– Theo Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, hiện cả thành phố có khoảng 90 điểm ùn tắc, nhiều hơn 15 điểm so với cùng kì năm ngoái, nhưng với người dân, nói không ngoa, chẳng có con đường nào là… không tắc.
Đường nào cũng tắc! Trong 1 tuần qua, khi Tết đang gần về, nỗi ám ảnh tắc đường ngày một trở nên đáng sợ với hàng triệu người dân Thủ đô.
Công ty truyền thông của chị Hoàng Thị Loan vừa chuyển đến phố Bà Triệu được 10 ngày nay. Một nửa thời gian kể trên, dù rời cơ quan từ 17h chiều hay đã là 19h, đã “thử” ngang qua mọi con đường những mong về nhà tập thể ở ngã 3 phố Giảng Võ – Trần Huy Liệu “đúng giờ”, nhưng chị phải ngán ngẫm với cảnh: mọi con đường đều dẫn đến điểm tắc, tắc và tắc.
Ngày hôm sau, dù đã nhẫn nại ở lại cơ quan đến 19h, với tinh thần cảnh giác, tránh ngã tư Giải Phóng – Đại Cồ Việt, chị vòng qua Lê Duẩn, đến Khâm Thiên thì đứng “hít khói” gần 1h rồi mới đi được qua đường Đê La Thành. Nhưng chị tiếp tục gặp tắc đường vì có một chiếc xe tải chở bàn ghế quay đầu, thế là mất thêm gần 1 tiếng nữa mới thoát được ra khỏi ngã tư La Thành – Giảng Võ.
Chị Loan cho biết thêm, những ngã tư “đen”, luôn có mặt trong danh sách những điểm ùn tắc như Văn Miều – Nguyễn Khuyến hay Kim Liên mới – Tôn Đức Thắng, chị dù liều đến mấy chị cũng xin… chừa! Chị Nguyễn Thu Hoài, nhân viên bán vé tại bến xe Mỹ Đình cho hay, thường ngày chị đi làm bằng xe buýt, dù có tắc thì cũng chỉ mất hơn 1h cho hành trình 2 tuyến buýt từ chỗ làm về Tăng Bạt Hổ. Song, liên tiếp trong 2 ngày qua, những tuyến buýt “dính” đến bến xe như tuyến 16 (Mỹ ĐÌnh – Giáp Bát) hay tuyến 24 Cầu Giấy – Lương Yên không thể chen chân mà lên được.
Chia sẻ với chị Hoài, một Phó Giám đốc của Xí nghiệp xe buýt Thăng Long cho biết, ngày thường, giờ cao điểm, các tuyến xe buýt của xí nghiệp cũng chỉ đón chừng 120 khách. Song 3 ngày qua, tuyến buýt 16, dù có thi thoảng bỏ bến cũng phải oằn mình gánh trên 160 khách.
Không chỉ giờ tan tầm, 10h sáng 17/1, khi chúng tôi có mặt trên cả 2 tuyến buýt 16 và 19 ngang qua Trường Chinh, con đường này cũng trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nóng nhất là tại ngã tư Tôn Thất Tùng – Lê Trọng Tấn và ngã ba Hoàng Văn Thái – Trường Chinh. Tại đây, dù có đến 8 CSGT và sinh viên Học viện cảnh sát phân luồng nhưng có vể như thế vẫn là quá ít!
Trước đó, tuyến huyết mạch vào cửa ngõ Thủ đô: Quốc lộ 1A cũ từ huyện Thường Tín vào Ngọc Hồi và cả tuyến cao tốc Pháp Vân vào bến xe Nước Ngầm đều tê liệt.
Những ngày áp Tết, phố “mộc” Đê La Thành cũng tấp tập người mua giường tủ. Cấm xe tải nhỏ thì đã có xe 3 bánh, tự chế, xe máy chở cồng kềnh quay ngang, quay tới khiến con đường đã nhỏ càng thêm chật chội. Không chỉ có giờ tan tầm mà ngay cả giữa trưa cuối tuần (ngày 16 và 17/1), con đường này vẫn tắc hơn 2km từ ngã tư Ô chợ Dừa đến ngã 4tưNguyễn Chí Thanh.
Với nhiều người Hà Nội, dù hiểu, trong thời điểm hiện tại, mọi con đường đều khó thoát khỏi… ùn tắc, và họ đều tự nhủ: không có việc quan trọng thì đừng ra đường. Thế nhưng, với trăm thứ việc ngược xuôi mưu toan ngày Tết bắt họ phải ra đường, và cảnh đường nào cũng tắc lại tái diễn! Đánh vật với tắc đường Và cứ hẹn lại lên, những ngày nà, ngành giao thông lại loay hoay tìm mọi cách để đối phó với bài toán ùn tắc. Từ cuối tháng 12/2008, Công an TP. Hà Nội đã tạm thời cung cấp cho Phòng CSGT 1.100 học viên trường cảnh sát ra cắm chốt nhằm giải toả ùn tắc, con số này tăng gấp đôi với dịp Tết năm ngoái.
Cách nay 5 ngày, Bam Giám đốc Công an Hà Nội cũng vừa có quyết định cấm các loại xe từ 1,5 tấn và 25 chỗ ngồi trở lên “mon men” vào các tuyến vành đài 2 Hà Nội. Với những xe tải, xe khách trên 2,5 tấn “quá cảnh” qua Hà Nội đều phải đi vòng ngoài vành đai 3 từ 6h đến 22h.
Mới đây nhất, ngày 15/1, Sở GTVT cũng phát đi thông điệp ngừng đào đường từ nay đến sau mùng 5 Tết Kỷ Sửu để hạn chế những lô cốt và nút thắt cổ chai, đặc biệt trên những công trình trọng điểm, việc đào đường và thi công cũng được ưu tiên “tạm ngừng”, trả lại mặt bằng!
Ngoài ra, các xe khách xuyên tâm, từ bến này qua bến khác đón khách trái luồng tuyến cũng sẽ bị phạt nặng hơn ngày thường, thậm chí đình tài, tạm thu giấy phép lái xe… Tuy nhiên, một Phó Trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội đã thừa nhận, đó cũng chỉ là những biện pháp tạm thời, đối phó, còn nói về biện pháp tổng thể thì… không dám bình luận thêm!
Vị này cũng cho hay, tốc độ đăng kí ô tô 2 tháng cuối năm ở Hà Nội tăng khoảng 20%, cao gần gấp đôi so với mức trung bình 6 tháng đầu năm, nguyên nhân chính là do để tránh thời điểm bắt đầu tăng phí trước bạ. Thêm vào đó, ước tính có thêm khoảng 20% lưu lượng ô tô tỉnh lẻ về Hà Nội “lễ lạt” hay quá giang qua Hà Nội.
Vậy nên, việc tái diễn cảnh các lực lượng chức năng lại gồng minh căng sức chống tắc đường bùng phát trong những ngày cận Tết là điều dễ hiểu.
|