“Tan hoang” dự án nuôi trai lấy ngọc










Cuối năm 2008 dự án nuôi trai lấy ngọc ở xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế kết thúc, kéo theo hàng trăm bè gỗ hư hỏng… Số ngọc trai thu hoạch được gần 1 năm nhưng vẫn không biết bán ở đâu, làm gì?



Lồng nuôi ngọc trai bị nước cuốn trôi, còn lại người dân tháo làm củi.







Đầu tư ồ ạt



Năm 2005 Bộ KHCN đầu tư cho xã Lộc Bình 1 tỷ đồng để triển khai dự án nuôi trai lấy ngọc, giao Cty CP Nuôi và Dịch vụ Thuỷ sản TT-Huế chủ trì hướng dẫn kỹ thuật cho người dân tham gia nuôi. Trong đợt này có 15 hộ dân chia làm 3 tổ, bình quân mỗi hộ nhận nuôi khoảng 6 ngàn con giống. Theo đó, mỗi lồng cho phép nuôi khoảng 50 con giống, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Trong quá trình triển khai dự án, địa phương cử 6 người dân đi học cách nuôi trai lấy ngọc tại Quảng Ninh, từ nguồn vốn của dự án và địa phương. Tuy nhiên, đến nay, dự án nuôi trai lấy ngọc lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.



Ngọc trai thô thu hoạch gần một năm không biết bán đâu, chỉ để “ngắm”.




Sau gần 3 năm chăm sóc, các hộ dân mới khai thác được lứa ngọc trai đầu tiên, mặc dù không nhiều nhưng hộ nào cũng có vài trăm viên ngọc thô. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn của dự án, số ngọc trai thu được tại xã Lộc Bình có chất lượng cao hơn ngọc trai ở Quảng Ninh. Tuy nhiên từ khi người dân khai thác vụ trai đầu tiên đã gần 1 năm nay nhưng chẳng biết bán cho ai, người dân chỉ biết cho ngọc trai vào chai để làm “kỷ niệm” và có khách đến chơi đem ra “ngắm”.



Ông Lê Tuý – Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, Dự án nuôi trai lấy ngọc nhằm giúp người dân vượt nghèo, tuy nhiên như hiện nay thì người dân lại nghèo thêm. Năm 2002 dự án được triển khai với mô hình thử nghiệm, đợt này cho thu hoạch khoảng 26%. Năm 2003 dự án tiếp tục triển khai do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh và đối tác vùng Nord Pas de Clais (Pháp) hỗ trợ kinh phí, con giống, kỹ thuật nuôi và chăm sóc. Nhưng rồi mô hình sớm kết thúc, dừng lại phục vụ nghiên cứu khoa học.



Do dự án triển khai chậm nên tháng 8/2008 mới kết thúc, mô hình nuôi trai trên được bàn giao lại cho các hộ dân chăm sóc và thu hoạch. Theo anh Trần Đình Phúc – người dân nuôi trai cho biết: “Ngọc trai là loại đặc biệt, không như những sản phẩm khác, nếu không có đầu ra thì chẳng biết bán cho ai. Không bán được sản phẩm, người dân lấy đâu ra tiền để đầu tư tiếp?”.



Trong khi triển khai dự án, phía chủ đầu tư từng hứa sẽ sớm tạo điều kiện chế biến ngọc thô thành ngọc tinh tại chỗ, tổ chức làng nghề phục vụ du lịch và tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất bền vững.






Sớm tan rã



Được biết, vùng ven biển TT-Huế thời tiết rất khắc nghiệt, do vậy gặp rất nhiều rủi ro trong quá trình triển khai dự án nuôi ngọc trai và các loại thuỷ sản. Bên cạnh đó, nuôi trai lấy ngọc đòi hỏi công nghệ cao, không thể làm nửa vời.



Anh Lê Viết Sơn – người dân nuôi trai lấy ngọc ở xã Lộc Bình cho biết: “Nuôi trai để lấy được ngọc không đơn giản, đòi hỏi người dân phải chăm sóc liên tục, nếu trai không mở miệng thì không sao cấy được ngọc. Và cái khó nữa là khi cấy vật cứng vào trai để tạo ngọc, nếu không khéo có thể làm rách màng trai gây tử vong”. Còn anh Nguyễn Thiện – một ngư dân nuôi trai cho biết: “Hơn 3 năm nay bất kể nắng hay mưa anh em chúng tôi phải ra lồng chăm sóc, mong sớm có thu nhập mẻ trai đầu tiên. Nhưng từ khi Cty rút đi, số ngọc trai thô thu hoạch được không biết bán đi đâu. Hiện mỗi hộ dân có khoảng 100 -200 viên ngọc trai thôi, nếu mang ra Quảng Ninh bán liệu có đủ tiền tàu xe?”








Người dân Lộc Bình chủ yếu làm ngư nghiệp nhưng chưa bao giờ thấy một mô hình thuỷ sản nào kém hiệu quả như vậy. Đầu tư nhiều nhưng chưa thu lại được đồng nào cả.


Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT TT-Huế, nuôi trai và nhiều loài nhuyễn thể phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết. Ngành thủy sản sẽ sớm xây dựng quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý trong phát triển các loài nhuyễn thể, không nên phát triển tràn lan, tránh lặp lại tình trạng nuôi thủy sản ồ ạt, chạy theo dự án, thiếu cơ sở khoa học gây lãng phí tiền của Nhà nước và mất lòng tin của nhân dân



Chỉ tay về phía mặt nước trước đây hơn 400 lồng ngọc trai, anh Bùi Dũng – cán bộ xã Lộc Bình không khỏi xót xa, nói: “Các anh thấy đó, hàng trăm lồng gỗ đang mục nát, một số đã bị nước cuốn trôi, số còn lại người dân mang về làm củi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *