Kiến trúc Matxcơva biến mất vì tiền



TT – 1.000 tòa nhà lịch sử, trong đó có 200 nằm trong danh sách phải được bảo vệ, đã biến mất trong năm năm qua ở Matxcơva do chất lượng trùng tu thấp và những kiểu “phá hoại kém hiểu biết”.









Nhà hát Bolshoi xuống cấp trầm trọng, được phục chế từ năm 2005, dự tính mở cửa lại năm 2008, nhưng thời điểm mở cửa đang bị lùi tới năm 2013 – Ảnh: Theefer/Wikipedia


“Không có thành phố nào thời bình ở châu Âu mà lại phải chịu cảnh bị phá hủy chỉ vì những khoản tiền kếch sù kiếm được một cách nhanh chóng như thế” – Tổ chức Bảo tồn kiến trúc Matxcơva nhận định trong báo cáo tháng 8-2009.


Trùng tu hay phá hủy?


Các tác giả bản báo cáo cho rằng hàng trăm tòa nhà quan trọng có từ thế kỷ 19 tới những siêu phẩm kiến trúc theo kiểu Stalin (cổ điển XHCN) đang bị lãng quên hay bị phá hủy. Đó là hậu quả của việc thiếu các quy định pháp luật chặt chẽ đối với những nhà phát triển đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các nhà lập kế hoạch thường “tung hỏa mù”, có nghĩa là công chúng bị che mắt, thiếu thông tin và chỉ biết “tá hỏa” khi mọi việc đã rồi, và mọi sự “chống đỡ” là quá muộn.


Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính. Các nhà phát triển đô thị thắt chặt túi tiền hơn, chất lượng trùng tu kém hơn dự tính. Vì vậy, khoảng cách giữa “trùng tu” và “phá hoại” trở nên mong manh hơn. Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Anna Bronovitskaya cho rằng cách tiếp cận trùng tu và xây dựng thành phố theo kiểu công viên có chủ đề đối với một thành phố mang đậm dấu vết lịch sử như Matxcơva bị bóp chết vì có quá nhiều ôtô khiến thành phố chết dần.


Báo cáo đánh giá mọi nỗ lực để phục chế các tòa nhà lịch sử hay xây dựng mới bên trong tổ hợp kiến trúc thường cho kết quả rất xấu: những bản sao xấu xí và thô kệch của các tòa nhà lịch sử đang ngày càng nhiều.


Cách đây hai năm, Tổ chức Bảo tồn kiến trúc Matxcơva đã cảnh báo về thảm họa đối với di sản kiến trúc thủ đô Nga trước cơn lốc xây dựng và phục chế. Nhờ đó, công việc phá hủy các tòa nhà đã được tạm ngưng một thời gian, và chính quyền xem chừng đã biết lắng nghe lo lắng của người dân. Nhưng rồi đến nay mọi việc cứ lặp lại như cũ. “Không có tiến bộ nào trong hai năm qua, tình hình ngày càng tệ đi” – David Sarkisyan, giám đốc Bảo tàng kiến trúc quốc gia Shchusev ở Matxcơva, ngao ngán.


Di sản biến mất


Báo cáo đã đưa ra lời kêu cứu đối với tám tòa nhà có giá trị lịch sử cao, trong đó có tòa nhà xây dựng bằng gỗ tồn tại lâu đời nhất ở thành phố mà số phận của nó coi như đã kết thúc. Tòa nhà này đã bị phá hủy đến mức không thể phục hồi được nữa.


Đáng lo ngại nhất là các tòa nhà theo lối Constructivist (xu hướng tạo dựng) được quốc tế đánh giá là lối kiến trúc điển hình mà Liên Xô đóng góp cho thế giới. Đây là lối kiến trúc hiện đại phát triển mạnh ở Liên Xô những năm 1920 và đầu những năm 1930, kết hợp công nghệ tiên tiến và kỹ thuật cao với tư tưởng cộng đồng xã hội. Nhiều tòa nhà có giá trị bị rơi vào dạng “bán vô chủ”. Ví dụ như Narkomfin, một thử nghiệm tiên phong của kiến trúc phù hợp với lối sống cộng đồng của Liên Xô thời đó, đã bị phá hủy vì các kế hoạch cải tạo đầy tham vọng trong suốt nhiều năm.


Các tác giả bản báo cáo cho rằng sự hỗn loạn trong kiến trúc hậu Xô viết bắt đầu diễn ra dưới thời vị thị trưởng đầy quyền lực Yury Luzhkov từ năm 1992. Quá trình phát triển kinh tế ồ ạt đến chóng mặt của Matxcơva đã kéo theo những hệ lụy: không ai chú ý tới việc xây dựng các công trình kiến trúc, nhà ở chất lượng thấp cũng như việc phá hủy các tòa nhà lịch sử. Đó là chưa tính tới những cáo buộc về nạn tham nhũng trong các công trình phục chế xây dựng. Vợ thị trưởng Luzhkov, bà Yelena Baturina, là nữ tỉ phú duy nhất của Nga và là chủ của một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất nước này.


Không chỉ ở thủ đô, các nhà sử học còn lo ngại cho số phận của cố đô St. Petersburg duyên dáng, khi mọi thứ ở đây cũng đang biến đổi nhanh chóng.


KHỔNG LOAN
(Theo Independent, MAP, http://www.bdonline.co.uk)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *