Không gian xanh Hà Nội: Cần một quy hoạch tổng thể chuyên ngành









“Chỉ tiêu cây xanh trong đô thị Hà Nội thuộc loại thấp nhất thế giới”; “tiềm năng cho cây xanh trong nội đô chỉ còn 2 m2/người. Nếu không giữ gìn, quản lý tốt sẽ không thể đạt được”… Đây là những nhận định đáng lo ngại cho tình trạng cây xanh Hà Nội hiện nay tại cuộc Hội thảo khoa học vừa được tổ chức ngày 17/3 tại Hà Nội. Chương trình do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe – HealthBrige (Canada) tổ chức với chủ đề “Khai thác hiệu quả Công viên – Vườn hoa TP Hà Nội”.




Diện tích giảm, lấn chiếm tăng




Đây là thực trạng diễn ra ở hầu hết các công viên – vườn hoa Hà Nội trong những năm qua. Như công viên (CV) Bách Thảo từ 30ha nay chỉ còn 10ha; công viênThống Nhất ban đầu quy hoạch rộng tới 93ha đến nay chỉ còn 52ha, Lăng Hoàng Cao Khải – một công viên đẹp cũng đã bị xóa sổ… Cùng với sự phát triển về kinh tế, “tấc đất” trở thành “tấc vàng” khiến cho nhiều vườn hoa, công viên bị biến thành nhà hàng, khách sạn.







 
Cây xanh bị đối xử một cách không thương tiếc…  nên Hà Nội còn rất ít không gian như thế này




PGS.TS.KTS Huỳnh Đăng Hy – Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, theo điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, tiêu chuẩn đất cây xanh đô thị vào năm 2020 phải đạt 16m2/người, tổng diện tích đất công viên là 4.000ha. Nhưng bao nhiêu năm qua, vườn hoa mới không thấy được phát triển, vườn hoa cũ thì bị xà xẻo để giải quyết xây dựng các công trình dịch vụ, khách sạn… Dù những năm gần đây, Hà Nội đã cố gắng xây dựng, cải tạo nhiều công viên, vườn hoa mới, xử lý nhiều vụ việc lấn chiếm đất công viên, như ở công viên Thủ Lệ. Nhiều công viên vẫn ngang nhiên bị biến thành đất kinh doanh. Như công viên Thành Công, nạo vét, cải tạo hồ xong lẽ ra xung quanh hồ phải trồng cây xanh thì nay lại mọc lên hàng loạt các tòa nhà quay lưng lại với hồ. Hay công viên Thống Nhất, hết cắt đất để xây dựng Rạp xiếc, Trung tâm Triển lãm văn hóa Vân Hồ, nhà hàng… nay lại cho xây dựng thêm khách sạn 5 sao.




Thiếu quy hoạch, quản lý lỏng lẻo




Cũng theo PGS.TS.KTS Huỳnh Đăng Hy, ở một số quận trung tâm do điều kiện phát triển cũ không thể bố trí thêm nhiều công viên, nhưng các quận mới phát triển sau này đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các quận không bố trí được cho mỗi quận một công viên trung tâm quận cho thỏa đáng. Một số nơi có hồ nước, cảnh quan đẹp không được quy hoạch thành công viên mà lại bố trí xây dựng KĐTM (Linh Đàm…). Đặc biệt, khu vực bao quanh Hồ Tây – viên ngọc quý nhất, to nhất của Thủ đô mà các đồ án quy hoạch không có ý tưởng quy hoạch khai thác. Còn các đồ án quy hoạch về công viên – vườn hoa đã 10 năm trôi qua vẫn cứ treo đó. Và diện tích đất công viên cứ theo sự lấn chiếm mà thu hẹp dần.



Do việc khai thác thiếu hiệu quả, quản lý chưa chặt chẽ, nhiều công trình xây dựng chưa được thực hiện đúng chức năng, chưa hướng tới mục tiêu – vì lợi ích cộng đồng và tính chất của không gian xanh nghỉ ngơi giải trí. Thậm chí, ngay cả đến thời điểm hiện tại, vai trò của công viên, phân biệt thế nào là công trình công cộng, công trình kinh doanh trên đất công viên… những người quản lý dường như cũng không phân biệt được rõ ràng!? Có lẽ vì thế mà hiện nay hàng loạt các công trình kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, vũ trường vẫn được “mọc” lên ngay trên đất công viên, như ở công viên Thống Nhất, công viên Thành Công, công viên Tuổi Trẻ…




Xử lý nghiêm việc lấn át không gian xanh




Theo các nhà khoa học, Hà Nội trước hết cần lập quy hoạch chi tiết các công viên đã hình thành, tôn trọng quy mô, ranh giới đã có, xác định rõ mục tiêu khai thác, kiên quyết xử lý các vi phạm về xây dựng sử dụng công trình sai mục tiêu lấn át không gian xanh công cộng. Quá trình nghiên cứu quy hoạch cũng như quản lý, khai thác đề nghị TP, Bộ Xây dựng thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng, các hội xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Việc lựa chọn đầu tư xây dựng các công trình trong công viên cần lựa chọn chủ đầu tư thích hợp, khai thác có chất lượng văn hóa không vì lợi nhuận kinh doanh đơn thuần. Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam mong muốn được giao nhiệm vụ một đầu mối để tổ chức nghiên cứu, tư vấn phản biện xã hội công tác nghiên cứu, lập dự án các công viên hiện có đang tồn tại trong quản lý khai thác và các công viên cấp TP hình thành theo quy hoạch chung.



Các đại biểu tham dự Hội thảo gồm các kiến trúc sư, chuyên gia nghiên cứu, quản lý về quy hoạch – kiến trúc… đã thống nhất sẽ cùng ký tên đề nghị TP Hà Nội không cho xây dựng Khách sạn Novotel on the park ở công viên Thống Nhất. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng sẽ được chuyển lên Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng quan tâm xem xét trong công tác chỉ đạo phát triển Thủ đô Hà Nội.









GS Tôn Đại: Đến thời điểm này vẫn còn phải đưa ra khái niệm công viên như thế nào tôi thấy là một điều rất đáng buồn. Việc phá hoại cây xanh, phá hoại lợi ích công cộng của TP cũng cần phải nghiêm trị như những tội phạm khác. Về việc xây dựng tại công viên Thống Nhất, theo tôi cần phải dừng lại ngay. Nếu một công trình đã lên được thì các công trình khác cũng “mọc” lên theo, dù nó nằm trong hay ngoài hàng rào công viên cũng như vậy.





TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Thế nào là đất công cộng phải căn cứ vào pháp luật. Theo phân loại đất trong Luật Đất đai năm 2003 quy định: Đất công cộng là đất sử dụng vào xây dựng các công trình công cộng như: Nhà trẻ, vườn hoa, quảng trường… Không có từ nào là nói về xây dựng khách sạn. Đất xây dựng khách sạn là đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở SXKD. Nếu thực hiện sai quy định này là vi phạm. Như trường hợp xây dựng Khách sạn Novotel on the park ở công viên Thống Nhất.





TS Đỗ Tú LanPhó cục trưởng Cục Phát triển đô thị: Hiện nay chúng tôi đang thực hiện quy hoạch chung Hà Nội. Tôi mong muốn rằng cây xanh, công viên sẽ là một bộ khung sinh thái cho Thủ đô Hà Nội. Nhất là trong bước đi tiếp theo, Hà Nội cần phải mổ xẻ thật kỹ vấn đề này. Tiềm năng trong nội đô Hà Nội hiện nay là khoảng 2m2/người và không còn có một quỹ đất nào hơn. Nếu không giữ gìn, quản lý tốt thì diện tích này còn tiếp tục bị thu hẹp. Bài toán đặt ra cho Hà Nội hiện nay là phải quản lý như thế nào, quan tâm thực hiện giữ từng m2 công viên, cây xanh trong nội đô.





Ông Đỗ Hoàng Ânnguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: Trong thời gian qua, các quy hoạch cụ thể của từng công viên Hà Nội chưa đạt được. TP cần tiếp tục thực hiện vấn đề này, phải duy trì tốt, chỉnh trang công viên. Đặc biệt phải rất thận trọng khi đặt các công trình vào trong công viên, tránh việc lẫn lộn công trình công cộng và công trình kinh doanh. Đồng thời hoàn thiện thể chế quản lý công viên cây xanh. Vấn đề quản lý công viên trước đây có nhiều nghị quyết cần sửa đổi. Trong việc xây dựng thể chế cần làm rõ chức năng các đơn vị quản lý hệ thống công viên và sự tham gia của cộng đồng. Nhiều công viên đã được cải tạo, sử dụng đúng mục đích nhưng vẫn còn nhiều dự án không thực hiện được hay bị kéo dài khiến cho công viên bị biến dạng, xâm lấn. TP cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong việc xử lý. Ngoài ra Hà Nội cần phải thay đổi tư duy trong quản lý công viên, bố trí đầy đủ kinh phí để quy hoạch, xây dựng thể chế…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *