Đông Hà – Thành phố mới trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây





Một sự kiện đặc biệt đối với người dân Quảng Trị vừa diễn tra, thị xã Đông Hà đã tổ chức lễ công bố quyết định của Chính phủ “lên” thành phố Đông Hà.



Chợ Đông Hà – tỉnh Quảng Trị.


Một “thành phố trẻ” trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây năng động chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/9/2009.

Tôi còn nhớ những năm đầu giải phóng, khi Đông Hà dù chỉ là một huyện trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên nhưng trong sách giáo khoa lớp 4 đã dùng những mỹ từ cho Đông Hà, xem Đông Hà như ngã ba quốc tế, thức suốt đêm với lượng xe và người qua lại như “trái tim không ngừng đập, như mạch máu không nghỉ lưu thông”. Còn nhà thơ Phương xích lô thì tự hào “Quê hương em dùng toàn hàng ngoại/ đến gió cũng gọi… gió Lào”




Những ngày đó, tôi công tác tại huyện Bến Hải- cách Đông Hà khoảng 10 cây số, mỗi ngày chủ nhật mượn được xe đạp, đạp vào Đông Hà lội chợ xem hàng ngoại về từ đường 9 cho… đỡ thèm xong tìm một quán cà phê bên sông Hiếu ngồi uống, thưởng thức hương cà phê Cùa nức tiếng… khó nơi nào có được đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Ngày đó, Đông Hà nói hơi ngoa một tí là “bé tí như bàn tay”… cả Thị xã hầu như chỉ quanh quẩn bên chợ Đông Hà còn con phố Hùng Vương sang trọng ngày đó chỉ là khu bãi rác, cồn cát cao lút đầu người… Đông Hà dân cư thưa thớt, các con đường đều vắng lặng, ồn ã nhất chỉ có đường 9, kìn kịt người- xe ngày đêm mang vác hàng lậu. Có thời điểm, giáo viên, công chức đều đua nhau bỏ việc kéo lên Lao Bảo mua hàng… Lào về bán (nói thế chứ toàn hàng Thái). Hàng theo đường 9 đổ về lèn kín các xã từ Hướng Hóa về Cam Lộ cuối cùng tập kết tại Đông Hà chờ “phân phối” đi các tỉnh thành khác. Cũng từ những ngày đó, Đông Hà phải mang tiếng… oan là địa chỉ của hàng ngoại nhập lậu



Sự kiện giúp Đông Hà đổi đời là tháng 7/2009, cách đây đúng 20 năm, Bình Trị Thiên bị xóa tên, tỉnh Quảng Trị được thành lập và Đông Hà trở thành trung tâm hành chính của tỉnh. Việc chọn Đông Hà làm “trái tim” của tỉnh ngày đó cũng không đơn giản khi nhiều người nêu ý kiến nên lấy thị xã Quảng Trị – Trung tâm hành chính của chính quyền cũ trước giải phóng làm trung tâm nhưng số đông sau đó đã quyết chuyển ra Đông Hà – nơi đó đất rộng, người thưa dễ xây dựng theo ý đồ mới, lại là điểm khởi đầu của con đường 9 – tuyến đường chiến lược mang tầm vóc quốc tế (dù ngày đó chưa hề hình dung về Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây). Đông Hà khởi sắc từ đó, khi hàng loạt công sở dựng xây, các doanh nghiệp ngành thương mại, công nghiệp đầu tư vào sản xuất, với một loạt thương hiệu mới ra đời như bia Quảng Trị, xi măng Đông Hà, khách sạn Đông Trường Sơn… Trong đó 2 doanh nghiệp là Công ty xuất nhập khẩu Quảng Trị và Công ty Thương mại Quảng Trị nổi lên như một hiện tượng điển hình kinh doanh năng động hiệu quả của ngành thương mại khu vực miền Trung.



Sự kiện nổi bật khác nữa khiến nhiều tỉnh thành đã nhìn Đông Hà bằng đôi mắt ngưỡng mộ, khi năm 1995, chợ Đông Hà tổ chức lễ khánh thành. Nhiều ban quản lý các chợ khu vực miền Trung được mời về dự lễ, ngày đó nói chuyện với tôi nhiều người cho rằng, đây là khu chợ đẹp nhất miền Trung, lớn hơn cả những ngôi chợ nổi danh, nức tiếng như Đông Ba, chợ Cồn… Ông Phùng Thế Ủy – được giao phụ trách chợ ngày đó cứ xuýt xoa: thiết kế chợ, mô hình như đoàn thuyền vươn lên trong khoảng không gian bao la, nằm cạnh bên sông Hiếu là mẫu mà chúng tôi ưng ý nhất trong hàng chục mẫu khác. Chợ thoáng đẹp có đường ô tô lên đến tầng hai…! Và đúng như vậy 15 năm sau, dù chợ Đông Hà đang phát triển mạnh, một phần chợ dành cho Siêu thị Quảng Hà – một liên doanh mới thành lập, cộng tác giữa Đông Hà và doanh nghiệp Hà Nội, thì chợ Đông Hà không hề thấy chật chội như nhiều chợ miền Trung khác, hàng ngoại về từ đường 9 vẫn đầy ăm ắp thu hút lượng khách ngoại tỉnh ngày đông nhất lên đến cả vạn lượt …



Đông Hà lên thành phố, nghe nói cũng nhiều luồng ý kiến, đầu tiên là những người hoạch định có ý tưởng lớn hơn muốn thành lập thành phố mang tên Quảng Hà – bao gồm cả 2 Thị xã Đông Hà và Thị xã Quảng Trị kéo dài từ sông Thạch Hãn ra đến sông Hiếu nhưng chờ cho đên hoàn chỉnh thì … lâu quá, thôi trước mắt là thành phố Đông Hà đã, còn thành phố Quảng Hà ngày sau sẽ tính tiếp. Chính phủ cũng nhất trí với ý tưởng Thành phố Đông Hà và điều đó cũng đồng nghĩa rằng: Thành phố trẻ nằm trên trục Đường 9 – thành phố đầu tiên về phía Việt Nam nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây đã khởi động trên tiến trình phát triển – Hội nhập kinh tế quốc tế.



Thành phố Đông Hà mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: kinh tế phát triển tương đối nhanh và ổn định, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Thành phố Đông Hà – cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm đạt từ 14 đến 15%. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, đến năm 2008 đạt 25,8 triệu đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 giảm còn 6,5% (theo tiêu chí mới), giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 36% so với toàn tỉnh, thương mại dịch vụ tăng trưởng 13 đến 14% mỗi năm; 66/83 khu phố, 38/50 cơ quan, trường học được công nhận đơn vị văn hoá, 14.712/18.042 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 81,5%.



Để Đông Hà không chìm ngập trong các cao ốc, khu công nghiệp trong tương lai, những nhà hoạch định đã vẽ đề án xây dựng thành phố trẻ này theo mô hình thành phố bên sông hồ và đô thị nhà vườn. Theo đó, quy hoạch đô thị chung đến năm 2020 Đông Hà được xác định phát triển cả về bốn hướng, lấy sông Hiếu làm trung tâm cảnh quan và điểm nhấn kiến trúc phát triển đô thị. Về phía nam đến sông Vĩnh Phước, phía bắc phát triển theo hai bờ sông Hiếu kéo dài đến ngã tư Sòng; mở rộng và xây dựng các khu đô thị mới về phía Nam và Bắc. Các khu dân cư, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm và khu vực dành cho các cơ quan nhà nước quan trọng, các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ được quy hoạch tập trung… Thành phố còn chú ý đến qui hoạch trồng cây xanh, xây dựng khu công viên, hồ nước…



Nhìn Đông Hà đang “lớn lên” từng ngày, từ một thành phố đổ nát trong chiến tranh như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ngày theo đoàn quân về tiếp quản Đông Hà năm 1973 đánh giá “bị tàn phá 200%” nay được cả thế giới biết đến là “Thành phố đầu cầu trên hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), người ta tin rằng, Thành phố mới – Đông Hà sẽ sớm khẳng định mình, một đầu cầu kinh tế của miền Trung Việt Nam, một thành phố trẻ, năng động, cửa ngõ của tuyến đường xuyên Á…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *