Tập đoàn Sông Đà: Nhiều cơ hội mới tại Lào

Được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng đối với các DN Việt Nam với những đặc điểm tự nhiên có nhiều ưu thế. Nhất là về nguồn nước, do hệ thống sông suối ở Lào rất đa dạng. Bên cạnh đó các mỏ tài nguyên trên đất Lào cũng rất đa dạng nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong khu vực.


Thợ Sông Đà thi công thủy điện tại Lào

Với tiềm năng khai thác trữ lượng 20 nghìn MW, mỗi năm Lào có thể sản xuất sản lượng điện trung bình gần 100 tỷ KWh, Chính phủ Lào mong muốn phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình nên đã tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác cùng các quốc gia phát triển như Mỹ, pháp, Thái Lan, Úc, Việt Nam để khai thác nguồn tiềm năng này. Khi các DN Việt Nam tiếp cận thị trường thuỷ điện, phía Lào đã đưa ra một danh sách gồm 37 nhà máy thuỷ điện có thể được xây dựng từ Bắc tới Nam Lào. Nhà máy thuỷ điện đầu tiên do nước ngoài đầu tư tại đây là thuỷ điện Nậm Thơm (công suất 1.040MW) do Thái Lan đầu tư sau 8 năm chuẩn bị đã được chính thức khởi công vào năm 2005. Với ưu thế của một nước láng giềng lân cận có bề dày hợp tác năm 2003, Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký thoả thuận hợp tác khai thác đồng ý cho Cty Cp điện Việt Lào (Tập đoàn Sông Đà) khai thác xây dựng một số nhà máy thuỷ điện với tổng công suất khoảng 1.000MW.

Với rất nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn khi bước đầu hướng đầu tư ra nước ngoài, sau khi triển khai các công tác chuẩn bị dự án đầu tiên là thuỷ điện Xêkaman3 công suất 250 MW đã được chính thức khởi công xây dựng ngày 5/4/2006.Với tổng mức đầu tư là 311,7 triệu USD, sản lượng điện hàng năm là 1.100 triệu KWh, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Ngay sau khi triển khai dự án thuỷ điện Xêkaman 3, Cty Cp điện Việt Lào đang tiếp tục triển khai một số dự án như: Xêkaman 1, Xêkaman 4, Xêkaman 4a, Đắcymơn… Tập đoàn Sông Đà cũng triển khai thêm hai dự án điện là Sê Kông 3 (tổng mức đầu tư là 275 triệu USD) công suất 205MW, dự án Xê Ha Biêng 1 và 2 (151,03 triệu USD) công suất 102MW. Tập đoàn Sông Đà còn phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư dự án thủy điện Luông pra Băng công suất 1.400MW (tổng mức đầu tư 2 tỷ USD). Hầu hết các công trình này đều nằm trên những con sông có tiềm năng lớn về thuỷ điện, vị trí quan trọng đối với công tác an ninh biên giới giữa hai nước đặc biệt khi đi vào khai thác sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của hai nước.

phát huy ưu thế và kinh nghiệm tại thị trường tiềm năng  này, Tập đoàn Sông Đà đã hợp tác cùng TCty Hóa chất Việt Nam đầu tư khai thác muối mỏ tại tỉnh Khăm Muộn (Tập đoàn Sông Đà góp 30% vốn đầu tư); góp 32 tỷ đồng (bằng 20% tổng vốn đầu tư) với Cty Hợp tác kinh tế – Bộ Quốc phòng để triển khai dự án trồng cao su tại tỉnh Bolikhamxay trên diện tích 2.095 ha. Hiện dự án này đã khai hoang được 1.700 ha và trồng mới được 900ha.

Theo Luật khuyến khích đầu tư nước ngoài của Lào, Ủy ban KH&ĐT Lào sẽ đàm phán cùng nhà đầu tư miễn thuế đối với các khoản thuế mà Chính phủ hay các cơ quan của Lào có thể đánh vào thiết bị, dụng cụ máy móc, hàng hoá hay sản phẩm cần thiết do nhà đầu tư hoặc các đối tác của nhà đầu tư nhập khẩu hay cung cấp vào Lào.

Hiện tại với các dự án thuỷ điện đầu tư tại Lào sẽ thực hiện theo hình thức BOT, thời gian kinh doanh là 30 năm. trong suốt giai đoạn này Cty của các dự án phải bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu tiêu thụ của người dân Lào tối thiểu là 10% tổng sản lượng điện của nhà máy. Sau thời gian kinh doanh, Cty của dự án thuỷ điện sẽ chính thức bàn giao nhà máy cho Chính phủ Lào trong điều kiện vận hành tốt.

Các nhà máy thuỷ điện do Tập đoàn Sông Đà xây dựng trên đất bạn Lào sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, hệ thống truyền tải về Việt Nam thuận lợi do khoảng cách không quá xa biên giới. Cùng với các dự án hợp tác đầu tư tại thị trường Lào, Tập đoàn Sông Đà sẽ tạo nguồn thu ổn định để phát triển. Đồng thời các dự án này sẽ khẳng định năng lực doanh nghiệp Việt  trên thị trường quốc tế khi Việt Nam đã chính thức là thành viên của WTO.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *