Xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Người dân đã đồng thuận





Về tương lai của điện hạt nhân (ĐHN), các chuyên gia năng lượng hàng đầu của thế giới vẫn khẳng định, nếu không phát triển năng lượng hạt nhân loài người không thể giải quyết được vấn đề năng lượng.


Đã có những cơ sở để khẳng định điện hạt nhân tuy là nhiên liệu hữu cơ có hạn, phân bố không đều và giá cả luôn biến động; nhưng tính cạnh tranh kinh tế của ĐHN ngày càng rõ nét; ĐHN góp phần bảo vệ trái đất khỏi tác động của hiệu ứng khí nhà kính. Ngày 8-10, Hội đồng nhân dân (HĐND) 3 cấp của tỉnh Ninh Thuận đã lấy ý kiến về việc xây dựng nhà máy ĐHN trên địa bàn, phần đông các đại biểu và người dân vùng được chọn xây dựng dự án ĐHN đều đồng tình ủng hộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.




Mô hình Nhà máy Điện hạt nhân tương lai tại Ninh Thuận.




 Thời điểm thuận lợi…




Sau sự cố ĐHN ở Mỹ năm 1979, nhất là sau thảm họa Chéc-nô-bưn tại Liên Xô (cũ) năm 1986, niềm tin của dân chúng vào độ an toàn của ĐHN bị giảm sút. Dưới sức ép của công luận, nhiều nước đã phải xem xét lại chương trình phát triển các nhà máy ĐHN. Vì vậy, trong giai đoạn 1990-1995, mức tăng trưởng ĐHN của thế giới hàng năm chỉ đạt 3%. Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 2000 đến nay, mặc dù chưa thể khẳng định ngành ĐHN hồi sinh, nhưng có thể thấy rõ là ngày càng có nhiều quốc gia đang quay lại với chương trình phát triển ĐHN, đặc biệt số nhà máy đang được xây dựng, cũng như các nhà máy có kế hoạch xây dựng ngày càng gia tăng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Theo dự báo, ĐHN sẽ phục hưng trở lại sau khoảng 10 năm nữa với những thế hệ lò phản ứng có độ an toàn cao, đáp ứng được chiến lược phát triển năng lượng bền vững trên toàn thế giới, bảo vệ môi trường…




Báo cáo đầu tư dự án xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận có tổng công suất 4.000MW, gồm 2 tiểu dự án: Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 có công suất 2.000MW đặt tại xã Phước Dinh (huyện Ninh Hải – tỉnh Ninh Thuận); Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 có công suất 2.000MW đặt tại xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải – Ninh Thuận). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến nay đã hoàn thành báo cáo đầu tư xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận và các báo cáo chuyên ngành như đánh giá tác động môi trường; về địa chất khu vực dự kiến xây dựng; quy hoạch tổng thể 2 nhà máy; tổ chức các khóa đào tạo trong, ngoài nước phục vụ công tác chuẩn bị nhân lực ĐHN… Theo kế hoạch, sau khi báo cáo đầu tư được Quốc hội thông qua, cả 2 tiểu dự án sẽ cùng được triển khai. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được triển khai trước, với mục tiêu năm 2020 sẽ đưa tổ máy số 1 đầu tiên vào vận hành và Ninh Thuận 2 được triển khai sau 1 năm, sau khi triển khai Nhà máy Ninh Thuận 1.




Để thực hiện được các dự án trên, các đơn vị liên quan đang có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên ngành về lĩnh vực này.




Giá thành thấp




Với nước ta, tuy tiềm năng năng lượng sơ cấp đa dạng, nhưng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, điện năng trung bình đầu người còn thấp như hiện nay, khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai là rất khó khăn. Thêm vào đó, để đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các yêu cầu về chỉ tiêu phát triển, đa dạng hóa nguồn năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng an toàn, bền vững, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất quan trọng.




Theo tính toán của Viện Năng lượng, nếu chỉ dựa vào các nguồn nhiên liệu trong nước để sản xuất điện, nước ta sẽ thiếu hụt 49-112 tỷ kWh điện trong năm 2020. Do đó, giải pháp tổng hòa giữa tận dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước một cách hợp lý, kết hợp giữa nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt với tỷ trọng thích hợp cùng với việc xây dựng nhà máy ĐHN sẽ là giải pháp tối ưu. Nhiều nghiên cứu về giá thành sản xuất điện của Pháp, Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản đều kết luận, giá thành ĐHN là thấp hơn so với giá thành sản xuất điện bằng khí, than hoặc dầu 10-20%, phụ thuộc vào các điều kiện xây dựng và vận hành, kể cả khi tính đến chi phí cho tháo dỡ, cho bảo hiểm và dự phòng cho xử lý chất thải. Đặc biệt, trong điều kiện giá nhiên liệu than, dầu và khí ngày càng tăng nhanh, giá thành sản xuất ĐHN lại càng trở nên cạnh tranh cao hơn và sẽ là một sự lựa chọn kinh tế.




Cơ hội cho Ninh Thuận




Theo kế hoạch sơ bộ đã thống nhất với chính quyền địa phương và các hộ dân sở tại, ước tính tổng giá trị đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 là 243,976 tỷ đồng, Ninh Thuận 2 là 456,440 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà máy ĐHN trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ mở ra nhiều cơ hội, khả năng để Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, như việc xây dựng nhà máy đòi hỏi phải nâng cấp



và phát triển cơ sở hạ tầng.




Khi nhà máy đi vào vận hành, ước tính nguồn thu thuế VAT khoảng 2.240 tỷ đồng/năm. Ngày 8-10-2009, tại hội nghị lấy ý kiến HĐND 3 cấp về việc xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên của nước ta tại Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, xây dựng nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận phải là động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Qua đó, trong tương lai Ninh Thuận sẽ mở ra nhiều cơ hội và khả năng để đẩy nhanh chương trình phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống của người dân.




Hiện nay, báo cáo đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã được hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và Chính phủ đã thông qua để trình Quốc hội vào kỳ họp lần 2, khai mạc trong tháng 10-2009.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *