Bức xúc việc làm cho lao động nữ










Tốc độ đô thị hoá nhanh cùng sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác đã làm cho hàng nghìn nông dân thiếu việc làm, trong đó có tới 50,3% lao động nữ (LĐN) nông thôn. Hơn thế, việc di cư LĐN lên các đô thị, TP lớn hiện ngày càng tăng đã gây nên sự mất cân bằng về lực lượng lao động nông thôn.



Tình trạng lao động nữ nông thôn không có việc làm ổn định ngày càng nhiều.
Ảnh: La Duy



 




Học vấn thấp



Nữ giới trong độ tuổi lao động ở nông thôn hiện trình độ học vấn thấp là khá phổ biến. Nguyên nhân chính là do tâm lý cha mẹ vẫn còn nhiều nếp suy nghĩ cũ “con gái học nhiều cũng chẳng nên cơm cháo gì!”. Chỉ cần học hết THCS hay THPT là được rồi. Điều này đã khiến cho nguồn LĐN ở nông thôn rơi vào tình trạng khó tìm việc khi ruộng đất bị thu hẹp. Ngay ở vùng ngoại thành Hà Nội, có xã tìm mỏi mắt mới được gia đình có con gái học đến bậc cao đẳng hay đại học. Có xã ở huyện Sóc Sơn, đến 80% LĐN trình độ học vấn thấp. Đây là một khó khăn, rào cản lớn cho sự nghiệp phát triển nông thôn mới. Trình độ tay nghề của LĐN nông thôn hiện ở mức thấp cũng chính do trình độ văn hoá thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động.




Nhọc nhằn kiếm sống



Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) Nguyễn Hải Triều cho biết: Tốc độ đô thị hoá nhanh, trước còn ruộng để làm, nay hết ruộng đàn ông sắm “xe ôm”, không có việc thì lao vào cờ bạc, lô đề. Nhưng LĐN do bản chất chịu thương, chịu khó nên vẫn phải “nai lưng kiếm tiền” để bảo đảm cuộc sống, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đa phần các vụ mâu thuẫn, xô xát trong các gia đình do chồng lao vào cơn sát phạt “đỏ đen”, phá vỡ hạnh phúc gia đình. “Nông dân hết ruộng trăm đường cơ cực, nhưng cơ cực nhất vẫn là những LĐN” – đó là suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Thái, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Để có nguồn thu nhập cho gia đình, nhiều chị em đã phải bươn chải bán hàng rong trên các tuyến phố trong gió rét để bảo đảm cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh những nghề phụ làm cốm, làm bún, bánh thì nghề “mới” ở Xuân Phương hay vùng ven là xây nhà ở cho thuê để tạo nguồn thu.



Hiện không chỉ lao động nam mà ngay LĐN di cư về các đô thị ngày một gia tăng. Riêng Hà Nội có trên 400 nghìn và TP.HCM là cả hơn triệu lao động tràn về để tìm việc làm (trong đó hơn 50% là LĐN). Tình trạng LĐN nông thôn không có việc làm ổn định, di cư lên các đô thị ngày càng tăng đã làm mất cân bằng tỉ lệ người lao động tại các địa phương.




Ít ngành nghề, ít cả chỉ tiêu



Trong khi việc làm cho LĐN đã hiếm thì hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp nghề lại chỉ tập trung đào tạo các ngành: Cắt gọt kim loại, hàn, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, xây dựng, công nghệ ôtô… lại là những nghề không phù hợp với LĐN. Một số trường có khoa thiết kế thời trang hay may mặc, nữ chiếm đa số nhưng chỉ tiêu tuyển sinh lại ít hơn so với các ngành khác. Ngay như ngành may mặc hiện trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay cũng đang bị cắt giảm hay thiếu việc làm trầm trọng. Bà Trần Thị Thanh – Phó hiệu trưởng trường CĐ Công nhân dệt may Nam Định cho biết, tuy là nghề có sinh viên nữ chiếm đa số nhưng cũng rất vất vả, cường độ làm việc cao, nhiều LĐN không muốn chọn nghề may, bởi theo họ đây là nghề không cần đào tạo bài bản vẫn làm được việc. Ở trường CĐ Nghề Phú Thọ, trong khi chỉ tiêu đào tạo các ngành điện công nghiệp là 300, hàn là 100 thì ngành may và thiết kế thời trang chỉ có 60 chỉ tiêu… quả là khó khăn đối với LĐN hiện nay.



Hiện LĐN chưa qua đào tạo nghề còn chiếm tỷ lệ cao, nhất là ở nông thôn, đã và đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách xã hội cũng như Hội Phụ nữ các cấp nghiên cứu, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm giải đáp được yêu cầu đào tạo nghề gì, đào tạo như thế nào… để giải quyết việc làm cho LĐN nông thôn hiện nay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *