“Nếu mực nước biển dâng 1 m thì 61% diện tích ở ĐBSCL sẽ bị ngập”. Đây là nhận định của GS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng và môi trường tại hội thảo quốc tế về tác động biến đổi khí hậu và tình hình ngập lụt đô thị, tổ chức tại TPHCM ngày 24-6. GS-TS Trần Thục cũng đưa ra nhiều kịch bản về tình trạng nước biển dâng và tình hình ngập lụt tại các đô thị ở VN, trong đó TPHCM sẽ bị ngập 34% diện tích nếu nước biển dâng cao thêm 1 m. Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Chống ngập TPHCM, cho rằng tác động của biến đổi khí hậu đối với thời tiết ở TPHCM ngày càng rõ nét, những cơn mưa có vũ lượng lớn ngày càng nhiều, do đó TP cần phải có một chiến lược chống ngập dài hạn. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về chống ngập TPHCM, việc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là có nhưng chưa phải là vấn đề để ưu tiên cấp thiết tại TPHCM. Theo ông Phi, mực triều ở Vũng Tàu trong nhiều năm qua không biến đổi nhiều, trong khi tại TPHCM lại tăng đột biến. Điều này chứng tỏ nguyên nhân là do tình trạng đô thị hóa. Do đó vấn đề lo ngại hiện nay là nhiều công trình chống ngập áp dụng cách tính toán số liệu về mực triều và mưa theo quy chuẩn cũ nên đã lạc hậu so với mực triều và lượng mưa thực tế. (Theo NLĐ) |