Cảng Cái Cui – một dự án hợp lòng dân















Ông Dương Chí Dũng

Đầu tháng 7, TCty Hàng hải Việt Nam (VINALINES) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức lễ khởi công xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn 2 và khu hậu cần Logistics.  Có bạn đọc đặt vấn đề: Cần xem lại hiệu quả kinh tế của dự án này vì suất đầu tư quá lớn (hàng ngàn tỷ đồng) nhưng hiệu quả khai thác sẽ không cao vì luồng tàu vào Cảng hiện không cho phép tàu biển trọng tải lớn cập cảng; tạo luồng sẽ là vấn đề nan giải cho nhiều thế hệ sau… Để làm rõ ý kiến trên, phóng viên Báo Xây dựng đã trao đổi với ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VINALINES.




Ông có thể giới thiệu với độc giả báo Xây dựng đôi nét về Dự án này?



– Dự án xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn của VINALINES. Cảng Cái Cui giai đoạn 2 gồm 3 bến cập tàu có tổng chiều dài 500m, với hệ thống thiết bị bốc xếp, vận chuyển tại cảng hiện đại. Ngoài ra, còn xây dựng bãi chứa hàng container diện tích 25.600m2, bãi chứa container 13.270m2, bãi chất rút quanh co CFS 14.576m2, kho hàng chất rút container 3.024m2, bãi hàng tổng hợp 29.056m2, kho hàng tổng hợp 3.024m2… Dự kiến giai đoạn 2 cảng Cái Cui sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012, có thể tiếp nhận tàu chở container, tàu hàng tổng hợp tải trọng 20 nghìn tấn. Dự án xây dựng khu hậu cần Logistics cũng do VINALINES đầu tư với số vốn 600 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 37ha (nằm trong khu vực quy hoạch cảng Cái Cui), được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, đến năm 2015 sẽ hoàn thành. Cảng Cái Cui giai đoạn 2 hoàn thành cùng với hệ thống kho vận sẽ đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm vận chuyển hàng hải của cả vùng ĐBSCL.



Cơ sở thực tiễn nào khiến VINALINES xác định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án?



– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong buổi lễ khởi công: Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực góp phần vào sự phát triển của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL – vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản lớn nhất cả nước, có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Chính phủ đã phê duyệt phát triển cụm cảng số 6, trong đó cảng Cái Cui là trung tâm phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng. Cảng Cái Cui và hệ thống kho vận hoàn thành góp phần giảm chi phí xuất nhập khẩu, hàng hóa ở ĐBSCL lưu thông dễ dàng. Đi liền với xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn 2, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục nạo vét cửa Định An, khẩn trương hoàn tất thủ tục để cuối năm nay khởi công dự án đào kênh tắc từ cửa biển Trà Vinh qua kinh Quan Chánh Bố để vào cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui…



Thực tiễn đã chứng minh, từ năm 2007 đến nay chỉ với 1 bến tàu 165m (giai đoạn 1) lượng hàng hoá qua cảng Cái Cui không ngừng tăng trưởng. Năm 2008 lượng hàng hoá qua cảng đạt 3,3 triệu tấn. Sáu tháng đầu năm 2009 đạt 3,3 triệu tấn vượt gần 6 lần công suất thiết kế. Vậy mở rộng cảng là nhu cầu cấp bách.



VINALINES hiện đang gặp khó khăn gì trong việc thực thi dự án?



– Trước việc suy giảm kinh tế toàn cầu, không DN nào dám khẳng định là mình thuận lợi cả. Tuy nhiên việc thực thi dự án cảng Cái Cui của VINALINES thì lại không gặp trở ngại lớn bởi nguồn vốn đã được chuẩn bị sẵn. Tất cả các hạng mục đều thi công theo lộ trình được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt… Điều mà Ban lãnh đạo VINALINES yên tâm nhất là được nhân dân ĐBSCL ủng hộ. Việc xây Cảng của chúng tôi suy cho cùng là thực hiện chiến lược khai thác tiềm năng kinh tế biển của Quốc gia. Cùng với hệ thống đường bộ, sân bay đang được đầu tư, tiềm năng kinh tế vùng sẽ được đánh thức… Bà con ĐBSCL đã hy sinh rất nhiều về người và của cải trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, không lẽ gì mà họ không được hưởng những thành quả mà Cách mạng mang lại. Chúng tôi cho rằng cảng Cái Cui là một dự án hợp lòng dân…



Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *