Bức tranh tổng thể của Sơn Tây mang đậm sắc màu văn hóa, chặng đường hình thành và phát triển Thị xã Sơn Tây là một đô thị cổ của vùng đất Xứ Đoài ngàn năm văn hiến. Nơi đây hội đủ các giá trị văn hóa như di tích Làng cổ Đường Lâm, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và rất nhiều di tích văn hóa tâm linh xưa xa, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng biệt của vùng đất cổ kính này. Ngày nay Sơn Tây được quy hoạch là đô thị vệ tinh phía tây của Thủ đô Hà Nội, đặt trọng trách vừa phát triển kinh tế vừa xây dựng nông thôn mới (NTM) vừa gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa.
Thị xã Sơn Tây nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, với số dân gần 18 vạn người. Thị xã có diện tích tự nhiên 113,45km2, gồm 15 đơn vị hành chính gồm 15 phường và 6 xã. Sơn Tây có địa hình trung du, đất đai thuộc dạng bán sơn địa, nhiều gò đồi, ruộng bậc thang, các thửa đất nông nghiệp manh mún.
Câu chuyện về quy hoạch NTM theo lãnh đạo của Sơn Tây cho biết đây là bài toán khó, công tác quy hoạch được đặt lên hàng đầu, phải quy hoạch chuẩn, tận dụng cơ sở hạ tầng trong quá trình đô thị hóa, thiết kế cơ sở hạ tầng phải ăn nhập với tương lai, giảm thiểu lãng phí.Làm tốt quy hoạch kiến trúc tốt là làm thặng dư lợi nhuận cho kinh tế.Từ giao thông nội thị đến kênh mương hóa nội đồng, dồn điền đổi thửa tốt sẽ giúp cho quỹ đất ở các địa phương dôi dư (làm quỹ đất 2) các địa phương đấu thầu tạo ngân sách bổ trợ cho vấn đề xây dựng NTM. Trước đây để bố trí diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng rất khó nhưng ngày nay nhờ công tác quy hoạch hoàn chỉnh giúp mọi việc trở nên đơn giản. Các vấn đề cơ bản như trường học được chuẩn hóa nhanh hơn, trạm y tế được phân vùng tốt hơn, hệ thống đường điện được chuẩn hóa dần, nhờ quy hoạch tốt các công trình thủy lợi cũng như cứng hóa kênh mương người dân đã và đang tiếp trực tiếp hưởng nguồn lợi tưới tiêu, cũng như việc sử dụng nước sạch để sinh hoạt. Quy hoạch như thế nào để người dân nhận thấy cái mới cho nông thôn mới, ở các xã ven thị xã cần có quy hoạch vừa xây dựng NTM vừa bảo tồn di tích văn hóa tại Đường Lâm với di tích Chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ…, các xã xa đô thị cần phải sản xuất hàng hóa tập trung.
Để làm được điều đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, đặc biệt công tác tuyên truyền chú trọng người dân, làm thế nào để họ nhận thức tốt và cùng vào cuộc xây dựng NTM, lấy dân làm gốc và đây cũng chính là quy trình chấm điểm cho các tiêu chí của chương trình.
Trong vấn đề xây dựng NTM công tác dồn điền, đổi thửa sản xuất nông nghiệp là công tác khó thực hiện đối với Sơn Tây.Ngày 24/5/2012 Ban thường vụ thị ủy đã ban hành nghị quyết số số 22 – NQ/TU về triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã. Đến nay theo thống kê của thị xã, toàn thị xã có 6/12 xã, phường có đất sản xuất nông nghiệp, năm 2012 UBND thị xã Sơn Tây đăng ký với UBND thành phố Hà Nội và giao UBND các xã thực hiện dồn điền, đổi thửa diện tích 1004,5 ha. Đặc biệt, năm 2013 thực hiện dồn điền đổi thửa vượt kế hoạch đề ra. Điển hình trong công tác dồn điền đổi thửa là các đơn vị như xã Thanh Mỹ, xã Xuân Sơn, xã Cổ Đông, Sơn Đông, phường Xuân Khanh…Ghi nhận của chúng tôi tại phường Xuân Khanh – phường duy nhất trên địa bàn thị xã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Toàn bộ diện tích 24,5 ha đã được phường dồn điền đổi thửa thành công với tiến độ nhanh nhất trên địa bàn thị xã, giờ đây thay vì 5 đến 7 thửa ruộng như trước kia các gia đình trong phường có 1 đến 2 thửa ruộng.
Tâm sự với chúng tôi về những thuận lợi và khó khăn trong công tác dồn điền đổi thửa của thị xã Sơn Tây, nhiều cán bộ cho biết, việc dồn điền đổi thửa gặp không ít khó nhăn như: Sơn Tây có địa hình bán sơn địa, nhiều gò đồi, thị xã không có nhiều cánh đồng mẫu lớn, thêm vào đó là việc quy hoạch, kiến trúc tại làng cổ Đường Lâm cũng gặp muôn vàn khó khăn. Ở làng cổ này chúng tôi phải thiết kế sao cho những kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử không bị biến dạng, méo mó hay sai lệch đi vị trí… Nhưng, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các hộ nông dân thấy rõ sự thuận lợi trong sản xuất của cộng đồng, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng xây dựng đường và kênh mương nội đồng bởi thế mà mương, đường nội đồng đều đã được nắn thẳng nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Còn ở Đường Lâm, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tham gia xây dựng ý kiến nhiệt tình của bà con nhân dân.
Xây dựng NTM ở thị xã Sơn Tây là việc làm cần thiết và quan trọng, chỉ khi xây dựng NTM thì mới có thể thay đổi được quy hoạch, kiến trúc ở một vùng ven đô vốn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và làm thay đổi được chất lượng cuộc sống của người dân. NTM là làm những gì có lợi cho nhân dân, thị xã đã quan tâm đến việc nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là nhân dân vùng nông thôn bằng việc thay đổi cơ cấu giống cây trồng, thay đổi phương pháp sản xuất cơ giới hóa để giải phóng và nâng cao năng suất lao động, định hướng, phát triển nhiều ngành dịch vụ ở nông thôn… do đó mức thu nhập của các hộ dân luôn được nâng cao. Năm 2008, mức thu nhập bình quân là 12,5 triệu đồng/người/năm, năm 2010 đạt 16,4 triệu đồng/ người năm, năm 2013 mức thu nhập đạt 21,6 triệu đồng/ người/ năm đến năm 2014 là 24 triệu đồng/ người/ năm. Đây là kết quả đáng ghi nhận và cần được thị xã tích cực, chủ động và phát huy.
Xây dựng NTM của Sơn Tây đã có những dấu mốc đáng ghi nhận, những số liệu qua báo cáo đã cho thấy sự nỗ lực của lãnh đạo và người dân nơi đây, đặc biệt cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông nội đồng đã được đào đắp 603.789,42m3, kênh mương nội đồng đã đào đắp 143.292,16m3; làm mới 138,756km đường giao thông nội đồng; kênh mương nội đồng đã làm mới 182,853km. Quy hoạch mở rộng giao thông đi lại để giao lưu, buôn bán của nhân dân cũng được các cấp chính quyền quan tâm. Hiện ở Sơn Tây, đường trục xã, liên xã đã hóa nhựa hoặc hóa bê tông 10,85km, đường trục thôn, liên thôn hóa cứng 38,5km; đường trục chính nội đồng hóa cứng 55,32 km; cải tạo, nâng cấp xây mới 76,06km rãnh thoát nước; xây 5 cây cầu nội đồng và 4 cây cầu trên kênh…xây dựng 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia năm 2015; 100% các xã có trung tâm văn hóa; xây dựng, cải tạo lại các chợ để đảm bảo nhu cầu giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế của địa phương…
Trước kết quả đạt được từ chương trình xây dựng NTM đã cho thấy đây là chủ trương đúng, mang lại hiệu quả thiết thực nên được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phấn đấu phát triển kinh tế, xã hội toàn diện hơn. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần người dân được nâng cao, các vấn đề về vãn hóa quan tâm một cách chuẩn mực. Đây là hướng đi đúng đắn giúp cho Sơn Tây ngày một vững mạnh và gìn giữ được nét tinh hoa văn hóa của nhân loại.
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 3+4/2015