Thời gian qua, dư luận rất quan tâm chung quanh câu chuyện “trả nước về sông” của Công trình thủy điện ĐắkMi4 nằm trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam). Công trình này được khởi công năm 2007, công suất thiết kế 220MW, tổng vốn đầu tư 4800tỷ đồng do Tổng công ty ĐTPT đô thị và KCN Việt Nam (IDICO) làm chủ đầu tư. Thủy điện ĐắkMi4 đang gây mối lo ngại lớn đối với nguồn nước vùng hạ lưu Sông Vu Gia (bao gồm TP Đà Nẵng và một số huyện phía bắc tỉnh Quảng Nam ).
Ông Huỳnh Vạn Thắng,Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho rằng,việc thiếu nước ở hạ lưu Sông Vu Gia trong đó có TP Đà Nẵng là cực kỳ nghiêm trọng nếu Thủy điện Đắk Mi4 vẫn tiếp tục được xây dựng và đi vào hoạt động theo thiết kế hiện nay… Thực ra không phải đến bây giờ mà những năm trước ở Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng khan hiếm nước ngọt. Bởi năm 2001, sông Vu Gia đoạn tại Xã Đại Cường, huyện Đại Lộc,Quảng Nam, khi bị cắt dòng,chuyển nước về Sông Thu Bồn đã gây ra thiếu nước nghiêm trọng cho các huyện phía bắc Quảng Nam và Đà Nẵng. Năm 2008, khi Thủy điện A Vương chặn dòng tích nước gây hạn hán hạ lưu; Nhà máy nước Cầu Đỏ nguồn nước cung cấp chính của TP Đà Nẵng bị nhiễm mặn nặng nề. Nhiều chuyên gia thủy lợi và tài nguyên nước am hiểu địa bàn cho rằng,nguyên nhân chính gây tình trạng thiếu nước vùng hạ lưu Sông Vu Gia là do sai sót trong việc lập các dự án đầu tư xây dựng thủy điện trên Sông Vu Gia-Thu Bồn… Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11-6, Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp với các bên liên quan và sau đó Bộ này có Quyết định thành lập Tổ Chuyên gia thẩm định việc xả nước sau đập Thủy điện Đắk Mi4 (nhưng lại không xác định rõ thời gian hoàn thành báo cáo kết quả khảo sát, thẩm định và điều đáng nói là trong khi Tổ chuyên gia này chưa có kế hoạch làm việc cụ thể thì Thủy điện Đắk Mi4 vẫn đang khẩn trương xây dựng…). Diễn biến mới nhất là UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cho tạm dừng thi công đập Thủy điện Đắk Mi4… cho đến khi có sự thống nhất giữa hai bên liên quan về lưu lượng nước phải xả ra Sông Vu Gia… Do có nhiều ưu điểm nổi trội nên hiện nay việc phát triển nguồn thủy điện đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Có thể nói, việc phát triển các dự án thủy điện đang trong thời kỳ “đua nở”ở nhiều cấp độ khác nhau được đầu tư từ nhiều nguồn(ngoài nguồn vốn của Nhà nước, là các nguồn được chủ đầu tư xã hội hóa).Trong đó Miền Trung-Tây Nguyên đang là tốp đứng đầu tính về số lượng phát triển các dự án thủy điện. (Riêng tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch 57 dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống Sông Vu Gia-Thu Bồn với tổng công suất 1100MW;hiện thượng nguồn Sông Vu Gia đã có 7 nhà máy…). Phát triển các nhà máy thủy điện tạo ra nguồn lợi lớn cho ngành năng lượng quốc gia và các địa phương thì hẳn đã rõ,song nhiều nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo về những mặt trái của nó. Đấy là sự tác động không nhỏ về môi trường,môi sinh, suy giảm nguồn nước ngọt,mất an toàn hệ sinh thái; các đập chắn sẽ làm giảm dòng chảy vào mùa mưa và làm chậm tiêu thóat đỉnh lũ,v.v. Và trên thực tế thời gian qua ở một số nơi đã xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn tài nguyên thủy lợi; hay mới đây có địa phương “say sưa” phát triển thủy điện đến độ quy hoạch sau “dìm”quy hoạch trước, làm nảy sinh tranh chấp giữa các chủ đầu tư… Chúng ta khuyến khích phát triển thủy điện, tạo điều kiện thuận lợi và không làm thiệt hại cho nhà đầu tư nhưng không vì mối lợi nhỏ mà gây thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, phát triển KT-XH của hàng vạn người dân vùng hạ lưu. Để hạn chế cao nhất những mặt trái tác động từ dự án thủy điện(DATĐ) thì trước hết yêu cầu đặt ra phát triển DATĐ nhất thiết phải có quy hoạch (và phải tuân thủ theo quy hoạch); quy hoạch địa phương phải trên cơ sở quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể cả nước, không thể mạnh ai nấy làm, “làm lấy được”, làm tràn lan như hiện nay. Các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát lại các DATĐ (nhất là đối với những dự án nhỏ ở các địa phương)loại bỏ những dự án nằm trong vùng đặc biệt thuộc các khu bảo tồn thiên nhiên; có giải pháp cụ thể trong việc quản lý môi trường thủy điện ,v.v. Nói gọn là mỗi một DATĐ khi triển khai thực hiện trước đó phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính khoa học của quy hoạch và đặc biệt lường trước hậu quả tác động về môi trường,môi sinh và sự xáo trộn đời sống của người dân địa phương… Có như vậy việc phát triển nguồn năng lượng sạch này mới hoàn toàn mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội lớn nhất và giảm thiểu được tình trạng “lợi bất cập hại” từ những mặt trái tác động của nó. |
Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ trong việc quy hoạch các dự án thủy điện
59
Bài trước