VietARC’09, sân chơi mới cho người yêu thích kiến trúc


Như KT&ĐS đã thông tin trên các số báo trước, triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2009 (VIETARC’09) là triển lãm chuyên ngành kiến trúc đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra từ 4 – 7.6.2009 tại trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), 779 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM. Một “sân chơi” mới sẽ xuất hiện. KT&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thu Phong, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM – phó ban thường trực ban tổ chức triển lãm VIETARC’09 xung quanh “sân chơi” này.


Triển lãm kiến trúc là điều quen thuộc với giới chuyên môn và người tiêu dùng nước ngoài, nhưng ở Việt Nam, đây là lần đầu! Một “sân chơi” mới xuất hiện. Nó có gì khác so với các triển lãm khác?


Xin bắt đầu bằng một thực tế không vui là lâu nay giữa kiến trúc sư (KTS) và khách hàng của mình, nhất là các nhà đầu tư nhỏ – những người có nhu cầu thiết kế, tư vấn, tạo dựng một chỗ ở – vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định, chưa hiểu rõ về nhau. Điều này có thể do rào cản tâm lý, có thể do điều kiện hành nghề. Triển lãm này là một cơ hội thể hiện đa phương, đa chiều để giới kiến trúc xuất hiện và tự giới thiệu trước khách hàng, trước nhà đầu tư. Trước đây giới kiến trúc cũng có xuất hiện nhưng chỉ ở hình thức nội bộ hoặc một phần của các triển lãm không chuyên ngành. Khác biệt quan trọng nhất của VIETARC’09 là KTS phải xuất hiện trong một sân chơi chuyên ngành, trong một không gian được tổ chức bài bản. Người KTS phải tự giới thiệu mình trước hai đối tượng chính là các đồng nghiệp và công chúng của mình. Tôi nghĩ rằng, sản phẩm mà các KTS hoặc công ty mang ra giới thiệu ở đây bản thân nó phải có tính chọn lựa cao. Và đó chính là sự hấp dẫn, sự khác biệt của VIETARC’09.


Tò mò một chút. Các KTS, công ty kiến trúc sẽ trưng bày gì ở VIETARC’09?


Cũng chỉ là các đồ án công trình thôi. Ngôn ngữ thể hiện thông thường là mô hình 3D, mô hình sa bàn, bản vẽ 3D, hình ảnh thực tế công trình… Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là có nhiều hãng sẽ đầu tư mạnh vào việc trưng bày, giới thiệu. Kiến trúc là nghệ thuật của sự thể hiện không gian. Thông thường, khi tham dự một triển lãm kiến trúc, các KTS sẽ tập trung thể hiện sự sáng tạo của mình qua tác phẩm được chọn giới thiệu và qua cả cách trưng bày tác phẩm đó. Tôi đã chứng kiến ở những triển lãm kiến trúc quốc tế, họ chỉ trưng bày tấm hình công trình bình thường với kích thước không lớn nhưng cái kệ trưng bày là cả một tác phẩm thể hiện sự đầu tư, trân trọng. Bên cạnh đó là các thiết bị multimedia, máy chiếu phục vụ cho việc thuyết minh, trao đổi. Song sẽ rất khó để thấy ở VIETARC’09 những gian hàng với loa phóng thanh vặn hết cỡ. Không gian triển lãm sẽ không ồn ào. Sẽ có rất nhiều người đến triển lãm để làm việc, trao đổi trực tiếp mà từ ngữ chuyên môn hay dùng chữ “B to B” (buisiness to business) – mối quan hệ giữa những người làm công tác kinh doanh với nhau.


Như vậy, người tiêu dùng bình thường, những chủ đầu tư các căn nhà phố, căn hộ hoặc thậm chí những người chưa có đủ tiền để xây một chỗ ở cho riêng mình nhưng yêu thích kiến trúc sẽ không có cơ hội ở VIETARC’09?


Hoàn toàn không đúng như vậy. VIETARC’09 sẽ có hai ngày cuối là 6 và 7.6 mở cửa cho tất mọi người tham dự. Và như tôi đã nói, các KTS, công ty kiến trúc sẽ chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình trước công chúng. Nguời tiêu dùng sẽ gặp ở đây những ý tưởng, những hình mẫu công trình, sự giao tiếp trực tiếp với các KTS để hiểu hơn về kiến trúc và công việc của KTS. Bên cạnh đó là các gian hàng về vật liệu xây dựng (VLXD), thiết bị mới, các dự nhà án nhà ở. Tỷ lệ các gian hàng tại VIETAR’09 sẽ là kiến trúc 40%, VLXD – thiết bị 40% và các dự án nhà ở, đô thị 20%. Các gian hàng VLXD – thiết bị, dự án nhà ở có thể cũng xuất hiện ở nhiều hội chợ, triển lãm khác nhưng nó xuất hiện tại VIETARC’09 với tư cách là những sản phẩm đồng hành cho tác phẩm kiến trúc. Tôi nghĩ cơ hội lớn nhất của người tiêu dùng ở VIETARC’09 là tiếp xúc với kiến trúc và những người làm công tác kiến trúc trong một không gian được thiết kế dành riêng cho sự trưng bày và giao tiếp đó. Người tiêu dùng đến triển lãm không chỉ để ngắm nhìn hoặc mua sắm mà là để giao tiếp, tìm hiểu.


Còn với giới chuyên môn, VIETARC’09 sẽ hấp dẫn họ bằng điều gì? Ông đánh giá thế nào về sự xuất hiện của các gian hàng kiến trúc nước ngoài tại triển lãm?


VIETARC’09 hấp dẫn trước hết ở chương trình hội thảo. Hội Kiến trúc sư TP.HCM đã lập một ban chuyên lo về các hội thảo. Ở đó sẽ có những kiến trúc sư, chuyên gia hàng đầu (xem lịch và danh sách kèm theo). Thông thường, muốn được nghe những diễn giả như vậy về các vấn đề mà ta quan tâm ở các triển lãm kiến trúc thế giới và khu vực, ta phải chi cả ngàn đô la Mỹ thì ở đây rẻ hơn rất nhiều. Một điều hấp dẫn nữa là sự xuất hiện của các công ty kiến trúc nước ngoài mà tên tuổi đã được nhiều người trong giới biết đến. Các gian hàng kiến trúc nước ngoài hiện chiếm 40% tổng số gian hàng kiến trúc trong triển lãm. Sau hai năm gia nhập WTO, đã có rất nhiều KTS nước ngoài đặt văn phòng làm việc ở Việt Nam. Sự có mặt của họ là một khẳng định cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam và là một cơ hội học hỏi, giao lưu cho các kiến trúc trong nước một cách trực diện. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm một kinh nghiệm là việc tham quan các triển lãm như vậy chỉ có hiệu quả khi giới chuyên môn có chuẩn bị trước để có thể trao đổi, bàn bạc với các đối tác. Không nên đến triển lãm với tay không. Hãy mang đến triển lãm tài liệu, ý tưởng để sẵn sàng trao đổi, thông tin và chào hàng khi có dịp.


H.L thực hiện







Chương trình diễn đàn – hội thảo tại VietARC’09


Ngày 4.6.2009


Khai mạc: Tổng quan về kiến trúc và các thành phố Việt Nam năm 2009 (8h30 – 12h30)


Chủ đề 1: Kiến trúc toàn cầu với kiến trúc đặc trưng địa phương (14h00 – 17h30)


Diễn giả: Jan Utzon, công ty Utzon Associates, Đan Mạch; Tetsuo Furuichi, công ty Furuichi & Associates, Nhật; TS Lê Thanh Sơn, đại học Kiến trúc TP.HCM, Việt Nam.


Ngày 5.6.2009


Chủ đề 2: Sự bền vững và kiến trúc (9h00 – 12h30)


Diễn giả: Masaharu Rokushika, công ty Nihon Sekkei, Nhật; Toby Bath, công ty HOK, Mỹ; TS Nguyễn Quốc Thông, tạp chí Xây dựng Việt Nam.


Chủ đề 3: Sự bền vững và chính sách quy hoạch đô thị (14h – 18h)


Diễn giả: KS Wong, công ty Ronald Lu & Partner, Hong Kong; Hamada Akihiko, công ty Nikkei Sekkei, Nhật; Steven Townsend, công ty HOK, Mỹ; John Kirk, công ty Cooper Robertson& Partners, Mỹ.


Ngày 6.6.2009


Chủ đề 4: Không gian sống và phát triển bất động sản (9h – 12h30)


Diễn giả: Hồ Thiệu Trị, HTT group, Việt Nam; Michell Regembal, CR Architecture, Pháp.


Chủ đề 5: Kiến trúc đột phá, vượt trội (14h – 17h30)


Diễn giả: Jorn Narud, Narud Stokke Wiig AS, Na Uy; Jonathan Ward, công ty NBBJ, Mỹ; John Bilmon, PTW Architects, Úc.


 



Một số diễn giả tiêu biểu tham dự VIETARC’ 09






Diễn giả : KS Wong
Chức vụ : Giám đốc
Công ty : Ronald Lu & Partners, Hồng Kông
Website : http://www.rlphk.com/


KS Wong nổi tiếng là một chuyên gia trong lĩnh vực Thiết kế bền vững. Ông là một trong những đầu tàu ứng dụng khái niệm Thiết kế bền vững cho Verbena Heights, dự án nhà ở đầu tiên ở Hồng Kông được phát triển dựa trên những nguyên tắc xây dựng sinh thái (hay còn gọi là xây dựng bền vững, tiếng Anh Green Building) toàn diện. KS Wong tốt nghiệp bằng thạc sĩ về Nghiên cứu kiến trúc cao cấp, Đại học British Columbia, Canada năm 1996; bằng cử nhân kiến trúc, Đại học Hồng Kông năm 1988 và bằng cử nhân nghệ thuật khoa Nghiên cứu kiến trúc, Đại học Hồng Kông năm 1986.


Từ khi về đầu quân cho Ronald Lu & Partners, ông không ngừng mở rộng ứng dụng khái niệm Thiết kế bền vững cho những dự án lớn như Kế hoạch tổng thể bền vững cho công viên Khoa học giai đoạn 3; sơ đồ tổng thể cho Graham/Peel Street; Kế hoạch bảo tồn thiên nhiên cho Mui Tsz Lam tại Shatin, Hồng Kông và vô số nhà ở, học viện và tòa nhà thương mại. Ông cũng tư vấn nhiều kiến thức chuyên ngành có giá trị cho các quan chức chính phủ. KS Wong đang tiến hành hướng phát triển mới của hệ thống chiếu sáng và thông gió trong các cao ốc cho bộ Xây dựng, từ đó tạo ra một phương pháp mới cho thiết kế cao ốc, cũng như đang nghiên cứu khả thi trong việc đánh giá hệ thống thông gió khu vực thành thị ở Hồng Kông cho bộ Kế hoạch. Với nghiên cứu này, ông đã đoạt giải thưởng Kiến trúc đặc biệt của viện Kiến trúc Hồng Kông (HKIA) ở thể loại nghiên cứu Kiến trúc và giải thưởng cao ốc xanh của hội Xây dựng sinh thái chuyên nghiệp (PGBC) ở thể loại học hỏi nghiên cứu và lên kế hoạch. Với dự án Verbena Heights, ông giành Giải Bạc của HKIA (giải thưởng danh dự cao nhất) và giải Vàng của hội Kiến trúc sư châu Á (ARCASIA) trong việc đánh giá cao những nét mới của dự án ứng dụng theo phương pháp Thiết kế bền vững và nhiều giải thưởng danh giá khác.


Là một giáo sư kiến trúc, KS Wong có nhiều đóng góp có giá trị trong việc bồi dưỡng và đào tạo các thế hệ kiến trúc sư trẻ ở Hồng Kông. Hiện nay, KS Wong là Phó chủ tịch Viện Kiến trúc Hồng Kông HKIA và là chủ tịch hội Xây dựng sinh thái chuyên nghiệp PGBC.






Diễn giả : Akihiko Hamada
Chức vụ : Giám đốc điều hành cấp cao
Công ty : Nikken Sekkei, Nhật Bản
Website : http://www.nikken.co.jp/en/


Năm 1975, Akihiko Hamada tốt nghiệp cử nhân Kiến trúc, Đại học Waseda, Nhật. Năm 1977, ông có bằng thạc sĩ Kiến trúc, Đại học Waseda và Trường khoa học và công trình. Năm 1985, Akihiko Hamada tốt nghiệp thạc sĩ Kiến trúc, Đại học Pennsylvania và tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Ông là thành viên của hội Kiến trúc sư Nhật Bản JIA, viện Kiến trúc Nhật AIJ và Hiệp hội APEC Engineer.


Với 30 năm gắn bó với Nikken Sekkei, hiện nay Akihiko Hamada đang điều hành 8 văn phòng thiết kế cho các dự án trong và ngoài nước. Ông giữ vị trí hàng đầu trong quá trình thiết kế tổng thể vô số các dự án trong và ngoài nước. Với kỹ năng quản lý và nhiệt huyết luôn theo đuổi những tiêu chuẩn cao hơn trong nghề, ông luôn được các khách hàng như TOY OTA, NEC, Walt Disney, 3M, Đại học Waseda, các cơ quan chính quyền các nước… đánh giá cao.


Một trong những dự án ý nghĩa và thành công nhất của ông là thành phố Phục hưng NEC đoạt giải thưởng lớn về Môi trường & Trái đất (Earth Environment Grand Prize), Giải Tiết kiệm năng lượng (Energy Savings Award) do Bộ Môi trường Nhật trao tặng và nhiều giải thưởng danh giá khác. Với quan điểm đem vấn đề tiết kiệm năng lượng vào thực tiễn, ông cũng đoạt được vô số giải thưởng khác. Và với tư cách giảng viên kiến trúc tại các trường đại học, Akihiko Hamada không ngừng truyền đạt tri thức tích lũy quý báu về lĩnh vực này cho các thế hệ sau.






Diễn giả : Jan Utzon
Chức vụ : Senior Partner (Trưởng văn phòng thiết kế)
Công ty : Utzon Associates Architects, Đan Mạch


Là con trai cả của cố kiến trúc sư lừng danh thế giới người Đan Mạch Jorn Utzon (1919-2008) để đời với kiệt tác nghệ thuật nhà hát Opera Sydney, Australia, Jan Utzon cũng được thừa hưởng tài năng thiết kế bẩm sinh nơi cha mình.


Sinh năm 1944, Jan Utzon tốt nghiệp thạc sĩ Kiến trúc năm 1970, và tốt nghiệp học viện Mỹ thuật Hoàng gia, Đại học Copenhagen, Đan Mạch. Được thấm nhuần những bài học về kiến trúc từ thuở nhỏ, lớn lên ông theo đuổi lĩnh vực này tại Sydney và Copenhagen.


Sau khi tốt nghiệp, ông thiết kế nhiều cơ quan, văn phòng tại Đan Mạch. Và cùng với cha mình, ông tham gia thiết kế hai công trình đồ sộ là tòa nhà Quốc hội Kuwait năm 1972 cho đến khi hoàn thành năm 1983 và nhà thờ Bagsvaerd tại thủ đô Copenhagen năm 1976. Năm 1974, ông cộng tác với các kiến trúc sư ở Hawaii và được công nhận là một kiến trúc sư thực thụ ở Hawaii. Từ năm 1976, cùng với cha mình, ông tham gia nhiều công trình lớn tại nhiều nước như Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Điển, Mỹ, Trung Quốc, Zimbabwe, Malawi, Angola, Nam Phi, Mozambique, Mexico và Australia. Trong 20 năm qua, Jan Utzon là người đứng đầu văn phòng chính của công ty Utzon Associates Architects tại Đan Mạch và các chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới.






Diễn giả : Tetsuo Furuichi
Chức vụ : Senior Partner (Trưởng văn phòng thiết kế)
Công ty : Furuichi & Associates, Nhật Bản


KTS Tetsuo Furuichi sinh năm 1948 tại Fukushima. Ông tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc tại Đại học Waseda, Nhật Bản năm 1975. Từ năm 1975-1986, ông làm việc tại văn phòng KTS Kenzo Tange và Cộng sự. Năm 1988, ông thành lập văn phòng thiết kế Furuichi & Associates. Cho đến nay, ông đã đạt được rất nhiều thành công và giải thưởng qua vô số công trình kiến trúc được thực hiện trên toàn thế giới như giải thưởng dành cho Kiến trúc sư trẻ nhất của năm của hội Kiến trúc sư Nhật JIA (1995), thành tích Kiến trúc được giới thiệu trong Tuần lễ hoạt động thường niên (lần thứ 5) của viện các Kiến trúc sư Hoa Kỳ AIA (2001), Giải những thiết kế kiến trúc tuyển chọn của hội kiến trúc sư Nhật AIJ năm liên tiếp trong 3 năm 2005-2007…


Với giấy phép hành nghề kiến trúc sư hạng nhất, Tetsuo Furuichi luôn đặt niềm tin vào công cuộc tìm kiếm sự đồng hóa giữa những thay đổi của các mô hình kiến trúc mới. Hiện nay, ông vẫn theo đuổi mục tiêu này và không ngừng phổ biến quan điểm của mình trong các bài diễn thuyết với tư cách giáo sư tại Học viện Công nghệ Chiba ở Tokyo. Ngoài ra, ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo, giảng viên chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Đại học Nihon và Đại học Waseda. Những cuộc triển lãm các tác phẩm kiến trúc của Tetsuo Furuichi tại những quốc gia xa xôi như Lithuania, miền bắc châu Âu đến Malaysia ngầm thể hiện quan điểm của ông về một thế giới thiết kế không có biên giới.






Diễn giả : Jorn Narud
Chức vụ : Senior Partner (Trưởng văn phòng thiết kế)
Công ty : Narud Stokke Wiig AS, Na Uy
Website : http://www.nsw.no/


Jorn Narud sinh năm 1949 tại Rjukan, Na Uy. Ông tốt nghiệp cử nhân Kiến trúc, Đại học Manchester, Anh quốc khóa 1970-1974. Là người chịu trách nhiệm chính hoặc cộng sự trong những dự án kiến trúc lớn và phức tạp, Jorn Narud dần tích lũy tri thức đa phương tiện về lãnh đạo và quản lý. Ông cũng truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu về kiến trúc qua các buổi thuyết trình và hội thảo với các kỹ sư, khách hàng,… để đạt tới sự đồng thuận trong các nguyên tắc kiến trúc và lên kế hoạch tổng thể. Ông cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc lên chương trình, sử dụng nguyên vật liệu và chi tiết công trình, và ông đã đạt được vài giải thưởng cho việc sử dụng bê tông hiệu quả nhất.


Hiện nay, ông đang tiến hành Kế hoạch tổng thể và những đề xuất thiết kế dưới dạng biểu đồ cho Đại học Salahaddin, Erbil, Iraq cho 20.000 sinh viên gồm 15 trường đại học, chỗ ở cho 8.000 sinh viên, 500 giảng viên, thư viện trường đại học,… và Kế hoạch tổng thể Kurdistan (820.000 m2) cho 1.400 ngôi nhà tại vùng ngoại ô thủ đô Oslo, Na Uy. Cho đến nay, ông đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá như giải Norwegian Concrete cho trung tâm Khoa học mới tại Đại học Trondheim năm 2000, giải thưởng Sasakawa – Foundation năm 1999,… Từ năm 1979 đến nay, ông là kiến trúc sư, cộng sự chủ chốt tại công ty Narud Stokke Wiig AS. Hiện nay, ông đang cộng sự với hãng kiến trúc Renzo Piano Building Workshop phát triển dự án The Icon Complex: New museum for Astrup Fearnley (14.000 m2) tại Tjuvholm.


Diễn giả : Masaharu Rokushika
Chức vụ : Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành
Công ty : Nihon Sekkei, Nhật Bản
Website : http://www.nihonsekkei.co.jp/en/


Năm 1975, Masaharu Rokushika tốt nghiệp thạc sĩ Kiến trúc, chương trình nghiên cứu sinh về Quy hoạch Đô thị, Đại học Princeton. Năm 1973, ông tốt nghiệp Cử nhân Công trình ngành Kiến trúc, Đại học Tokyo.


Từ năm 1978 đến nay, Masaharu Rokushika làm việc cho Nihon Sekkei, một tập đoàn lớn của Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quy hoạch đô thị. Từ năm 2006 đến nay, ông giữ chức chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Nihon Sekkei. Từ khi đảm nhận cương vị mới, với kinh nghiệm chuyên môn hơn 30 năm trong việc mở rộng thiết kế từ kiến trúc sang quy hoạch toàn cầu và với tài lãnh đạo cùng tầm nhìn xa trông rộng, ông đã dẫn dắt Nihon Sekkei phát triển theo hướng quảng bá ngành kiến trúc của Nhật ra thế giới. Hiện nay, ông đang theo đuổi “Thiết kế Bền vững” trong mọi dự án phát triển của Nihon Sekkei trên toàn thế giới. Giải thưởng của viện Kiến trúc Nhật Bản (AIJ) năm 1995 là một trong những động lực mạnh mẽ giúp ông tiếp tục theo đuổi “Thiết kế bền vững”. Những dự án tiêu biểu của Masaharu Rokushika trong những năm gần đây có thể kể ra là Nihonbashi Mitsui Tower 41 tầng (129.980 m2) là một tòa nhà hỗn hợp gồm văn phòng, viện bảo tàng và khách sạn (2005); Shiodome City Center 47 tầng (236.400 m2) là một tòa nhà thương mại (2003); Matsushita Electric Works Tokyo HQ Office 24 tầng (45.600 m2) (2003); Ibaraki Municipality Building 7 tầng (21.000 m2) dành cho các cơ quan chính phủ (1999); Tostem Sukagawa No.2 Factory (35.000 m2) (1997);…






Diễn giả : Toby Bath
Chức vụ : Phó chủ tịch cấp cao, giám đốc điều hành HOK khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Công ty : HOK, Mỹ
Website : http://www.hok.com/


Toby Bath hiện là phó chủ tịch cấp cao, giám đốc điều hành HOK khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Toby Bath tốt nghiệp khoa Kiến trúc và Thiết kế đô thị Đại học Oxford và Đại học Bath. Ông là thành viên của Hiệp hội kiến trúc sư hoàng gia Anh RIBA, Hội kiến trúc sư Mỹ (Assoc. AIA), Hiệp hội các nhà quản lý dự án (MAPM), Hiệp hội quy họach Mỹ (APA), thành viên trong Ủy ban điều hành phương pháp đánh giá môi trường xây dựng Hồng Kông (HK-BEAM)) và thành viên của Hiệp hội các trung tâm mua sắm quốc tế (ICSC)…


Tháng 7/2004, ông gia nhập HOK với tư cách giám đốc điều hành HOK khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu của ông là nắm bắt mọi cơ hội tại khu vực đầy tiềm năng này để ngày càng bành trướng quy mô HOK tại khu vực Châu Á.Hiện nay, HOK khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang xây dựng một lực lượng thiết kế vững mạnh, phát triển vì tương lai của khu vực bằng cách tạo ra những môi trường bền vững tốt nhất. Những giải pháp thiết kế phản ánh sự kết hợp độc nhất giữa chức năng, hiệu quả chi phí và yếu tố thẩm mỹ, trong khi đó vẫn chú trọng vào sự bền vững và đảm bảo không những đáp ứng mọi mục tiêu của khách hàng mà còn vượt quá mong đợi của họ. Dưới sự điều hành của ông, cả 6 văn phòng của HOK tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều đạt tới một tầm cao mới về sự bền vững.


Đến với chương trình hội thảo của triển lãm Kiến trúc Việt Nam 2009, Toby Bath sẽ trình bày chủ đề Thiết kế bền vững, đồng thời cho thấy cam kết của HOK về chủ đề này.






Diễn giả : Jonathan Ward
Chức vụ : Partner (Chủ nhiệm thiết kế cấp cao)
Công ty : NBBJ, Mỹ
Website : http://www.nbbj.com/


Hơn 18 năm qua, Jonathan Ward luôn theo đuổi niềm đam mê về thiết kế chuyển đổi. Để thỏa niềm đam mê, từ quê hương nước Mỹ, ông đã không ngừng tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu về lĩnh vực này ở nhiều nước như Nga, Na Uy, Anh và Trung Quốc. Nhờ đó, ông đã mang đến một phong cách thiết kế mới và ứng dụng chúng trong nhiều cao ốc cấp tiến cho những khách hàng muốn khám phá những nét mới trong kiến trúc khắp nơi trên thế giới. Đối với Jonathan, công nghệ máy vi tính là trợ thủ đắc lực trong quá trình thiết kế, mở ra những hướng thiết kế mới và giúp truyền đạt ý tưởng của nhà thiết kế đến khách hàng, đến đội ngũ xây dựng và công chúng. Điều này mang lại lợi ích rất thiết thực và có ý nghĩa đối với những dự án xây dựng lớn và phức tạp.


Ông có kinh nghiệm trong nhiều công trình lớn như trụ sở ngân hàng thương mại Chinatrust ở Đài Bắc, Đài Loan; phát triển hỗn hợp công viên Burena tại California, Mỹ; tháp Daelim Ttukseom, Seoul, Hàn Quốc; kế hoạch tổng thể trung tâm Thế vận hội Olympic 2013 và sân vận động chính tại Hàng Châu, Trung Quốc; Trung tâm đào tạo của tập đoàn Microsoft tại Washington, Mỹ; trụ sở chính hãng Reebox, Massachussets, Mỹ; trụ sở chính Tập đoàn viễn thông Telenor, Oslo, Na Uy; viện thông tin – sinh thái châu Âu Wellcome Trust tại Cambridgeshire, Anh; trường Kiến trúc và công trình Ulsan, Hàn Quốc; Đại học Westminster Kingsway, London, Anh; sân bóng chày Hiroshima, Nhật; Moscow Four Winds, Nga; kế hoạch tổng thể Trung tâm Y tế Hamad, Doha, Qatar; và rất nhiều công trình lớn khác.


Những dự án của ông được đánh giá rất cao và đoạt được nhiều giải thưởng danh giá của hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ AIA, hội Kiến trúc sư hoàng gia Anh RIBA, tạp chí Kiến trúc, và liên đoàn Bất động sản quốc tế. Những dự án của ông xuất hiện trang trọng trên những tạp chí kiến trúc hàng đầu tại hơn 15 quốc gia. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia thuyết trình và giảng dạy về nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc tại nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới như Đại học Nam California, Đại học Syracuse, Đại học Hàn Quốc, Đại học kiến trúc Queens, Đại học Washington,…






Diễn giả : John Bilmon
Chức vụ : Tổng Giám đốc điều hành
Công ty : PTW Architects
Website : http://www.ptw.com.au/


John Bilmon tốt nghiệp cử nhân Khoa học ngành Kiến trúc và cử nhân Danh dự ngành Kiến trúc tại Đại học New South Wales. Hiện nay, ông là thành viên của các hiệp hội chuyên ngành như Life Fellow, viện Kiến trúc sư Hoàng gia Úc; Cựu chủ tịch Hội RAIA NSW Chapter; viện Kiến trúc sư hoàng gia Anh; Hội đồng chứng nhận kiến trúc sư Úc; hội đồng Kiến trúc sư NSW.


John Bilmon về đầu quân cho PTW Architects từ năm 1982. Từ năm 1988, John Bilmon quản lý sự đa dạng hoá trong công việc hành nghề của PTW và sự phát triển danh tiếng hàng đầu trong việc hình thành nên các nhóm tư vấn đa ngành nghề đầy sáng tạo nhằm thực hiện nhiều dự án phức hợp với quy mô lớn tại Úc và nhiều nước trên thế giới. Vấn đề ông quan tâm tại PTW là mang sự nhạy cảm khác nhau trong văn hoá và thiết kế tới các dự án tại các quốc gia – phương pháp tiếp cận này đã giúp PTW trở nên nổi tiếng, đặc biệt là ở khu vực châu Á. John Bilmon dẫn đầu nhóm sáng tạo trong quy hoạch và kiến trúc chịu trách nhiệm thiết kế.


Các dự án gần đây của PTW là Trung tâm bơi lội quốc gia “Watercube” – Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc; tu sửa lại kho Hữu nghị Bắc Kinh; trụ sở chính của FPT, Hà Nội, Việt Nam; toà nhà Quadrangle Đại học NSW Kensington, Sydney; Toà nhà trụ sở chính ngân hàng St. George, Kogarah, Sydney; toà tháp căn hộ Musashi Kosugi, Tokyo, Nhật Bản; toà nhà Unilever, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam,…






Diễn giả : Steven Townsend
Chức vụ : Phó chủ tịch cấp cao, Trưởng bộ phận quy hoạch tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Công ty : HOK, Mỹ
Website : http://www.hok.com/


Steven Townsend gia nhập HOK với tư cách phó chủ tịch cấp cao, trưởng bộ phận quy hoạch tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông hướng dẫn và chỉ đạo bộ phận quy hoạch trong Quy hoạch tổng thể và Thiết kế đô thị. Ông chú trọng vào những phương pháp phát triển bền vững và cách tiếp cận mang tính chất học thuật tới quy trình thiết kế. Ông điều hành đội ngũ thiết kế gồm những chuyên gia lão luyện trong nhiều lãnh vực như Thiết kế Ý tưởng, Quy hoạch đất, Chương trình phát triển, Thiết kế khái niệm cảnh quan…


Steven Townsend đang theo học thạc sĩ Khoa học về thiết kế học thuật và quản lý MIDM, Đại học Hồng Kông. Ông tốt nghiệp cử nhân Kiến trúc, Đại học Nebraska, Mỹ, nghiên cứu sau đại học về Thiết kế Đô thị tại hội Kiến trúc, London, Anh và tại Đại học bang Arizona State, Mỹ; nghiên cứu đô thị tại Trung tâm kiến trúc San Francisco. Steven Townsend hiện là hội viên Hội kiến trúc sư Mỹ (Assoc, AIA), hội viên Viện đất đai thành thị (ULI) và Viện giao thông vận tải ITE.


Cho đến nay, ông đã đạt nhiều giải thưởng cao như Giải thưởng về tính bền vững trong Thiết kế đô thị năm 2007 của Hội kiến trúc sư Mỹ cho Kế hoạch tổng thể bờ biển quốc gia vịnh Haitang; giải thưởng do công chúng bình chọn cho Kế hoạch tổng thể Kai Tak Archipelago; giải thưởng AIA về Thiết kế đô thị năm 2000 cho Kế hoạch tổng thể bến cảng Thượng Hải; cùng nhiều giải thưởng khác.


Những dự án tiêu biểu của ông là Kế hoạch tổng thể Jindal Vidyanagar, Karnataka, Ấn Độ về một thị trấn 1.000 ha gồm 15.000 căn hộ và nhà ở, trường đại học, bệnh viện, khu thương mại…; Kế hoạch tổng thể về thành phố mới Tianjin Jinnan tại Trung Quốc 16 km2 gần khu vực hành chính chính quyền Tianjin; Công viên quốc gia tại Manila, Philippines 38 ha; Bay La Sun tại Saudi Arabia; Phát triển hỗn hợp Kuningan Perdada, Indonesia; Trung tâm truyền thông Makassan, Thái Lan; Mission Bay, California, Mỹ; khu đô thị mới Phú Mỹ An, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam; Kế hoạch tổng thể Cộng đồng & Khu nghỉ mát Legend Sea, Phan Thiết, Việt Nam…






Diễn giả : John Kirk
Chức vụ : Partner (Chủ nhiệm thiết kế cấp cao)
Công ty : Cooper, Robertson & Partners, Mỹ
Website : http://www.cooperrobertson.com/


John Kirk là nhà kiến trúc đô thị với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế các cộng đồng dân cư mới, nơi nghỉ mát, các tòa nhà đặc biệt, nhà ở dân dụng, và kiến trúc vườn khắp Hoa Kỳ và vùng biển Caribbean. Ông đang xúc tiến một vài kế hoạch tổng thể và tòa nhà đạt giải thưởng cho một vài cộng đồng dân cư mới ở Florida như Celebration, WaterColor và Windmark Beach. Bên cạnh đó, ông còn thực hiện một số dự án khác như Garden Terrace Ballroom tại NewYork, Botanical Garden (Vườn bách thảo) – câu lạc bộ chơi golf tại cộng đồng dân cư mới ở New Albany, bang Ohio, khách sạn nhỏ tại Perry Cabin, bang Maryland, các nhà ở dân dụng ở South Hampton, bang Virginia và ở Cộng hòa Dominican. Năm 2005, ngôi nhà mẫu của ông đăng trên tạp chí Southern Accents, WaterSound, bang Florida đã được Hội nghị giới xây dựng Đông Nam và tạp chí Buider’s trao giải thưởng “Thiết kế xuất sắc”.


Ngoài ra, ông còn đoạt nhiều giải thưởng danh giá khác như Giải thưởng do giới xây dựng bình chọn năm 2006 cho ngôi nhà mẫu WindMark, Watersound, bang Florida; Giải xuất sắc do viện Đất đai thành thị bình chọn cho Celebration Town Center, bang Florida; Giải thưởng danh dự của hội Kiến trúc sư Mỹ cho dự án ngôi nhà Hoa hồng (Rose House), East Hampton, New York…


Trước khi về đầu quân cho tập đoàn tư vấn thiết kế Cooper & Robertson (Mỹ), ông công tác vài năm tại Atlanta, sau đó trở thành phó giáo sư thiết kế tại Đại học Virginia. Ông tốt nghiệp cử nhân Khoa hoc tại Viện Công nghệ Georgia, thạc sĩ Kiến trúc Đại học Virginia, và nghiên cứu học tập tại L’École des Beaux Arts ở Paris. Hiện nay, ông là đối tác cùng chịu trách nhiệm mở rộng Miller Center phục vụ công việc nhà nước tại Đại học Virginia.






Diễn giả : Hồ Thiệu Trị
Chức vụ : Chủ tịch HĐQT
Công ty : Công ty kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự
Website : http://hothieutri.com.vn


Hồ Thiệu Trị sinh năm 1945 tại Long Xuyên, Việt Nam, mang quốc tịch Pháp. Tính đến nay, ông sống và làm việc tại Pháp trong 21 năm và tại Việt Nam trong 14 năm. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Sài Gòn, sau đó, ông sang pháp tiếp tục nâng cao chuyên môn và nhập quốc tịch tại đây. Trong thời gian này, ông là thành viên chính thức của hội Kiến trúc sư Pháp (năm 1979). Cũng trong năm 1979, ông thành lập văn phòng kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị ESAS tại Paris, Pháp. Từ năm 1980 đến nay, ông hợp tác và là thành viên của công ty kiến trúc CR Architecture tại Paris của hai KTS nổi tiếng là Claude Costantini & Michel Regembal.


Năm 1995, ông trở lại Việt Nam và xúc tiến thực hiện công trình tôn tạo Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 1998, ông thành lập công ty Hồ Thiệu Trị ESAS tại Hà Nội, tiền thân của công ty TNHH kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự ngày nay. Hiện, KTS Hồ Thiệu Trị là cố vấn thiết kế cho tất cả công trình do HTT Group thực hiện.


Một số công trình tiêu biểu trong hai năm gần đây nhất của ông là Khu dân cư phức hợp trên đảo Kim Cương quy mô 7,99 ha, quận 2; Dự án Metropolis Thảo Điền, quận 2; khách sạn Sao Phương Đông, Hà Nội; khu biệt thự nhà vườn Orange Garden, quy mô 56 ha, Hà Nội; cao ốc văn phòng FPT 27 tầng nổi, 5 tầng hầm tại 89 Láng Hạ, Hà Nội; khu phức hợp chơi golf, nghỉ mát và giải trí Tân Viễn, Hà Tây; trụ sở tổng công ty Du lịch Hà Nội; trung tâm thương mại Hàng Da, Hà Nội; khách sạn Serenade, Hàng Đào, Hà Nội;…


Tính đến nay, KTS Hồ Thiệu Trị đã đạt được nhiều giải thưởng cao như: Giải thưởng Top Ten của tạp chí Kiến trúc BCI trao tặng cho những nhà thiết kế hàng đầu khu vực châu Á (2006); Giải nhì cuộc thi thiết kế Trung tâm nghiên cứu công nghệ thông tin viễn thông và sản xuất phần mềm FPT; Giải nhì cuộc thi thiết kế phương án Trung tâm Hội nghị quốc tế và Triển lãm TP.HCM do tổng công ty Saigon Tourist và tập đoàn Phú Mỹ Hưng tổ chức; Giải thưởng Kiến trúc Việt Nam do bộ Văn hóa-Thông tin, bộ Xây dựng và hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng cho công trình tôn tạo Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1998,… KTS Hồ Thiệu Trị đã từng được trao danh hiệu cao quý “Vinh danh nước Việt” nhằm tôn vinh người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và nhiều đóng góp cho đất nước.


Diễn giả : Michel Regembal
Công ty : CR Architecture
Website : www.costantini-regembal.com


Michel Regembal sinh ngày 27 tháng 6 năm 1946 tại Paris, Pháp. Ông tốt nghiệp bằng Kiến trúc DPLG (bằng kiến trúc chuyên sâu) do Chính phủ Pháp cấp. Ông là kiến trúc sư tư vấn của bộ Thiết bị và Vận tải, bộ Văn hóa. Ông là thành viên của hội Kiến trúc sư Pháp và là giáo sư của Trường Kiến trúc Paris Valley of Seine. Cùng với Claude Costantini, ông tham gia đồng sáng lập công ty CR Architecture năm 1987. Michel Regembal được cả thế giới biết đến nhờ dự án để đời sân vận động Stade de France nổi tiếng ở phía Bắc Paris gồm 80.000 chỗ dành cho các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá và bóng bầu dục. Stade de France là sân vận động lớn nhất nước Pháp. Hiện nay, CR Architecture ngày càng bành trướng thế lực ở nhiều châu lục như Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Năm 1998, chi nhánh CR Châu Á ra đời tại Hà Nội tập trung vào những dự án kiến trúc tại khu vực Trung Quốc-Việt Nam.






Diễn giả : Arata Isozaki
Chức vụ : Giám đốc, sáng lập văn phòng
Công ty : Arata Isozaki & Associates, Nhật
Website : http://www.isozaki.co.jp/


Arata Isozaki, sinh năm 1931 tại thành phố Oita, Nhật Bản, là một trong những kiến trúc sư người Nhật danh tiếng nhất thế giới. Năm 1954, ông tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Đại học Tokyo. Năm 1963, Isozaki mở văn phòng kiến trúc riêng Arata Isozaki & Associates.


Cho đến nay, Isozaki đã tham gia thiết kế nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu như Trung tâm khoa học và kỹ nghệ, Columbus, Ohio; Nhà hòa nhạc Kyoto, Kyoto, Nhật Bản; Thư viện Oita, Nhật Bản; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Los Angeles, California; Phòng lớn của Thế vận hội mùa hè 1992, Barcelona, Tây Ban Nha; Team Disney Orlando, Florida; Trường Y khoa Weill Cornell tại Qatar, Education City; Tháp nghệ thuật Mito, Mito, Nhật Bản (1990) và nhiều công trình lớn khác trên toàn thế giới.


Từ năm 1979 đến nay, ông là thành viên ban giám khảo cho nhiều giải thưởng kiến trúc lớn trên thế giới, trong đó có Giải Pritzker, giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới. Hơn 50 năm trong ngành kiến trúc, ông đã đạt được nhiều giải thưởng giá trị như: Giải Tòa nhà được yêu thích nhất do Trung tâm Nghệ thuật & công nghệ tại Krakow, Poland, Nhật trao tặng (1999); Thành tựu kiến trúc xuất sắc nhất của thập niên 1998-1999 tại Krakow (1999); nhiều lần đạt giải tưởng hàng năm của giới thầu xây dựng; Huy chương vàng của Hội kiến trúc sư Hoàng gia Anh (1986, 1992); Giải Những công trình xuất sắc nhất của nền kiến trúc Mỹ từ năm 1980 do Viện kiến trúc sư Mỹ bình chọn (1991); Giải thưởng kiến trúc FAD, Tây Ban Nha (1991); Giải thưởng kiến trúc Chicago (1990);…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *