Vùng kinh tế trọng điểm: Bế tắc vì giao thông yếu kém





Bất cập trong phát triển các công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông kết nối các cảng biển chiến lược với các KCN và TP vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là nỗi lo thường trực của địa phương và bộ ngành liên quan. Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong việc nâng cấp và phát triển hạ tầng.



3 giờ cho 25km


Thay vì chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ thì giờ đây các phương tiện đi từ TP.HCM đến ngã ba Vũng Tàu (Biên Hòa, Đồng Nai) có khi phải mất đến 3 giờ. Đoạn đường dài khoảng 25km này đã bị kẹt cứng bởi lượng phương tiện lưu thông dày đặc. Từ trên cao nhìn xuống dãy xe container xếp thành hàng trông giống như người ta chơi đô-mi-nô. Tài xế xe khách Trần Văn Bình lắc đầu ngán ngẩm: “Chỉ cần một chiếc xe container quay đầu thôi cũng đủ làm ùn tắc rồi. Lượng xe cộ ngày càng dày đặc thế này mà đường hẹp, lại không có cầu vượt ở nút giao thì sẽ trở thành thảm họa”.



Xe xếp hàng tại đầu cầu Đồng Nai, cây cầu già cỗi có nguy cơ sập.


Cầu Đồng Nai đã được các cơ quan chức năng cảnh báo có thể sập bất cứ lúc nào, ngay đầu cầu cũng cắm biển báo mỗi xe phải cách nhau 30m. Thế nhưng tình trạng ôtô, xe tải nặng xếp hàng dày đặc trên cầu đang rất phổ biến do hai đầu nút giao ngã ba Vũng Tàu và ngã ba Tân Vạn đều bị kẹt cứng. 


Trước nguy cơ sập cầu, Khu quản lý đường bộ 7 phối hợp với các cơ quan chuyên môn của 3 tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM thực hiện các biện pháp phân luồng từ xa và giảm tải trọng xe khi qua cầu. Theo đó, trên mặt đường cầu đã được kẻ vạch, phân ô chỉ dẫn các xe tải khi qua cầu phải giãn cách 30m. Ở hai đầu cầu, lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông được bố trí để phân luồng xe từ xa. Tuy nhiên, việc phân luồng và yêu cầu giãn cách trên cầu hầu như đã… vô tác dụng. Những đoàn xe tải nặng vẫn ngang nhiên nối đuôi nhau qua cầu, mặc dù đã cắm biển giới hạn chỉ cho phép xe dưới 25 tấn. Nhiều xe giành đường, vượt lên đi thành hai hàng trên mỗi làn đường vẫn xảy ra liên tục.


Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 18 vụ ùn tắc giao thông ngay trên cầu Đồng Nai. CSGT làm nhiệm vụ trực tại đầu cầu Đồng Nai cho biết: “Kẹt xe trên cầu Đồng Nai là thường xuyên vì tình trạng ùn tắc ở hai nút ngã ba Vũng Tàu và ngã ba Tân Vạn xảy ra hàng ngày chưa có biện pháp nào giải quyết”.



Dự án cao tốc chậm như rùa bò


Ùn tắc giao thông trên QL1A đi các tỉnh Đông Nam bộ đang gây nên những hậu quả kinh tế nặng nề, nỗi ám ảnh của toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cung đường này đã được cảnh báo từ rất lâu và giờ đây đã trở thành nguy cơ thực sự. Thế nhưng việc triển khai các dự án giao thông lại rất chậm chạp và thiếu tính đồng bộ.


Dự án cầu Đồng Nai theo hợp đồng BOT thì phần cầu và nút giao Tân Vạn hoàn thành vào 7/10/2009 và nút giao Vũng Tàu hoàn thành 7/5/2010. Tuy nhiên hiện tiến độ thi công phần cầu chính chậm 2 tháng. Hai hạng mục “thủ phạm” gây nên tình trạng ùn tắc giao thông là nút giao Tân Vạn và nút giao ngã ba Vũng Tàu đều chưa xong việc giải tỏa bàn giao mặt bằng.


Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 72km đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho tổ hợp IDICO-TCty Sông Đà -Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư. Tháng 12/2008, tổ hợp các nhà đầu tư đã thành lập Cty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) để thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án đang gặp không ít khó khăn do thủ tục chậm, công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều phức tạp.


Nguyên nhân của sự thiếu đồng bộ được các chuyên gia giải thích là do thủ tục rề rà. Mỗi bước thủ tục “ngốn” 2 – 3 năm, xin đất thêm mất 2 – 3 năm, báo cáo khả thi rồi duyệt mất 2 – 3 năm. Một điểm yếu nữa “níu” các dự án giao thông lại là năng lực GPMB tại địa phương quá yếu. Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là ví dụ điển hình: Khởi động từ năm 2003, sau nhiều lần thay đổi chủ trương đầu tư từ BOT qua vốn ngân sách, đến nay đã có thể khởi công, vẫn chưa có một mét đất nào cho xe vào thi công.


Những dự án hạ tầng mà cụ thể là những tuyến giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược nhằm khơi thông dòng chảy cho toàn vùng đang gặp bế tắc. Đó là những mối nguy cơ lớn cho chiến lược phát triển kinh tế, cảng biển, xuất khẩu hàng hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *