Đặt nơi thờ cúng ở đâu?



Phong thủy 







 


(TNTS) Đây là câu hỏi tuy không mới nhưng luôn xuất hiện trong các băn khoăn về tư vấn nội thất bởi mỗi nhà, một hoàn cảnh, một quan niệm riêng về không gian tâm linh này. Trong điều kiện nhà ở đô thị, bố trí không gian thờ cúng có những đặc trưng riêng cần xem xét toàn diện về công năng và phong thủy.


Vận dụng linh hoạt các giá trị truyền thống


Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt xưa nay luôn đặt bàn thờ tổ tiên tại trung tâm gian chính. Do gian chính cũng thường là chỗ tiếp khách nên có suy nghĩ cho rằng hai không gian này là một. Thực ra những nhà có điều kiện vẫn thường hay làm gian thờ riêng biệt, có thể kết hợp là nhà thờ tự của cả dòng họ. Người xưa không đưa gian thờ lên lầu, đơn giản vì ngôi nhà thuở đó đa phần không có lầu (ngoại trừ cung điện, chùa tháp) và kết cấu nhà chủ yếu bằng khung gỗ, tranh tre, chưa có sàn đúc nên gian thờ phải ở dưới trệt để vững chắc, ổn định. Mặt khác người Việt vốn là cư dân vùng nông nghiệp lúa nước nên luôn làm nền nhà cao so với mặt đất, dạng nhà sàn hoặc nhà đắp nền để tránh ẩm thấp, ngập nước. Gian thờ nằm trong ngôi nhà thuờng có bậc thềm khá cao, phía trên bàn thờ là thiên đỉnh của mái nhà và có lối thoát hơi nóng ra đầu hồi, không có sinh hoạt nào khác cao hơn bàn thờ (hình 1).








 


Trong ngôi nhà hiện đại, xếp đặt gian thờ cũng phải tuân thủ chặt chẽ và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc truyền thống nêu trên, đó là: tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên, phía trước bàn thờ là các không gian trang trọng, phía sau là cầu thang và không gian phụ như sân phơi, kho. Như vậy phòng thờ đặt tại lầu trên cùng sẽ đạt được các tiêu chí này (hình 2).



Mặt khác nhà phố thường bị vây chặt bởi các nhà chung quanh, nếu đặt bàn thờ dưới tầng trệt ngay trong phòng khách bước vào sẽ khó thông thoáng, thắp nhang nhiều ố vàng cả trần nhà, rồi trên đầu của bàn thờ có khi là phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa… sẽ làm giảm tính tôn nghiêm. Đó là chưa kể đến việc từ ngoài cửa đã nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị, hình ảnh tổ tiên.


Chọn giải pháp tùy theo hoàn cảnh


Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là phòng thờ phải đặt trên lầu thượng, nhất là đối với gia đình neo người, sức khỏe kém, đi lại lên xuống khó khăn. Giải pháp toàn diện hơn cả là phải tính toán một vị trí đặt phòng thờ (hoặc bàn thờ) ngay từ khi bắt đầu thiết kế xây nhà sao cho phù hợp. Ví dụ muốn đặt dưới tầng trệt thì phòng thờ (bàn thờ) nên nằm kề cận giếng trời hoặc trong khoảng thông tầng (nhà có lửng) và như đã nói ở trên, nên về phía sau nhà và không “lộ diện” ra phòng khách (hình 3), nhất là đối với phòng khách có trang trí theo lối hiện đại vì sẽ tạo ra hình ảnh khập khiễng trong bố cục nội thất.



Có thể đặt bàn thờ tại vị trí sảnh tầng, đầu mối giao thông lên xuống. Trường hợp nhà có khuôn viên rộng, nhà trệt dạng biệt thự vườn… thì nên thiết kế một gian nhỏ làm phòng thờ, có thể mô phỏng theo hình thức truyền thống, kết hợp làm thư viện gia đình (hình 4). Đối với căn hộ chung cư, diện tích nhỏ thì bàn thờ nên đặt gần cửa thông thoáng, vẫn phải đảm bảo sự thông thoáng và thống nhất về hình thế của tủ thờ sao cho tương ứng với không gian căn hộ. Có thể dùng hình thức tủ thờ kết hợp với tủ trang trí, tủ ngăn phòng.



Bài: KTS Hà Anh Tuấn.
Ảnh: Nguyễn Hưng


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *