Chuyện sân gôn








Trong các môn thể thao hiện đang phát triển ở nước ta, thì gôn (golf) là  môn chơi mới mẻ nhất, nhưng lại gây nhiều tai tiếng và bị bà con nông dân ghét nhất. Bởi, nó còn lạ lẫm và chưa phổ biến với đại đa số dân chúng còn nghèo ở nước ta và đặc biệt là, nó chiếm dụng quá nhiều đất, mà chủ yếu lại là đất nông nghiệp.




Tính đến tháng 9/2008 cả nước đã có 144 dự án sân gôn (có 17 sân đang hoạt động) với diện tích lên tới 50 nghìn héc-ta, trong đó có hơn 20 nghìn héc-ta là đất trồng lúa. Đây là điều gây bức xúc nhất trong xã hội, đến nỗi Quốc hội phải vào cuộc, lãnh đạo các địa phương có dự án sân gôn phải giải trình, kiểm điểm vì đã không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là cấm lấy đất bằng phẳng, đất nông nghiệp làm sân gôn.



Ngày 12/8 vừa qua, Lãnh đạo TP Hà Nội đã làm một việc được dư luận rất hoan nghênh, đó là kiến nghị với Thủ tướng xin dừng đầu tư 10 sân gôn (trong số 19 dự án có sân gôn của Hà Nội), với tổng diện tích lên tới 258,53ha, bởi các dự án này sử dụng quá nhiều đất trồng lúa, lại ở vùng đông dân, khó giải quyết việc làm khi thu hồi đất, đặc biệt có dự án ở vị trí nhạy cảm về chính trị, văn hoá xã hội như dự án sân gôn 9 lỗ ở Khu luyện tập thể thao, vui chơi giải trí Mễ Trì (32,1ha), gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngay trong lòng Thủ đô. Dự án này đã được duyệt từ nhiều năm trước đây, gây phản cảm trong dư luận. Trước đó, các nhà quy hoạch có uy tín đã kiến nghị TP nên xây dựng tại đây một công viên mở có vườn hoa, cây xanh và hồ nước để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân và giảm nguy cơ úng ngập cho khu vực đang phát triển ở phía tây TP.



Môn thể thao gôn không có lỗi, người chơi cũng vậy, cho dù đó chỉ là một số ít người mà ta hay gọi là đại gia! Chỉ có điều, cái trò chơi vốn do những người chăn cừu xứ Anh nghĩ ra từ thế kỷ XVI, giờ đã phát triển ra nhiều nước trên thế giới, sẽ được đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam, nếu như sự phát triển của nó không ảnh hưởng đến cuộc sống vốn đã rất thanh bần của người nông dân, cũng như ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, mà lại tạo nên những khu vực cảnh quan đẹp hài hoà với thiên nhiên, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng.



Mong sao là vậy!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *