Thuế lũy tiến có thể tạm thời kéo giá nhà đất xuống

Mới đây Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều bất động sản mà không sử dụng hiệu quả, hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để đầu cơ trục lợi. Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong quý I năm 2008. 

Ông Ngô trí Long, Viện phó Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng, thuế lũy tiến sẽ giúp hạn chế đầu cơ trên thị trường, đưa giá nhà đất xuống thấp hơn, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất.

Hiện tình trạng nhà đầu cơ “ôm” hàng rồi bỏ trống không còn là chuyện lạ. Khu biệt thự tại phố trung Hòa, Hà Nội, thoáng nhìn như một bãi hoang, vì chưa có người ở. Giới kinh doanh cho hay, gần như toàn bộ khu này nằm trong tay các nhà đầu cơ, song họ rao giá 45-50 triệu đồng mỗi m2, cao hơn giá gốc vài lần, nên ít khách hàng ngó ngàng tới.  

Sở hữu căn hộ không phải đóng thuế là một lý do khiến giới đầu cơ thả sức gom “hàng”.
Ảnh: Hoàng Hà.

GS – TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nhận định, khi thuế lũy tiến được áp dụng, giá cả trên thị trường sẽ không lập tức “rơi tự do”, bởi giới đầu cơ sẽ không chấp nhận chịu thiệt. Tuy nhiên, theo ông, về lâu dài, thị trường sẽ dần đi vào quỹ đạo và giá từ từ giảm.

Tuy nhiên, ông Lê Vũ Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cp Đầu tư địa ốc Sông Hồng, lại tỏ ra nghi ngờ về việc thuế lũy tiến sẽ tạo nên chuyển biến trên thị trường bất động sản bởi nhiều nhà đầu cơ sẽ tìm mọi cách để “lách” luật. 

Theo thống kê của ông, có đến 70-80% số lượng nhà đầu cơ hiện nay ở dạng nhỏ lẻ, dùng tiền dôi dư để mua 2-3 căn nhà nhằm tích trữ. “trong trường hợp bị áp thuế, họ sẽ chuyển quyền sở hữu sang cho người trong gia đình để tránh né”, ông Dũng dự báo.

Giám đốc một công ty bất động sản cũng cho rằng, thuế lũy tiến đối với bất động sản mới giải quyết được bề nổi, mà chưa đáp ứng được yêu cầu lâu dài là cân đối cung – cầu trên thị trường. Theo ông, thuế suất cần căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, để tránh tạo gánh nặng quá lớn cho người dân.

Thuế lũy tiến được nhiều nước trên thế giới áp dụng để tránh tình trạng đầu cơ làm giá. Từ ngôi nhà thứ hai trở đi, người sở hữu sẽ phải chịu một mức thuế tăng dần theo diện tích và số lượng nhà đất. Ở một số nước, thuế áp dụng với bất động sản thứ hai hay thứ ba sẽ cao gấp nhiều lần mức trung bình đối với đất ở.  

Hiện thuế nhà đất tại Việt Nam được áp dụng theo pháp lệnh thuế về nhà đất có hiệu lực từ năm 1992. Theo đó, nhà ở được miễn thuế, trong khi quyền sử dụng đất ở được tính theo thuế đất nông nghiệp. Với một khu đất trên 100 m2, trung bình hộ gia đình phải chi trả vài trăm nghìn đồng mỗi năm.

Với chuyển nhượng nhà đất, thuế suất được áp dụng 4% với đất ở, tính trên mức quy định trong bảng giá đất mà UBND cấp tỉnh công bố hằng năm.

Ông Đặng Hùng Võ đề xuất, có thể áp thuế ngay từ căn nhà thứ hai cũng như diện tích nhà đất không sử dụng hết của căn thứ nhất. Theo ông, với những hộ có diện tích nằm trong hạn mức sử dụng, thuế suất áp dụng có thể là 0%. Với diện tích gấp đôi hạn mức sử dụng theo quy định của Luật Đất đai đối với hộ gia đình, ví dụ tại nội thị Hà Nội là 120 m2, thuế suất có thể là 5%, và tăng lên với các diện tích tiếp theo. Với hạn mức càng cao, thuế suất sẽ càng lớn.  

Nguyên thứ trưởng Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng, chỉ cần áp dụng thuế theo mức giá đất trên bảng giá do UBND các tỉnh ban hành, hiện tương đương 60-70% giá thị trường, cũng có thể hạn chế phần nhiều hiện tượng đầu cơ.

Tuy nhiên, theo ông Ngô trí Long, việc áp dụng thuế thông qua hạn mức sử dụng phải tính đến các vị trí khác nhau cũng như mật độ dân số và giá đất tại các khu vực. Bên cạnh đó, theo ông, mục đích sử dụng đất cũng cần được xem xét.

“Việc áp dụng thuế lũy tiến cần được tính toán kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường bất động sản”, ông Long nói. Sau những cơn sốt đất vài năm trước, một số biện pháp được áp dụng, kết quả là đẩy thị trường vào một đợt đóng băng. 

Những người thông thuộc thị trường bất động sản cũng cho rằng, điều quan trọng là địa ốc phải có sự minh bạch. Theo ông Lê Vũ Dũng, chỉ khi các hoạt động trong ngành bất động sản được công khai, từ đấu thầu, giao đất, bán nhà đất… , thì mới có thể giảm tình trạng đầu cơ tràn lan như hiện nay.

Cùng với đó, theo ông, cần đảm bảo cung cầu cân đối trên thị trường để hạ nhiệt cơn sốt nhà đất. Giá có thể chững lại một thời gian do giới đầu cơ chưa nắm được tình hình khi thuế lũy tiến được áp dụng. Song, họ sẽ lại tìm được cách để “lách” luật.

Ông Long cũng cho rằng, nên xem xét lại cách thức đầu tư nhà đất, bởi có những dự án sai lầm về hướng đầu tư ngay từ đầu. Các khu biệt thự Quang Minh (Đông Anh, Hà Nội) và Từ Sơn (Bắc Ninh) đều xây xong rồi bỏ không vì ít khách hàng chấp nhận mua nhà tại những nơi chưa có hạ tầng, dù với giá rẻ.

Ngọc Châu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *