Thoát nước Hà Nội – Phấp phỏng trông mưa





Nhớ lại trận lụt lịch sử năm ngoái người dân Hà Nội không khỏi băn khoăn,lo lắng liệu mùa mưa năm nay Hà Nội có còn ngập úng nữa không nếu có mưa lớn, nhất là khi trong cơn mưa đầu mùa vừa qua, Hà Nội vẫn mênh mông nước. Mối lo ấy càng có căn cứ khi mà Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, nếu xảy ra mưa to từ 50 – 100mm/giờ, khu vực nội thành vẫn còn 28 điểm úng ngập cục bộ.





Cầu trời mưa thuận, gió hòa“. Ảnh: Tào Huyền Thanh.


Sở dĩ Hà Nội cứ mưa là ngập đó là do hệ thống thoát nước đã quá cũ và yếu, khả năng thu gom nước mưa cũng như nước thải bị hạn chế. Tính bình quân trên địa bàn toàn TP, mật độ cống trung bình hiện chỉ đạt 62m/ha và tỷ lệ đường cống so với đầu người cũng chỉ là 0,35m/người – những chỉ tiêu quá thấp. Hệ thống đường cống thoát nước chủ yếu tập trung trong khu vực phố cũ, tuy nhiên do được xây dựng từ trước 1954, đã quá xuống cấp. Với thực trạng như vậy, hệ thống thoát nước tại khu vực nội thành chỉ có thể chịu nổi những trận mưa dưới 50mm/giờ.




Tốc độ đô thị hóa cao đặc biệt là tại các khu vực mới của Hà Nội, trong khi đó hệ thống hạ tầng đô thị, hệ thống thoát nước đô thị lại chưa theo kịp (thậm chí chưa được tính đến) cũng là nguyên nhân gây nên việc úng ngập. Theo ông Nguyễn Lê, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, điều đáng lo ngại là tại những khu vực mới sáp nhập về Hà Nội chủ yếu chỉ có tiêu thoát nông nghiệp. Khu vực này các đô thị phát triển rất nhanh nhưng hầu như chưa được đầu tư hệ thống thoát nước đồng bộ. Nếu xảy ra mưa lớn gây úng ngập, thoát nước vẫn trông chờ vào hệ thống bơm nước tiêu, kênh mương nông nghiệp với khả năng tiêu thoát rất kém. Trong trận mưa lịch sử năm ngoái, các KĐTM như Văn Quán, Mỹ Đình, khu vực Từ Liêm… bị úng ngập nặng và lâu tiêu thoát nhất. Cũng do tốc độ đô thị hóa cao, đường thì bê tông hóa, các công trình xây dựng chiếm hết diện tích đất, ruộng, hồ ao bị san lấp… diện tích đất tự nhiên để nước ngấm xuống đã giảm nhiều, làm cho thời gian tập trung nước nhanh khi có mưa, gây ứ đọng cục bộ.






Như vậy là nỗi lo úng ngập của Hà Nội năm nay vẫn còn đó, nhất là theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thiên tai bão lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp, các cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa to có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam sớm hơn mọi năm. Trước tình hình như vậy, TP đã chỉ đạo các cấp, ngành, ngoài nhiệm vụ thoát nước, phải bảo đảm an toàn cho nhân dân khi xảy ra úng ngập tại những khu vực nguy hiểm như: Cắm biển báo, cử nhân viên trực, hướng dẫn người dân đi lại… tránh những thiệt hại về người như trong đợt úng ngập năm ngoái. Ông Nguyễn Lê cũng cho biết, việc cấp thiết nhất hiện nay của Cty Thoát nước Hà Nội là đẩy mạnh công tác duy trì, xác định các tiểu lưu vực thoát nước để tổ chức nạo vét đồng bộ từ nguồn thu đến nguồn tiêu, đặc biệt chú ý các lưu vực có điểm úng ngập để đánh giá khả năng thu nước của các ga và tuyến cống, thực hiện ngay biện pháp cải tạo, nạo vét. Các tuyến mương thoát nước chính như Thụy Khuê, Ngọc Hà, Thành Công, Hào Nam… cũng đã được nạo vét bằng xe cơ giới. Các trạm bơm, nhất là trạm bơm Yên Sở đã được duy tu bảo dưỡng và sẵn sàng hoạt động 24/24h khi xảy ra mưa lớn. Các hồ điều hòa cũng đã được bơm đến cos quy định, nhất là các hồ có khả năng điều hòa lớn như Thiền Quang, Giảng Võ, Thành Công… để giải quyết úng ngập cho các khu vực xung quanh. Khi xảy ra mưa lớn, Cty sẽ triển khai ngay ứng trực tại hiện trường, sử dụng xe bơm di động để hút cưỡng bức nhằm thoát nước nhanh… Từ nay đến hết tháng 6, Cty cũng sẽ hoàn thành 20 công trình thoát nước tại nhiều tuyến phố lớn.



Tuy nhiên theo ông Lê, cũng còn một nỗi lo đó là việc thoát nước năm nay sẽ bị hạn chế bởi hàng loạt công trình đang thi công gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống thoát nước như các nút giao thông Kim Liên, việc cống hóa các mương Hào Nam, Liễu Giai – Ngọc Hà… “Dự án thoát nước giai đoạn 1 hiện đã thực hiện xong nhưng quy mô chỉ thực hiện được một phần trong quy hoạch thoát nước tổng thể của Hà Nội. Để giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập, cần phải có chiến lược lâu dài, những dự án có quy mô lớn” – ông Lê cho biết.









Định hướng quy hoạch tiêu thoát nước cho Thủ đô Hà Nội




“Những quy hoạch quan trọng này sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh, tính toán luận chứng khoa học để sau khi phê duyệt, Hà Nội sẽ có cơ sở xây dựng quy hoạch tiêu thoát nước Thủ đô, hạn chế tình trạng ngập úng cũng như xóa bỏ các khu chậm lũ, tính toán hợp lý các khu phân lũ hiện nay”. Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau khi nghe các cơ quan hữu quan trình kết quả rà soát và bản quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước, thủy lợi của 2 con sông Nhuệ và sông Đáy cũng như định hướng quy hoạch tiêu thoát nước cho các khu vực khác của Hà Nội, tại cuộc họp do Phó Thủ tướng chủ trì chiều 19/5.



Các cơ quan hữu quan đã rà soát, tính toán và đưa ra một số kết luận quan trọng đối với quy hoạch chức năng tiêu thoát nước ở Thủ đô. Hiện tại Hà Nội phân vùng tiêu thoát nước theo vùng Tả sông Đáy (thủy lợi sông Nhuệ), Hữu sông Đáy và Bắc Hà Nội nhưng tình hình ngập úng hàng năm trên địa bàn vẫn không được cải thiện, riêng vùng Tả sông Đáy diện tích ngập xấp xỉ 60 nghìn héc-ta hàng năm. Hệ thống công trình tiêu thoát nước với gần 700 trạm bơm lớn nhỏ, công suất đảm bảo tiêu cho khoảng 70% diện tích cần thiết nhưng do điều kiện thời tiết, năng lực tiêu thoát nên chưa tạo được thế chủ động tiêu thoát cho TP cả ở khu vực nông nghiệp và đô thị.



Việc sẽ có hồ chứa Thủy điện Sơn La (tháng 6/2010 bắt đầu tích nước), sự thay đổi của khí hậu cũng như yêu cầu phát triển KT-XH trong giai đoạn mới được các nhà khoa học đánh giá là cơ sở quan trọng để thay đổi quan điểm, quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước của hạ du, trong đó có Hà Nội. Để chống được lũ theo tiêu chuẩn chống lũ hạ du trong chu kỳ 500 năm, không cần sử dụng các khu chậm lũ và không phân lũ vào sông Đáy như hiện nay.



Các nội dung nói trên của bản Quy hoạch này sẽ được hoàn thiện, sớm trình lên Chính phủ. Bên cạnh đó, sẽ có các tính toán mới về phân vùng tiêu thoát, phương án điều tiết lưu lượng nước vào các con sông, giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình vận hành các hồ chứa giúp giảm áp lực lũ ở hạ du, chương trình đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều trong khu vực.


PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *