Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội không chỉ liên quan đến mảng nông thôn, nông nghiệp và nông dân, mà còn liên quan đến hầu hết các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của toàn xã hội. Do đó, quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng phải gắn liền với các quy hoạch phát triển của cả vùng, trong đó phải tính đến sự phát triển vũ bão của đô thị. Đây là những vấn đề đang được các KTS đặc biệt quan tâm khi cùng bàn về xây dựng NTM.
Góc nhìn từ quy hoạch NTM ở Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô của cả nước nhưng có số xã xây dựng NTM là 401 xã, trong khi trong khi đó TPHCM với diện tích tự nhiên là 2.095 km2, dân số 7.818.200 người, có 24 đơn vị hành chính gồm 19 quận, 5 huyện, 259 phường và 58 xã. Sau 6 năm thực hiện xây dựng NTM, theo 19 tiêu chí thì toàn TP Hà Nội có 121/401 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 30,17%). 401/401 xã được triển khai lập quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành.
Tại buổi tọa đàm “Quy hoạch và kiến trúc trong xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội”, KTS Vũ Tuấn Định – Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội cho rằng, do Hà Nội có đặc thù riêng nên quá trình xây dựng NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia còn một số khó khăn và hạn chế. Đó là, chưa triển khai quy hoạch chung huyện, quy hoạch chuyên ngành huyện như: Quy hoạch thủy lợi, cấp thoát nước, cấp điện, nông nghiệp, môi trường… nhưng vẫn thực hiện quy hoạch xây dựng xã. Do vậy, một số xã đã lập và phê duyệt quy hoạch xong phải điều chỉnh lại theo quy hoạch chung của huyện.
Đặc biệt, trong công tác quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tạo động lực phát triển công tác quy hoạch.
Để giải quyết được bài toán này, KTS Định cho rằng, từ địa phương phải đưa ra cách đi, giải pháp hợp lý, huy động được mọi nguồn lực xã hội xây dựng và phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân. Hà Nội cần có chính sách thích đáng về ngân sách thành phố, ưu tiên nhiều cho khu vực nông thôn để tạo sự đột phá nhanh, giãn bớt khoảng cách giữa đô thị và nông thôn về đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Còn với Ths.KTS. Vũ Hoài Đức – Phó Trưởng phòng Quy hoạch – Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thì nhận định, giờ đây, với thế và lực mới, việc quy hoạch – kiến trúc không gian các làng xóm cũ nội và ngoại thị Hà Nội cần thực sự được nhìn nhận bằng một giác độ mới. Đã đến lúc phải quan tâm sâu sắc hơn cho việc quy hoạch, quản lý không gian làng xóm theo cách thức mới, và hơn nữa là cần phải đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho bảo tồn, cải tạo làng xóm cũ.
Thêm đó, cần thiết có những nghiên cứu chi tiết và cụ thể trong các ứng xử với làng xóm. Cần tạo được nguồn sống cho cư dân làng xóm. Xây dựng NTM phải chú trọng hàng đầu đến việc tạo nên những khu vực phát triển kinh tế bên cạnh việc cải tạo làng xóm cũ, thay vì quá chú trọng vào 19 tiêu chí cứng nhắc.
Đến những vấn đề hiện hữu
KTS Lê Vũ Phàm – Hội KTS Hà Nội cho biết, quá trình thực hiện xây dựng NTM vừa qua ở nước ta đã có rất nhiều các cuộc học tập, khảo sát, tọa đàm, hội thảo…. nhằm hoàn thiện các bước thực hiện phù hợp với vùng miền và những đặc trưng riêng, đảm bảo yêu cầu của 19 tiêu chí. Bên cạnh những kinh nghiệm đạt được, xây dựng NTM đã bộc lộ những bất cập cần được bàn thêm, nhất là vấn đề quy hoạch.
KTS. Phàm phân tích, các đô thị trương nở quá nhanh trong khi quy hoạch NTM cũng ồ ạt “về đích” nhưng lại thiếu một quy hoạch có tính chiến lược, bền vững, thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ, không kiểm soát được việc quản lý xây dựng hoặc không kịp xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khiến nhiều giá trị của các quỹ đô thị bị mai một, nhiều giá trị văn hoá tại các vùng nông thôn bị phá vỡ.
Thêm đó, chưa có một tổ chức chuyên ngành nào đánh giá và nhận diện đầy đủ những giá trị của quỹ di sản ngàn đời ở nông thôn cũng như phân loại những đặc thù của từng vùng miền để làm căn cứ cho quy hoạch NTM.
Việc quy hoạch các làng đòi hỏi sự xem xét cụ thể và cân nhắc cẩn trọng trên nhiều mặt, bắt đầu bằng việc điều tra, phân loại và xác định những đặc thù của từng làng, những giá trị văn hoá cần được bảo tồn, những khu vực cần cải tạo và những khu vực cần giải toả, xây dựng lại để phát triển. Trên cơ sở đó, tiến hành bước nghiên cứu các khả năng xử lý không gian, các giải pháp mặt bằng nhằm hai mục tiêu: Hiện đại hoá (cải thiện) môi trường sống, công nghiệp hoá sản xuất, và tạo dựng bộ mặt nông thôn mới.
Từ đấy đưa ra những khống chế về kiến trúc, trước hết là trên hai phạm trù: Tỷ lệ kiến trúc (trong đó có chiều cao) và những biểu hiện kiến trúc đặc thù (tạo dáng, trang trí nội, ngoại thất…). Những công việc này đều quan hệ lẫn nhau và nằm trong một quá trình liên hoàn thông qua các bước quy hoạch.
Theo BXD