Công cuộc đổi mới đất nước đã làm cho bộ mặt của nhiều miền quê thật sự thay da đổi thịt, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Tuy nhiên, chính điều này đã nảy sinh những tréo ngoe…
Những ngôi nhà ổ chuột nghèo nàn đã dần lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những ngôi nhà khang trang, lộng lẫy với đủ sắc màu những tôn đỏ, tôn xanh. Nhưng nổi trội hơn vẫn là những dinh thự, vila, khách sạn sang trọng, điểm tô cho thành phố dáng vóc hồng hào, khỏe khoắn. Đó là một nét kiến trúc tiêu biểu của đô thị Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và đó cũng là một thành quả của công cuộc đổi mới đất nước. Có thể nói trong những năm gần đây, vấn đề đô thị hóa đã và đang diễn ra ngày càng nhanh và mạnh, tạo nên một diện mạo, một sắc thái mới cho nhiều thành phố, khu phố hay khu công nghiệp ở khắp mọi miền đất nước… Tuy nhiên, bên cạnh những cái được nói trên, đô thị nước ta vẫn còn tồn tại, bộc lộ những bất cập vốn có và cả trong quá trình quy hoạch phát triển. trước hết, đó là những bất cập trong quy hoạch xây dựng. Có thể nói, ở nhiều đô thị nước ta vấn đề quy hoạch chưa được làm một cách hợp lý, thấu đáo, thậm chí còn có sự chồng chéo giữa các cơ quan, ban ngành hữu quan; nên đã có những đường phố cứ nay đào, mai lấp rồi lại đào lên lấp xuống mặt đường nham nhở, bộn bề… Chẳng những làm mất mĩ quan đô thị mà còn tốn kém bao công sức, tiền của của nhân dân. Mặt khác, không gian đô thị ở nơi này nơi khác cũng chưa có sự hài hòa trong kiến trúc xây dựng; có thể do nhiều lý do khác nhau mà trong một khu phố, bên cạnh những ngôi nhà chọc trời là những căn nhà nhỏ, thấp với kết cấu đơn giản. Ngoài ra, có thể nói một số ngôi nhà như đang làm méo mó không gian đô thị bởi kiến trúc kì dị nhà tây nhà ta. Nhưng đáng nói là với những khu phố cổ hay những khu di tích, chùa chiền lăng tẩm thì còn diễn ra tình trạng lấn chiếm đất công để làm nhà ở, nơi sinh hoạt làm mất vẻ thẩm mỹ và tính thiêng liêng nơi không gian văn hóa tâm linh. Như vậy, hóa ra vấn đề quy hoạch đô thị vẫn luôn đòi hỏi người quản lý lãnh đạo phải có cả cái “tâm” và cái “tầm”… Điều muốn nói hơn cả về đô thị Việt Nam là ở nét văn hóa “ngoại biên” của nó. Có một thực tế rất dễ nhận thấy là ở hầu hết các đô thị nước ta, ngay cả ở những thành phố lớn như ở Huế, Vinh, Hà Nội… thì trên các đường phố vẫn không có một công trình vệ sinh công cộng nào cả. Khách đi đường, nếu muốn “giải quyết nỗi buồn” thì thật là bất tiện. Cho nên, khi bí quá nhiều buộc làm “bệnh nhân tiểu đường”… Khi nói đến điều này, có người đã nói đùa mà như thật rằng, người Việt Nam nghĩ cũng buồn cười vì khi yêu nhau thì người ta lại vào bóng tối mà ôm hôn, còn khi trên đường phố muốn tiểu tiện thì lại đứng vệ đường cho tiện… Điều ấy cũng muốn nói lên một thực tế rằng, ngoại trừ những người thiếu ý thức văn hóa thì cái chính là do đường phố ta chưa có công trình vệ sinh công cộng phục vụ cái nhu cầu tối thiểu của con người. Có phải là do nguồn kinh phí, ngân sách hạn hẹp? Có thể nói cái gốc rễ của vấn đề chẳng phải do tài chính hay ngân sách nhà nước mà là ở sự quy hoạch xây dựng hay là ở cái tâm của nhà quản lý, lãnh đạo. Bởi lẽ, như cổ nhân từng nói: “Con trâu mua được mà cái dây thừng lại không”. Rõ ràng là không phải do ngân sách hay kinh phí có hạn mà cái chính có lẽ là người ta không thấy được vấn đề hay không quan tâm, coi đó chỉ như một vấn đề nhỏ nhặt, không đáng kể. Đây chẳng là một việc nhỏ, nếu không nói là một việc lớn khi đó là một nét văn minh đô thị. Thiết nghĩ, trước đây do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần vì nguồn ngân sách hạn hẹp. Còn bây giờ, hẳn là chúng ta phải tính đến việc xây dựng công trình vệ sinh công cộng ở các thành phố, đô thị lớn như một yêu cầu tất yếu của cuộc sống hay như một nhu cầu tự nhiên của đời sống con người. |
“Nỗi buồn” đô thị
0
previous post