạch và xây dựng. Đặc biệt các buôn làng nằm ngay trong lòng đô thị đã tạo nên nét riêng có một không hai cho Tp này. trong nền kinh tế thị trường, việc các buôn làng vẫn giữ lại được các nét văn hóa truyền thống trong một không gian đô thị sôi động như Tp Buôn Ma Thuột là điều rất quý. Việc này có sự đóng góp không nhỏ của các nhà làm quy hoạch và quản lý quy hoạch của địa phương. Nếu như chúng ta khai thác và tôn tạo tốt giá trị văn hóa này thì có lẽ đây là nét bản sắc rất riêng của Tp Buôn Ma Thuột.

Với vị thế là một trung tâm văn hóa chính trị của vùng Tây Nguyên, lại nằm trên vùng cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng; có nhiều lợi thế của các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như kinh tế… để xứng tầm là đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên thì ngoài việc tập trung cải tạo và chỉnh trang các khu đô thị cũ, xây dựng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, mang bản sắc đô thị vùng Tây Nguyên, các khu vực ngoại thành nên tập trung xây dựng các buôn làng truyền thống, các làng vườn sinh thái… Và dù lựa chọn phát triển đô thị Buôn Ma Thuột theo hướng nào đi chăng nữa cũng phải luôn hướng đến các giá trị tương thích, phù hợp với các đặc thù địa lý, nhân văn và lịch sử văn hóa của vùng đất giàu bản sắc như Đắk Lắk.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *