Hà Nội lúng túng tìm đất xây ‘nhà’ cho người chết











Từ 1/7/2010,Nghĩa trang Văn Điển dự kiến chỉ tiếp nhận yêu cầu hỏa táng. Ảnh: Đức Long.
KTĐT – Việc tìm “nơi an nghỉ cuối cùng” cho người dân đang là vấn đề nan giải của thành phố Hà Nội, bởi hầu hết nghĩa trang quá tải. Giải pháp tạm thời được đưa ra là khuyến khích hỏa táng.


Dù thông báo sẽ đóng cửa khu địa táng của Nghĩa trang Văn Điển từ ngày 1/7/2010, song UBND Thành phố Hà Nội vẫn chưa xác định được sẽ chuyển khu chôn cất tập trung lớn nhất Thủ đô tới địa điểm nào.


Chỉ còn hỏa táng

Nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì, với diện tích 18 ha, Nghĩa trang Văn Điển tồn tại đã gần 50 năm. Từ nhiều năm nay, khu vực này luôn được coi là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của hàng trăm hộ dân thuộc các xã Vĩnh Quỳnh và Tam Hiệp.

Ông Hoàng Thành Thái, Trưởng ban Phục vụ tang lễ thành phố cho biết, do không được đầu tư từ đầu (hệ thống xử lý nước thải, rác thải…), lại nằm quá gần khu dân cư nên những hệ lụy về môi trường mà Nghĩa trang Văn Điển gây ra là rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc dừng việc chôn cất tại đây từ lâu được coi là yêu cầu cấp bách. “Như vậy, từ đầu tháng 7/2010, Nghĩa trang Văn Điển chỉ tiếp nhận những trường hợp yêu cầu hỏa táng. Những trường hợp an táng sẽ chuyển tới địa điểm mới”, ông Thái nói và cho biết, sau khi dừng địa táng, Nghĩa trang Văn Điển sẽ được đầu tư thêm bốn lò thiêu và cải tạo để trở thành công viên cây xanh, xen kẽ những khu lưu giữ tro cốt.


Hầu hết nghĩa trang mà thành phố giao Ban Phục vụ tang lễ quản lý đang trong tình trạng quá tải. Quỹ đất các nghĩa trang như Thanh Tước (Mê Linh), Yên Kỳ (Ba Vì) hiện chỉ có thể tiếp nhận các trường hợp an táng và cải táng thêm một vài năm nữa. Riêng Nghĩa trang Thanh Tước, đến cuối năm nay không còn đất dành cho chôn cất lần một. “Vì thế, cần có hình thức khuyến khích hỏa táng để hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm đất. Thành phố nên quy hoạch những khu nghĩa trang dành riêng cho từng quận, huyện để vừa giảm tải cho khu chôn cất tập trung, vừa giúp người dân không phải đi lại quá xa”, ông Thái kiến nghị.

Mặc dù vậy, ông Thái cũng thừa nhận, không phải nơi nào người dân và chính quyền địa phương cũng ủng hộ việc xây nghĩa trang trên địa bàn mình.


Cần sự đồng thuận


Trao đổi với Đất Việt, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho hay, vấn đề quá tải tại các nghĩa trang của thành phố đã được đặt ra từ lâu, song không dễ giải quyết. Khó khăn lớn nhất, theo ông Bình, là làm sao tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. “Nếu bây giờ bảo xây nghĩa trang cạnh nhà mình, mình có chịu không? Không một ai muốn cả. Vì thế, rất cần sự đồng thuận của người dân, hiểu, thông cảm và hy sinh vì lợi ích của cả cộng đồng”, ông Bình nói.


Liên quan đến vấn đề lựa chọn địa điểm mới, ông Bình cho biết, UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng nghiên cứu, xác định. Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã giới thiệu hai địa điểm là Bắc Sơn (Sóc Sơn) và Yên Kỳ mở rộng (Ba Vì). Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2010, địa điểm được lựa chọn mới được thành phố chính thức công bố. Ngoài ra, các phương án xây dựng nghĩa trang tại các khu vực Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ… cũng sẽ được xem xét, cân nhắc.


Trước việc nhiều người dân lo lắng khi chưa tìm được nơi thay thế, thành phố quyết định dừng địa táng tại Nghĩa trang Văn Điển, ông Bình cho biết: “Đây mới chỉ là thông báo chứ chưa phải là quyết định, có nghĩa là dự lệnh chứ không phải mệnh lệnh. Điều này thể hiện quyết tâm của thành phố, phấn đấu thực hiện để có được nơi an nghỉ thật đàng hoàng cho người dân Thủ đô”.







Theo thống kê của Ban Phục vụ tang lễ TP Hà Nội, trung bình mỗi ngày Nghĩa trang Văn Điển tiếp nhận khoảng 20 đến 25 trường hợp, trong đó có từ 15 trường hợp trở lên xin hỏa táng. Tính chung mỗi tháng, khu chôn cất tập trung lớn nhất của thành phốtiếp nhận 700 trường hợp và trong số này có tới 500 trường hợp được yêu cầu hỏa táng.



Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *