Hà Nội quy hoạch lại hệ thống chợ: Tiện lợi cho người tiêu dùng











Chợ đầu mối phía Nam sẽ giảm áp lực quá tải cho chợ Long Biên.

KTĐT – Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 489 chợ, 162 trung tâm thương mại các loại và 178 đại siêu thị, siêu thị, cùng với 8 chợ đầu mối, trong đó, có 2 chợ đầu mối cấp vùng quy mô cực lớn, diện tích dự kiến 50 ha/chợ, đặt vị trí tại đường 5 kéo dài và địa phận huyện Thường Tín.



Từ nay đến cuối năm, UBND TP Hà Nội đã giao cho Tổng Công ty Thương mại (Hapro) xây dựng chuỗi 94 cửa hàng rau và thực phẩm an toàn. Con số này tăng lên thành 250 cửa hàng vào năm 2010. Đây là một trong những hướng phát triển của Hà Nội để mở rộng các kênh phân phối, đưa sản phẩm sạch, chất lượng cao tới gần hơn với người tiêu dùng. Sức cạnh tranh của hệ thống bán lẻ trong nước, nhờ đó cũng được nâng cao thêm trước áp lực mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài.


Hoàn thiện hệ thống chợ và cửa hàng để phục vụ nhu cầu người dân


Theo bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, toàn địa bàn thành phố hiện có 362 chợ được xếp hạng từ loại 1 đến chợ đầu mối (chưa kể các chợ cóc, chợ tạm). Khu vực Hà Nội cũ có khoảng 135 chợ. Chừng 200 chợ trên địa phận Hà Tây cũ chủ yếu là chợ loại 3 (chợ dân sinh), chỉ có 2 chợ lớn, quy mô bề thế hơn là chợ Hà Đông và chợ Nghệ (Sơn Tây).

Cuối năm 2008, trước thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ trong nước cho các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành xây dựng quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ tại địa phương mình, chuẩn bị tinh thần và hạ tầng cơ sở cho cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà. Hà Nội đã lập ra ban soạn thảo đề án “Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ đến năm 2020”, đưa ra lấy ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành và người dân. Hiện dự thảo quy hoạch cơ bản đã hoàn thiện, đang chờ được phê chuẩn.


Bà Nguyễn Thị Như Mai cho biết, trong dự thảo quy hoạch, 4 quận nội thành cũ (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình) sẽ không xây thêm chợ. Lý do, một phần quỹ đất không còn, phần nữa giao thông không thuận tiện để tiếp tục xây các chợ lớn trong trung tâm thành phố.


Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 489 chợ, 162 trung tâm thương mại các loại và 178 đại siêu thị, siêu thị, cùng với 8 chợ đầu mối, trong đó, có 2 chợ đầu mối cấp vùng quy mô cực lớn, diện tích dự kiến 50 ha/chợ, đặt vị trí tại đường 5 kéo dài và địa phận huyện Thường Tín.


Cũng từ năm 2010, các chợ Hà Nội sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã, bỏ cơ cấu ban quản lý như hiện nay. Thành phố cũng đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng góp vốn mở mang, hiện đại hóa các chợ, tăng cường văn minh thương mại, đáp ứng nhu cầu rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân. Riêng khoảng 40 xã miền núi, xã nghèo thuộc 10 huyện ngoại thành chưa có chợ, thành phố sẽ dùng vốn ngân sách để xây chợ dân sinh. 


Mở rộng, nâng cấp chợ đầu mối – kênh phân phối lớn


Hiện nay, tại Hà Nội, việc phân phối, trung chuyển hàng hóa là nông thổ sản, hoa quả… được tập trung tại các chợ đầu mối Long Biên, chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Dịch Vọng…


Chợ Long Biên đang lâm tình trạng xuống cấp, quá tải, lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho các xe tải trọng lớn sang mạn (bốc xếp, chuyên chở hàng hóa). Hà Nội đã giao cho Hapro tiếp quản, nâng cấp chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ, quận Hoàng Mai) để giảm áp lực quá tải cho chợ Long Biên. Sau khi hoàn thiện quá trình cải tạo nâng cấp giai đoạn 1, chợ đã tiếp nhận được 400 xe và hơn thế nữa mỗi ngày. Chợ đầu mối Đền Lừ thường tiếp nhận xe chở hàng hóa từ miền Nam ra, hàng nhập từ Thái Lan về…


Trong quy hoạch, ngoài 2 chợ đầu mối cấp vùng, còn 6 chợ đầu mối cấp Hà Nội, gồm cả chợ đầu mối Quảng An dành riêng cho mặt hàng hoa và cây cảnh các loại. Các chợ đầu mối sẽ được kéo ra xa khu vực nội thành để tiện mở rộng diện tích, xây dựng hạ tầng và thuận lợi trong giao thông đi lại.


Theo ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hapro, các chợ đầu mối giúp thành phố chủ động nguồn hàng, kịp đáp ứng cho các điểm bán lẻ, các chợ dân sinh với giá thành rẻ nhất, hàng hóa chất lượng tốt nhất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


“Nắm” chợ đầu mối và mở rộng hệ thống chợ tại các địa bàn dân cư là cách thức mà Hà Nội chọn để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thường sẵn lợi thế về vốn, thương hiệu và chiến lược làm ăn bài bản, quy mô. Ngoài ra, Hà Nội cũng có hướng kết hợp giữa chợ và trung tâm thương mại hiện đại với mong muốn đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của đại bộ phận nhân dân



Theo CAND

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *