Nan giải quy hoạch công trình ngầm đô thị











Chỉ một giờ sau khai trương, đường hầm Kim Liên đã thành… hầm nước

KTĐT – Không mấy ai nghĩ công trình đường hầm xe cơ giới chỉ với chiều dài 644 m, rộng 18,5 m, chiều cao hầm H= 6,25 m (phần hầm kín dài 140 m, phần hầm hở dài 405 m, phần dẫn đường dài 99 m) mà thi công mất trên 3 năm.

Nhà ở, văn phòng, giao thông… khiến quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM đã ở tình trạng gần như cạn kiệt. Phát triển không gian ngầm là một trong những giải pháp giảm tải thực trạng trên. Tuy nhiên, để có 1 công trình ngầm không phải việc đơn giản. Thậm chí, các nhà quản lý, chuyên gia đã thừa nhận việc xây dựng đồng bộ công trình ngầm đô thị ở VN vẫn đang còn là một mục tiêu… xa vời.


Công trình ngầm nút giao thông Kim Liên là một công trình lớn điển hình, thể hiện những bất cập này ngay từ khi công trình được khởi công đến nay – khi công trình đã thông xe kỹ thuật. Hầm xe cơ giới này là một hạng mục trong Dự án xây dựng, cải tạo nút giao thông ngã tư Kim Liên. Dự án này là dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị TP Hà Nội giai đoạn 1, được UBND TP Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư 467 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA 418 tỷ đồng, vốn đối ứng 49 tỷ đồng và là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô được thành phố đưa vào danh mục Công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Công trình “lơ lửng”


Không mấy ai nghĩ công trình đường hầm xe cơ giới chỉ với chiều dài 644 m, rộng 18,5 m, chiều cao hầm H= 6,25 m (phần hầm kín dài 140 m, phần hầm hở dài 405 m, phần dẫn đường dài 99 m) mà thi công mất trên 3 năm. Đấy là chưa kể đến quá trình thăm dò, khảo sát… Trong quá trình thi công dự án đã gặp nhiều khó khăn như GPMB (giải tỏa 5 hộ dân đường Đào Duy Anh, vướng mắc trong công tác di chuyển công trình ngầm nổi); tiến độ thi công của nhà thầu chậm cũng như phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật ở một số hạng mục công trình để phù hợp với thực tế và ảnh hưởng của thời tiết… Điều đáng nói đường hầm này mới thông xe kỹ thuật tuy nhiên nhiều công trình đi kèm vẫn còn đang thi công và thời gian kéo dài ảnh hưởng lớn đến giao thông, hoạt động của DN và sinh hoạt của người dân tại khu vực này. Hiện nhà thầu Taisei vẫn đang triển khai thi công xây dựng dưới sự giám sát của Viện Kết cấu cầu Nhật Bản (JBSI) và dự kiến toàn bộ dự án Nút giao thông Kim Liên tới tháng 10/2009 mới hoàn thành.


Theo các chuyên gia, những khó khăn trên một phần đến từ sự bất cập trong công tác quy hoạch về công trình ngầm. Lâu nay chúng ta chỉ mải nghiên cứu không gian đô thị trên mặt đất mà không để ý đến quy hoạch đồng bộ với không gian ngầm. Điều đó gây khó khăn về công tác quản lý cũng như thi công sau này.


Tại TP HCM, bài học xảy ra cũng do chưa quy hoạch ngầm: dự án đặt cống hộp trên đường thoát nước trên đường Cách mạng Tháng Tám, đã duyệt, chuẩn bị đấu thầu triển khai thi công, lại chồng với tuyến Metro số 2 đang hoàn chỉnh quy hoạch lần cuối. Sự sơ hở này cũng may đã được phát hiện kịp thời để tìm ra giải pháp tốt nhất từ bây giờ tránh lãng phí do lấp kênh đào xuống.


Theo PGS TS Lưu Đức Hải – Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, việc thiếu một hành lang pháp lý với những quy định, quy chế tiêu chuẩn cơ bản về công trình ngầm đô thị cũng khiến các cơ quan và nhà thầu lúng túng. Các quy định mà thực tiễn đang cần là các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng các công trình ngầm hiện nay vẫn chưa có. Chính vì vậy nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm phải chờ đợi ý kiến các ban ngành một thời rất lâu những rồi vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Hiện Hà Nội và TP HCM đang lập dự án xây dựng tàu điện ngầm song tiến độ triển khai quá chậm. Hai thành phố này cũng đang chuẩn bị xây dựng bãi đỗ xe ngầm nhưng chưa có quy hoạch cụ thể nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng còn gặp nhiều khó khăn hoặc không lường hết các trở ngại có thể xảy ra nên lúc cho phép đầu tư xây dựng, lúc thu hồi giấy phép lại gây nản lòng nhà đầu tư…


Hạ tầng ngổn ngang


Hiện đô thị hoá ở nước ta đã đạt trên 70 – 80% việc khai thác phát triển đô thị theo chiều cao đang có xu hướng bão hoà và hướng đến ngày một nhiều hơn đối với khả năng khai thác chiều sâu của đô thị. Trong 10 năm thực hiện định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị VN đến năm 2020 theo Quyết dịnh số 10/1998/QĐ – TTg ngày 23/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đô thị đã phát triển nhanh chóng. Từ tổng số đô thị trên toàn quốc là 633 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá là 24% năm 1998, năm 2008 con số này đã lên tới 747 đô thị và tỷ lệ đô thị hoá là 30,5%. Nghĩa là đã có trên 100 đô thị lớn nhỏ được ra đời và phát triển, các thành phố mới và cũ đều có nhu cầu xây dựng hiện đại.


Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Tiến – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, các đô thị mới đã quan tâm đến bố trí các loại công trình ngầm như đường dây, đường ống ngầm… dưới đất nhưng hầu như không tập trung trong các họp kỹ thuật mà phần lớn vẫn bố trí riêng rẽ. Hiện nay Hà Nội đang thực hiện dự án ngầm đường dây thông tin, cáp điện ở một số tuyến phố chính với chi phí rất lớn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế bởi vì đơn giản là chôn xuống đất trong một ống gọi là cống hay bể ngầm chứ không thực hiện bài bản là xây hộp kỹ thuật lắp đặt đồng bộ toàn bộ các đường dây này. Còn tại TP HCM, nhiều tuyến cáp điện đã được bố trí ngầm song mới chỉ đơn ngành quản lý và sử dụng chưa mang tính đa ngành.


Thực trạng bố trí các công trình hạ tầng như trên đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai thi công, xây dựng và cải tạo nhiều công trình. Và hiện tượng đào lấp – lấp đào sẽ vẫn cứ tiếp diễn nếu ta không có một quy hoạch đủ tầm cho công trình ngầm.




Hà Nội cứ mưa là ngập, TP HCM dù nắng đường cũng thành… sông – đó cũng là một trong những hậu quả nhìn thấy của việc không có quy hoạch đúng tầm cho công trình ngầm.


Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *