Tăng trợ giá để kéo chất lượng dịch vụ xe buýt?





 – Trong buổi hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt ngày 24/3, nhiều vị đại biểu HĐND TP.HCM nói sẵn sàng ủng hộ tăng trợ giá xe buýt mỗi năm thêm 100, 200 tỷ đồng nếu chất lượng dịch vụ xe buýt xứng đáng.


Xe buýt chạy ẩu; tài xế, tiếp viên chửi thề


Theo ghi nhận của VietNamNet, trưa 24/3, dưới cái nắng gay gắt, hàng loạt xe buýt xếp hàng dài chờ tới lượt vượt qua “lô cốt” nằm ngay giao lộ Điện Biên Phủ – Cách Mạng Tháng Tám. Tại một số giao lộ khác như Lý Thường Kiệt – Lạc Long Quân, Bạch Đằng – Lê Quang Định – Phan Đăng Lưu (trước mặt chợ Bà Chiểu)… tình trạng xe buýt xếp hàng ì ạch băng qua dãy “lô cốt” khiến cả khách ngồi trên xe lẫn người đi xe gắn máy dưới đường đều ngán ngẩm. 


Trong lúc hàng dài xe buýt vẫn nối đuôi nhau chầm chậm lách qua một rừng xe máy và “lô cốt” thì trong hội trường UBND TP.HCM, hội nghị chuyên đề về giao thông “Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt” được các vị đại biểu HĐND thành phố bàn luận rất sôi nổi. 


Hiện nay, xe buýt đang trở thành vấn đề nóng được người dân thành phố quan tâm. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, năm 2008, sản lượng xe buýt đạt hơn 78 triệu lượt hành khách (HK), tương đương khoảng 868.000 lượt HK/ngày. Đến quý I/2009, tổng sản lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt khoảng 107 triệu lượt HK, tương đương hơn 1 triệu lượt HK/ngày. Tuy nhiên, xe buýt chỉ mới đáp ứng được khoảng 5,4% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. 







Xe buýt trong vòng vây xe gắn máy vì “lô cốt” phía trước mặt. Ảnh: Thái Phương

Do “lô cốt” cản đường khiến nhiều tuyến xe buýt buộc phải điều chỉnh lộ trình do phân luồng giao thông và điều chỉnh biểu đồ giờ hoạt động cho phù hợp với nhu cầu đi lại của HK. “Từ đầu năm 2009 đến nay, Sở GTVT thành phố đã phải điều chỉnh lộ trình 24 tuyến xe buýt có trợ giá và điều chỉnh biểu đồ giờ 12 tuyến xe buýt có trợ giá” – ông Thanh nói thêm. 


Tuy nhiên, những tuyến xe buýt được điều chỉnh sẽ không tránh khỏi việc trùng lặp với các tuyến khác, HK cũng mất khoảng một tháng để quen với việc thay đổi lộ trình, giờ giấc. Với cách làm như vậy liệu có… “đuổi” HK tìm đến phương tiện khác (?) 


Bà Ngô Minh Hồng, đại biểu HĐND thành phố cho rằng việc 5, 6 chiếc xe buýt nối đuôi nhau vào giờ cao điểm mà trên xe trống rỗng khách còn dưới đường hàng trăm ngàn xe gắn máy chen lấn chứng tỏ chất lượng xe buýt còn nhiều điều phải bàn. 


Việc xe buýt chạy ẩu, gây tai nạn, tài xế và tiếp viên chửi thề văng tục trên xe không còn xa lạ. Tài xế không cho xe dừng hẳn khi đón khách, không tấp xe vào lề đường dễ gây nguy hiểm cho HK. Sự phân biệt đối xử giữa HK đi vé tháng, vé tập, vé lượt khiến nhiều người ngày càng xa rời xe buýt…


Ông Huỳnh Công Hùng, Phó trưởng Ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM cho biết mức độ hài lòng của người dân thành phố với xe buýt chỉ là 49,5%. So với năm 2006, mức độ hài lòng của người dân đã giảm xuống khoảng 20%. 


Tăng giá vé, sợ dân rời “buýt”



Nhiều vị đại biểu HĐND cho rằng muốn nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt cần có một chiến lược lâu dài; có kế hoạch cụ thể chứ không thể một sớm một chiều, nhất là không chỉ thêm trợ giá. 


Ông Võ Văn Sen, đại biểu HĐND thành phố cho biết hiện mỗi ngày thành phố có khoảng 1.000 xe gắn máy và 100 xe ôtô đăng ký mới, nghĩa là 10 năm nữa thành phố sẽ có thêm 3,5 triệu xe gắn máy và 1 triệu xe ôtô. Đồng thời, xe taxi cũng là một trong những phương tiện vận tải hành khách công cộng nhưng thành phố dường như đang bỏ ngỏ việc quản lý xe taxi. “Nếu không có chiến lược phát triển giao thông hợp lý liệu 10 năm nữa người dân sẽ đối phó như thế nào với nạn kẹt xe?” – ông Sen quan ngại.  


Đại diện Sở GTVT thành phố cho rằng muốn nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, giảm ngân sách trợ giá của thành phố, cách duy nhất là tăng giá vé xe buýt. Nhiều vị đại biểu HĐND đồng ý với phương án tăng giá vé, tuy nhiên thời gian áp dụng còn phải cân nhắc thật kỹ sao cho hợp lý. 







Tiếp viên xe buýt phải xuống… xin nhường đường vì vướng “lô cốt” . Ảnh: Thái Phương

Đại biểu HĐND thành phố Lê Nguyễn Minh Quang nói rằng tăng giá xe buýt để thành phố có thêm ngân sách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt là có thể chấp nhận được. Ông đưa ví dụ cụ thể, ở Singapore thu nhập bình quân một ngày khoảng 100USD, giá vé xe buýt chiếm khoảng 4% thu nhập của người dân; ở Pháp giá vé xe buýt khoảng 1,1- 1,4 euro, chiếm khoảng 8,6% thu nhập của người dân. Nếu thành phố tăng giá vé thêm 1.000 đồng nghĩa là giá vé xe buýt chiếm khoảng 5% thu nhập người dân là chấp nhận được. 


Ông Huỳnh Công Hùng cho rằng việc tăng giá xe buýt cần phải xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thời điểm áp dụng để vừa góp phần phát triển hoạt động xe buýt vừa động viên người dân chia sẻ trách nhiệm cùng chính quyền thành phố và các đơn vị kinh doanh hoạt động xe buýt trong tình hình kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.  


Bên cạnh phương án tăng giá xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng có thể tìm kinh phí trợ giá xe buýt từ nhiều nguồn khác nhau như quảng cáo trên xe buýt, thực hiện việc đấu thầu các tuyến xe buýt, thu phí xe cá nhân… 


Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND thành phố kết luận rằng nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt là một trong những giải pháp chống kẹt xe. Tuy nhiên, để chất lượng xe buýt không còn là mối quan tâm hàng đầu của người dân, để người dân thật sự “cùng buýt” thì cần một phương án hợp lý, hiệu quả và lâu dài. Với những gì ngành vận tải hành khách công cộng (xe buýt) đang thể hiện, chỉ sợ người dân sẽ càng “xa rời” xe buýt sau khi phương án tăng giá vé chính thức áp dụng.




  • Thái Phương  


 


 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *