Chuyện quy hoạch hai bên bờ sông Hàn









Seoul – Thủ đô Hàn Quốc nằm bên bờ sông Hàn của Hàn Quốc. Đà Nẵng – đô thị loại 1 nằm bên bờ sông Hàn nước Việt Nam.




Sông Hàn – Đà Nẵng.


Seoul ra khỏi chiến tranh cách đây trên 50 năm. Đà Nẵng cũng ra khỏi chiến tranh trên 30 năm.



Seoul đang phấn đấu là 1 trong 10 thủ đô đẹp nhất hành tinh. Đà Nẵng đang phấn đấu thành đô thị trung tâm của miền Trung – Tây Nguyên.



Hai TP cũng lấy du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp làm tiêu chí phấn đấu, xây dựng TP xanh sạch đẹp để vươn xa.



Đoạn sông Hàn chảy qua Seoul dài khoảng 40 cây số, nối 2 bờ sông Hàn có 26 cây cầu (gần 2 cây số 1 cây cầu). Đoạn sông Hàn chảy qua Đà Nẵng chừng 10 cây số, đã có 5 – 6 cây cầu và dự tính có thêm 3 – 4 cây cầu nữa (trên dưới 1 cây số 1 cây cầu).



Seoul có 10 triệu dân, mỗi cây cầu sẽ chịu 400 nghìn người. Đà Nẵng có gần 1 triệu dân, mỗi cây cầu chịu 100 nghìn người. Trên 240 cây số bên 2 bờ sông Hàn Seoul có 12 công viên lớn (cỡ 100ha). Trong công viên có hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú… với hàng ngàn loại động vật quý hiếm. Có công viên sử dụng lại mấy chục héc-ta đất và một nhà máy xử lý nước cũ đã bỏ đi – công viên sinh thái này sử dụng lại nhà máy cũ, bể lắng, bể lọc cũ, thậm chí ống gang, ống bê tông làm chỗ chơi thích thú cho thiếu nhi. Hàng ngày có hàng trăm ngàn trẻ con đến đây. Tò mò, nghịch ngợm, thích thú với hàng trăm câu hỏi mà bố mẹ chúng cũng không thể trả lời nổi: “Cái này là cái gì?”. Van, tê, cút “là cái gì? để làm gì?…”.



Dọc sông Hàn Đà Nẵng có công viên Đảo xanh với nhiều quán ăn, nhà hàng, công viên Thanh Niên mới trồng cây, công viên phía thượng nguồn Cẩm Lệ đang trong dự án quy hoạch, một làng du lịch sinh thái bên kia cầu Hòa Xuân đang triển khai.



Ở Seoul nhà cao tầng rất nhiều, rất nhiều, nhiều hơn và cao hơn nhà cao tầng ở Đà Nẵng. Nhưng những công trình kiến trúc cũ, đã 500 – 600 năm, những công  trình thấp tầng cổ và cũ, mái ngói rêu phong dưới bóng cây tùng, cây bách cũng nhiều hơn ở Đà Nẵng. Đà Nẵng vẫn giữ được vài mái đình, vài cây đa trên 300 năm cũ ở Hòa Cường, Khuê Trung.




TP bên sông Hàn của Hàn Quốc.


Đất chật người đông nhưng Seoul vẫn cố giữ và trồng mới nhiều rừng cây, bãi cỏ, hồ nước, ruộng đồng. Seoul không cho phép đào núi, lấy ruộng, lấp hồ. Họ còn bắt buộc đào lại sông, hồ đã bị san lấp. Có một công trình vĩ đại về nhiều mặt đã được làm như thế. Đó là công trình Chây Kây, lúc đó là một con kênh, con suối chạy giữa Seoul dài gần 50 cây số, đầu vào đầu ra cũng từ sông Hàn, kiểu sông Tô Lịch của Hà Nội hay Nhiêu Lộc – Thị Nghè của TP.HCM. Suối Chân Kây chỉ rộng 10 – 15m. Đô thị phát triển, suối bị lấn chiếm, ô nhiễm, bị bồi lấp, hôi thối và rồi bị san lấp. Nhà đã mọc lên trên đó với 22 vạn dân. Xí nghiệp, chợ búa, cửa hàng… cũng trên 60 nghìn cái đã nhảy xổ vào đó. Một quyết định vĩ đại được đưa ra: phải đào lại con suối bị lấp, phải khơi thông lại dòng chảy vốn có. Phải làm đẹp hơn, phải biến 50 cây số con suối cũ thành 50 cây số công viên có suối róc rách, 50 cây số chảy giữa TP với rừng cây, bãi cỏ, bờ kênh, ghế đá. Đường dọc, cầu ngang… đáp ứng cho cả triệu người già trẻ lớn bé có thể nghỉ ngơi thư giãn hàng ngày.



Khi giải phóng mặt bằng, người ta phải tìm chỗ cho tái định cư 22 vạn dân, đưa tạm 60 nghìn cửa hàng vào sân vận động to đẹp như sân Chi Lăng để tạm thời mua bán, chuyển đường tàu điện trên cao đến nơi khác. Nhiều cuộc họp, nhiều cuộc vận động đã diễn ra.






Thị trưởng Seoul sau này đắc cử Tổng thống Hàn Quốc khi đó đã tốn 3.000 cuộc  gặp dân, đương đầu với hàng chục cuộc biểu tình chống đối của tiểu thương, của công nhân tàu điện, của hàng trăm ngàn cư dân đã nhiều năm sinh sống trên đoạn suối mà họ san lấp lấn chiếm đó.



Khi khánh thành, dòng nước trong mát từ sông Hàn chạy vào thông suốt 50 cây số con suối Chân Kây, hàng vạn người, kể cả thị trưởng, tổng thống đều xắn quần lội tung tăng tung tẩy đùa giỡn trên dòng nước mát lạnh đó. Ngày nay, qua lại con suối này có 22 cây cầu đá, rộng 15m, dài chỉ 13m, có hàng trăm héc-ta bãi cỏ, rừng cây, công viên, nhiều công trình nghỉ ngơi vui chơi giải trí và với hàng trăm ngàn người tới đây hàng ngày.



Hàng tỷ đô la cộng với những con người phi thường đã làm cho Seoul xanh, sạch, đẹp và giàu có. Hiện đại và văn minh, xứng đáng là một trong 10 thủ đô đẹp nhất hành tinh.



Phía Bắc sông Hàn Đà Nẵng, một khu đô  thị mới quốc tế do tập đoàn DAEWOON Hàn Quốc, vừa được khởi công động thổ. Khu Đô thị D-City này có diện tích 210ha nằm phía Tây cầu Thuận Phước, trong đó có 180ha lấn Vịnh Đà Nẵng. Một sân golf 18 lỗ với diện tích 80ha có các khu resort, khách sạn cao tầng, căn hộ cao cấp 40ha, khu trường học quốc tế 2,5ha, các khu chung cư cao 30-40 tầng, khu văn phòng 60 tầng, nhà hát, trung tâm hội nghị… Ông Chun Young Woo – Chủ tịch HĐQT DAEWOON cho biết, đây là dự án đầu tư lớn thứ hai của Cty trên thế giới và là dự án thứ 5 của hãng tại Việt Nam.



Ngoài khu đô thị quốc tế Đa Phước nói trên, một khu thương mại cao tầng khác trị giá 87 triệu USD tại khu vực phía Tây Bắc cầu Tuyên Sơn sông Hàn Đà Nẵng cũng đang được triển khai. Phải chăng một dáng dấp nào đó của Seoul Hàn Quốc theo sông Hàn đang trôi về sông Hàn Đà Nẵng?



Mong sao một “Vành trăng khuyết” sẽ sớm chiếu sáng trên bầu trời sông Hàn Đà Nẵng.v



Hồ Duy Diệm 
Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Đà Nẵng.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *