Bê tông xi măng đường tuần tra biên giới: Lối mòn sẽ thành đường rộng





Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ chương trình triển khai việc sử dụng xi măng làm đường giao thông, trong đó có đường tuần tra biên giới – những tuyến đường kết hợp được cả hai mục tiêu gìn là gìn giữ an ninh và phát triển kinh tế.



Đây cũng là mong mỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số và chiến sĩ biên phòng các tỉnh biên giới. Phóng viên TTXVN đã có chuyến theo chân các chiến sĩ đồn biên phòng tuần tra kiểm soát đường biên tại địa bàn Lai Châu, để hiểu thêm về mơ ước “nhỏ nhoi“ của các anh nếu có những cung đường tuần tra được đầu tư bê tông xi măng.


Gian nan đường biên


Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi vinh dự được cùng những người lính Đồn Biên phòng 293 tuần tra lên đỉnh núi Toong Tri, một trong 4 đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, thấp hơn đỉnh Phan Xi Păng 150 mét. Trên đỉnh Toong Tri, đường phân thuỷ cũng là đường biên giới Việt – Trung có cột mốc 79, cột mốc đứng cao nhất trong hệ thống đường biên, mốc giới nước ta.


Bí thư xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cười cười nhìn chúng tôi mà rằng “lần trước có nhà báo đi rồi lại bỏ về đấy“. Dốc ngược ngay từ đoạn đầu tiên. Đi chừng một phần năm chặng đường mà nước mang theo đã hết. Mỗi bước, mỗi bước, đôi chân càng thêm trĩu nặng… Gần 2 giờ chiều chúng tôi tới đường tuần tra biên giới, tuyến đường này ở độ cao chừng 2700 mét. Thêm hơn 1 giờ đi bộ nữa, thiếu tá Quàng Văn Viện, Chính trị viên đồn 293, ra lệnh dừng chân. Nơi ấy bắt đầu lối mòn ngược theo vách đá mà đỉnh núi chúng tôi phải ngửa mặt lên nhìn chính là đỉnh Toong Tri. Đoạn đường từ chân lên đến đỉnh núi chỉ cao chừng 300m nhưng đoàn phải leo hơn một tiếng. Vì lối lên không thể gọi là đường, đi theo lòng suối trơn trượt, nhiều chỗ cheo leo, vách đá dựng đứng, sơ ý là trượt chân rơi xuống vực.Các chiến sỹ biên phòng nhận xét, thời gian này đi tuần tra biên giới là thời tiết thuận lợi nhất. Đường khô ráo, không có vắt quấy rầy. Mùa mưa, đường trơn như đổ mỡ, ngã oành oạch; cơm phải nấu, nắm từ nhà mang đi, thêm lương khô dự trữ bất trắc.


Quanh câu chuyện bên ấm trà nóng nơi biên cương, cả ông Bí thư xã Mồ Sì San và anh Chính trị viên đồn đều mơ ước, giá con đường tuần tra được đầu tư đổ bê tông xi măng, anh em biên phòng đi tuần sẽ đỡ vất vả hơn. Người dân vận chuyển thảo quả, ngô, sắn không còn phải gùi từng bao đi bộ hàng tiếng đồng hồ…


Chúng tôi về Đồn biên phòng 297 (xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ), đơn vị có đoạn đường tuần tra biên giới được coi là thuận lợi nhất tỉnh Lai Châu. Nhưng có đi về rồi mới rõ. Đúng là đoạn đường tuần tra biên giới hơn 10 Km của Đồn biên 297 Ma Ly Pho được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhưng mới chỉ là đường giao thông dân sinh. Qua 5 mùa mưa, đến nay nhiều đoạn đã bị sạt lở nặng, nhiều chỗ mặt đường chỉ vừa bánh xe máy đi qua với một bên là vực sâu, một bên là núi cao.


Nghe chúng tôi “than thở“ về cái sự đi lại khó khăn của đoạn đường nắng thì xóc, dốc, xe nhảy tưng tưng, mưa thì nhày nhụa, Trung uý Lê Văn Dũng có thâm niên 15 năm trên các tuyến biên giới Điện Biên, Lai Châu chỉ cười hồn hậu, rồi nói như động viên mình “ Lãnh đạo Bộ quốc phòng mới về thăm lực lượng biên phòng tỉnh, có cho biết sắp tới các tuyến đường TTBG sẽ được “cứng hóa“ bằng bê tông xi măng đấy”.


Đẩy nhanh tiến độ


Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị “Xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền và các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc“. Nhiều phát biểu của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương đã đánh giá: Các dự án đường tuần tra biên giới và các tuyến giao thông trọng điểm trong vùng được đưa vào khai thác sử dụng đã cải thiện đáng kể tình hình giao thông trên địa bàn, góp phần quan trọng cho công tác quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự xã hội vùng biên giới, tạo điều kiện cho giao lưu hàng hóa, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc…


Theo đề án xây dựng đường tuần tra biên giới (TTBG) trên địa bàn 25 tỉnh biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng chiều dài đường tuần tra biên giới theo quy hoạch gồm 14.251 km, trong đó đường cũ là 4.055 km, nâng cấp mở mới 10.196 km (đường ô tô 7.880 km, đường đi bộ 2.315 km).


Hiện Bộ GTVT đang thực hiện 12 dự án trọng điểm và một số dự án nhỏ xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông tại các tỉnh vùng Tây Bắc với tổng giá trị lên tới 20 ngàn tỉ đồng. Bên cạnh đó, 52 dự án xây dựng đường tuần tra biên giới với tổng chiều dài hơn 900km tại các tỉnh Tây Bắc cũng được triển khai. Dự kiến cuối năm 2010, sẽ bàn giao đưa vào sử dụng 19 dự án đường tuần tra biên giới.


Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, hiện đang tồn tại khó khăn do các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản luôn thay đổi, biến động giá cả của thị trường, các trình tự thủ tục để trình duyệt ở các khâu phức tạp mất nhiều thời gian. Việc ban hành và công bố giá vật tư ở các địa phương không thống nhất, đơn giá biến động lớn và liên tục; định mức vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công cho các loại đường hiện nay không còn phù hợp..


Để đẩy nhanh tiến độ thi công, hội nghị đề xuất các giải pháp: Bổ sung lực lượng, trang bị cho các đơn vị nâng cao năng lực thi công; tập trung chỉ đạo sản xuất vật liệu; có biện pháp thi công mặt đường bê tông xi măng (BTXM) trong mùa mưa; tổ chức nghiệm thu, thanh toán khối lượng kịp thời, tạm ứng vốn cho các đơn vị mua vật tư… Mặt khác, tập trung chỉ đạo biên soạn để sớm ban hành quy trình kỹ thuật thi công, tiêu chuẩn nghiệm thu mặt đường BTXM. Trong khi chờ Nhà nước ban hành tiêu chuẩn nghiệm thu mặt đường BTXM, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành triển khai xây dựng tiêu chuẩn nghiệm thu đường BTXM tạm thời phục vụ công tác thi công đường TTBG…


Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức: Ứng dụng đường BTXM phù hợp với các đoạn đường đèo dốc, đoạn cong có bán kính nhỏ, các đoạn đường có vùng sụt trượt ta-luy, nơi có thời tiết khắc nghiệt như độ ẩm lớn, vùng núi cao mưa nhiều…Với ưu điểm về độ bền cao, giảm chi phí cho công tác duy tu bảo dưỡng nên BTXM cần sớm được triển khai ứng dụng trong thi công các tuyến đường TTBG…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *