Nhà dân sắp sập vì cống hoá mương





 – 3 tháng nay, gần 10 hộ dân hai bên mương Hào Nam (phường Thịnh Quang, Đống Đa) phải sống với nỗi sợ hãi trong chính căn nhà của mình bởi hiện tượng nứt, sụt, lún nhà do công trình cống hoá mương con mương này gây ra. Không ít nhà đã phải thuê nhà để “sơ tán”!


 


Cuộc “sơ tán” lúc… nửa đêm


 


Ông Trần Thanh Minh, số nhà 3, ngách 95 ngõ Thái Thịnh 2 (phường Thịnh Quang, Đống Đa) đứng trước ngôi nhà 3 tầng của gia đình đang bị nghiêng, lún nhớ lại: Một đêm giữa tháng 4/2009, cả nhà đang ngủ say thì nghe tiếng động mạnh, chai lọ bị vỡ, tưởng là động đất, tôi gọi cả nhà dậy, chạy ra ngoài đường vì sợ nhà bị sập.


 


“Đêm đó cả nhà không ai dám ngủ vì chưa hiểu chuyện gì xảy ra với ngôi nhà của mình. Mãi sáng hôm sau mới biết, nhà bị lún sâu và nghiêng làm cho mái tôn bị rách, gạch lát nền các tầng đều nứt vụn bởi sụt lún vùng đất đang thi công cống hoá mương trước nhà”, ông Minh kể.


 










Những vết nứt rộng đến 7, 8cm, dài vài mét, như chém đôi ngôi nhà! Ảnh: C.Hiếu



Dù không phải ra khỏi nhà đêm đó, nhưng cảnh ngộ gia đình ông Nguyễn Đăng Thình, nhà số 7 cùng ngách nhà ông Minh lại bi đát hơn.



 


Ông Thình cho biết, từ cuối tháng 3/2009, khi đơn vị thi công cống chạy đến ngách nhà ông thì căn nhà liên tiếp xuất hiện những vết nứt lớn.  Phần trần và trụ cũng nứt toác, nhìn như tách lìa nhau vài cm, dài đến gần 3m. Phần chính giữa cửa bị sụt lún xuống hẳn, khiến ngôi nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào.


 


“Từ đầu tháng 4, gia đình tôi đã phải mua cốppha, cột sắt chống trong nhà để gắng ở tạm, báo cáo chính quyền và đơn vị thi công giải quyết. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, cả nhà tôi đã được lệnh của phường là phải khẩn cấp di dời vì đã quá nguy hiểm”, ông Thình kể.


 


Và hơn 2 tháng nay, 6 người nhà ông Thình đành phải thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” rời nhà đi ở nhà thuê.


 









Phần giữa ngôi nhà bị lún hẳn xuống.  Ảnh: C.Hiếu



Cũng do nhận thấy căn nhà có thể sập xuống ngay lập tức nên UBND phường Thịnh Quang đã cho bịt lối vào căn nhà này từ đó tới nay.


 


Theo UBND phường Thịnh Quang, ngoài 2 trường hợp hư hỏng nặng nói trên, dự án cống hoá còn gây nứt, sụt lún với mức độ nhẹ hơn đối với 7 ngôi nhà khác kề bên mương.


 


Gặp sự cố vì lấy kết quả khảo sát từ… 8 năm trước!


 


Dự án cống hoá mương Hào Nam (là một phần của dự án cống hoá mương La Thành – Láng) được khởi công từ đầu năm 2009, do Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Hồng).


 


Các hộ dân cho hay, khi tiến hành đào đất để lắp cống, mương bị đào sâu xuống cả chục mét nhưng đơn vị thi công đã không hề có biện pháp cừ, chắn giữa vùng đất thi công với mép mương tiếp giáp nhà các hộ liền kề, gây nên sụt hệ thống, làm nhà dân bị lún, nứt.


 










Phải đến khi gặp sự cố gây nứt, sụt nhà dân, đơn vị thi công mới cho ép cừ, chắn.  Ảnh: C.Hiếu



Cũng vì thế mà sau khi sự cố xảy ra, ngày 4/5, Sở GTVT đã có công văn nêu rõ quá trình triển khai thi công cống hộp tại tuyến Thái Thịnh – Láng từ cọc số 23 đến cọc TC18T+4 đã xảy ra hiện tượng lún, nứt nhà dân. 

Ban Quản lý dự án Giao thông đô thị (Ban QLDAGTĐT), đơn vị thi công và UBND phường đã thống nhất bổ sung biện pháp thi công ép cừ larsen dọc hai bên hố móng để đảm bảo an toàn cho các công trình liền kề.



 


Để đảm bảo thực hiện công trình trọng điểm thuộc kế hoạch kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đáp ứng đúng tiến độ dự án yêu cầu, Sở Giao thông Vận tải xin đề nghị thành phố chấp thuận cho phép bổ sung, điều chỉnh biện pháp thi công các đoạn còn lại chưa thi công bằng cọc larsen trên cơ sở khảo sát thiết kế biện pháp thi công điều chỉnh của đơn vị tư vấn.


 


Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Tiến Hòa – Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang, sự cố trên còn có một nguyên nhân chủ quan khác.


 


Ông Hoà cho biết, công trình được thi công đầu năm 2009 nhưng quá trình thăm dò, khảo sát lại được tiến hành từ rất lâu rồi, những năm 2001, 2002. “Mà công nghệ khảo sát hồi ấy thì sao như bây giờ được! Nên khi ép cọc thi công ở độ sâu trên 10m đã gặp phải túi bùn mà khi khảo sát không thấy. Túi bùn này gây lở hàm ếch, khiến nhiều nhà dân bị sụt”, ông Hoà khẳng định.


 


Cũng theo ông Hoà, trong quá trình thi công cống hoá, đơn vị thi công chỉ lo phần cống của mình mà đã bịt mất lối thoát nước của các nhà dân ra mương khiến cả khu vực bị ngập trong đợt mưa đầu tuần vừa qua, gây bức xúc cho dân, cho đến khi phường phản ánh thì đơn vị thi công mới khơi lại dòng chảy.





  • Chí Hiếu 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *