1/3 diện tích ĐBSCL có thể bị chìm





Ngay cả trong kịch bản ít có sự thay đổi nhất, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình nước ta sẽ tăng gần 2 độ C, hàng ngàn km2 đồng bằng sông Cửu Long chìm dưới mực nước biển.


Theo kịch bản do Bộ Tài nguyên Môi trường vừa công bố, có 3 khả năng tương ứng với các mức thấp, trung bình, cao cho biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam.


Với kịch bản đầu tiên, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình trên cả nước tăng từ 1,1-1,9 độ; nước biển dâng 65 cm khiến hơn 5.100 km2 đất tại đồng bằng sông Cửu Long (gần 13% diện tích) chìm dưới mặt nước. Với kịch bản thứ 3, nhiệt độ có thể tăng tới 3,6 độ C; nước biển dâng cao 1 mét và nhấn chìm hơn 1/3 diện tích đồng bằng sông Cửu Long.



Tuy nhiên, hai kịch bản này được đánh giá ít khả năng xảy ra hơn kịch bản còn lại. Theo đó, với kịch bản phát thải trung bình, cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trong năm tăng từ 1,6 tới 2,8 độ C (tùy khu vực); tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi lượng mưa mùa khô giảm… Tương ứng, nước biển dâng 75 cm đưa 1/5 diện tích đồng bằng sông Cửu Long xuống dưới mực nước biển.


Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng 0,5-0,7 độ, mực nước biển dâng 20 cm. Là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán… đối với nước ta ngày càng trở nên ác liệt.


“Biến đổi khí hậu là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Nguyên nói.


Hiện tượng nóng lên của thời tiết trong những năm qua đã gây hàng loạt hệ lụy về sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên nước, sức khỏe người dân… Với mực nước biển dâng cao, hàng loạt khu vực đồng bằng ven biển dần biến mất, cơ sở hạ tầng chịu ảnh hưởng…


Chính vì tác động tiêu cực toàn diện tới đời sống và sự phát triển kinh tế – xã hội, cuối năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia để ứng phó với tổng kinh phí lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Cùng với việc công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bộ Tài Nguyên Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật để các bộ, ngành và địa phương ứng phó.


Ngoài ra, với kịch bản vừa công bố, người dân cũng có thể tự mình tìm cách ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Ví dụ như với hiện tượng nước biển dâng, người dân nên xây nhà kiên cố và xa bờ biển. Trong trường hợp có mưa bão, cần chủ động theo dõi thông tin và nhanh chóng sơ tán khi được yêu cầu.


(Theo VnExpress)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *